Bão lụt và các thay đổi bất thường về thời tiết là những điều kiện thuận lợi cho thực phẩm dễ bị ô nhiễm vi sinh vật. Đảm bảo an toàn thực phẩm giúp giảm các nguy cơ ngộ độc và các bệnh lây qua đường tiêu hóa.
Trong điều kiện khó khăn, nguồn cung cấp thực phẩm sạch bị hạn chế, hơn nữa thời tiết ẩm thấp dễ sinh nấm mốc gây ngộ độc, mắc khuẩn lỵ, tiêu chảy do virus nếu không biết cách bảo quản.
Vậy làm cách nào để bảo quản thực phẩm mùa lũ thế nào đúng cách?
Trước hết, các hộ gia đình thường xuyên tổng vệ sinh các công trình nhà ở và công cộng (nhà bếp, giếng nước...) đặc biệt chú ý khử nước và đun sôi nước trước khi uống.
Không sử dụng thực phẩm đã ôi thiu, mốc hỏng. Tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết do ngập nước hoặc chết do ngộ độc, chết không rõ nguyên nhân để chế biến làm thực phẩm.
Tiếp đến, người dân cần rửa tay bằng xà phòng khô, nước rửa tay khô trước và sau khi chế biến thức ăn, sau mỗi lần đụng chạm đồ vật ngoài trời hoặc đi vệ sinh.
Thường xuyên vệ sinh toàn bộ bề mặt và dụng cụ chế biến thực phẩm bằng nước sạch và chất tẩy rửa sau mỗi lần chế biến. Giữ gìn khu vực bếp, khu chế biến thực phẩm và thực phẩm phòng tránh côn trùng, sâu bọ và các động vật khác xâm nhập.
Thứ ba, mọi người nên để riêng thực phẩm sống và thực phẩm chín, không để lẫn lộn thịt gia cầm gia súc chung với thực phẩm khô.
Ngoài ra, nên phân dụng cụ chế biến cắt gọt thực phẩm chín và tươi sống riêng. Bảo quản thực phẩm trong các dụng cụ có nắp đậy để tránh ô nhiễm giữa thực phẩm sống. Đun nấu kỹ thực phẩm, đặc biệt là các loại thịt, trứng và hải sản. Giữ thực phẩm đã nấu chín ở nhiệt độ trên 60 độ C trước khi ăn, không ăn đồ tái sống, đồ gỏi trong thời gian này.
Với các sản phẩm đóng hộp, tuyệt đối không sử dụng thực phẩm đã quá hạn sử dụng, đồ hộp bị phồng, méo, bung nắp có dịch lạ.
Giữ vệ sinh an toàn thực phẩm là điều cần thiết trong giai đoạn bão lũ khắc nghiệt này.
Trang Dung (Tổng hợp)
Link nội dung: https://phano.net.vn/bao-quan-thuc-pham-mua-lu-the-nao-cho-dung-cach-a8227.html