Người Đưa Tin Pháp luật đã có cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ Bùi Nguyên Bảo về thành tựu của ông Trump trong nhiệm kỳ 4 năm vừa qua, vị thế của nước Mỹ, quan hệ với Nga và Trung Quốc, “làn gió mới” đến từ Joe Biden, cũng như dự đoán về người chiến thắng.
Thành tựu của Tổng thống Donald Trump 4 năm qua gây nhiều tranh cãi. Người cho rằng chính sách “nước Mỹ trên hết” của ông thực sự đã đưa nước Mỹ trở lại. Tuy nhiên, quan điểm chỉ trích lại nói rằng chính sách của ông Trump đã đánh đổi bằng việc xích mích với các đồng minh lâu đời như châu Âu, NATO, Nhật Bản, Hàn Quốc và đặc biệt là mạo hiểm bước vào cuộc chiến thương mại nhiều rủi ro với Trung Quốc. Theo tiến sĩ, đó là định hướng cần thiết mà nước Mỹ cần làm để củng cố sức mạnh nội tại giữa bối cảnh các đối thủ cạnh tranh quyền lực và kinh tế đang phả hơi nóng phía sau, hay đây là bước lùi của nước Mỹ khi từ bỏ vai trò siêu cường dẫn dắt toàn cầu?
Từ quan điểm cá nhân, không có cơ sở nào để chúng tôi nhìn nhận Mỹ từ bỏ vai trò siêu cường, chỉ là có sự điều chỉnh trong phương cách thực hiện. Lợi ích của Mỹ với mục tiêu bá quyền là không thay đổi, chỉ có chiến lược để đạt được mục tiêu tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau.
Từ chỗ phải gánh vác trách nhiệm nhiều hơn, nước Mỹ yêu cầu thế giới nói chung và các đồng minh nói riêng phải cùng đóng góp. Do đó, cách tiếp cận của ông Obama và ông Trump khác nhau khiến chúng ta “có cảm giác” khác nhau về vai trò của Mỹ. Không nên vì những động thái mà kết luận bản chất.
Lấy ví dụ về chính sách đồng minh, thực ra chính sách “đồng minh đi trước” hay yêu cầu “chia sẻ trách nhiệm” (chi phí quân sự, tài chính…) không phải đến thời Tổng thống Trump mới xuất hiện mà vốn dĩ đã được khởi xướng từ người tiền nhiệm – ông Obama.
Nước Mỹ suy yếu sau thời gian sa lầy ở Trung Đông và chịu các đòn khủng hoảng kinh tế dưới thời Tổng thống Bush bắt buộc các ông chủ Nhà Trắng tiếp theo phải yêu cầu các đồng minh đóng góp nhiều hơn (nhất là tài chính) nhưng không làm thay đổi lợi ích của Mỹ.
Do cách làm của ông Obama có phần nhẹ nhàng, không ồn ào… còn ông Trump thì cưỡng ép công khai, thậm chí đe dọa nên khiến các đồng minh phản ứng, nhưng phản ứng rồi sau đó vẫn phải nhượng bộ. Chúng ta thấy rõ điều này qua trường hợp Hàn Quốc chấp thuận các SAT (Thỏa thuận về đóng góp chi phí duy trì quân đồn trú Mỹ tại Hàn Quốc) theo hướng Seoul phải chi nhiều tiền hơn, hay Hàn Quốc phải chấp nhận tái đàm phán và năm 2019 là nước đầu tiên ký lại Hiệp định thương mại tự do (KORUS FTA) với Mỹ dù chỉ vừa ký trước đó 7 năm, mà những điều khoản mới rõ ràng có lợi cho Mỹ hơn.
Cũng cần thấy rằng, việc không hài lòng về Mỹ không có nghĩa là các đồng minh sẽ xích lại tuyệt đối gần với các đối thủ của Mỹ, nhất là Trung Quốc. Đó cũng là cơ hội cho sự trưởng thành chính sách của những nước đồng minh vốn đã lệ thuộc quá nhiều vào Mỹ. Do đó, những chỉ trích cách tiếp cận của Tổng thống Donal Trump suy cho cùng cũng xuất phát chủ yếu từ sự khác biệt trong hai yếu tố: Tư duy và lợi ích. Tư duy chính trị đối lập sẽ chỉ trích ông Trump. Các đồng minh bị ảnh hưởng lợi ích do sự cưỡng ép của Mỹ sẽ chỉ trích ông Trump. Tôi cho rằng những chỉ trích như vậy là bình thường và đã nằm trong dự đoán của chính ông Trump.
Giới quan sát đánh giá đảng Dân chủ 4 năm qua không mang lại gương mặt nào nổi trội mà chỉ toàn “người cũ quen mặt”, từ Hillary Clinton đến Joe Biden. Đại diện của đảng Dân chủ trong hai cuộc bầu cử bị nhận xét là “một màu” và dường như khó lấn át được cá tính mạnh mẽ của ông Trump. Đặc biệt, giới quan sát nhận định rằng ông Joe Biden dường như muốn đưa các chính sách mang hơi hướng “dĩ hòa vi quý” dưới thời Barack Obama trở lại. Nhưng liệu nước Mỹ có cần một Barack Obama “phiên bản 2” hay tiếp tục chờ đợi cuộc phiêu lưu và những điều bất ngờ chưa từng có đến từ chính khách khó lường như Tổng thống Trump?
Nếu nói rằng đảng Dân chủ không mang lại gương mặt nổi trội thì chưa toàn diện, đúng hơn là chưa tìm được gương mặt mới, họ vẫn nổi trội đấy chứ, chỉ là họ không mới. Đặc điểm này xuất phát từ một lý do khá cơ bản là di sản chính trị của cựu Tổng thống Barack Obama là cực kỳ lớn, di sản này vượt ra khỏi những giá trị cơ bản của đảng Dân chủ mà có sức ảnh hưởng lớn và khá bền vững trong trung hạn đối với chính trường Mỹ (tức là kể cả với nhiều người Cộng hòa).
Chúng ta có thể thấy ngay từ khi cuộc bầu cử này khởi động, tất cả các ứng viên phe Dân chủ đều lần lượt đến văn phòng của ông Obama để tham vấn. Bên cạnh đó, việc cử tri Mỹ dường như ngán ngẩm với chính trị truyền thống, sự dâng lên của chủ nghĩa dân túy cũng dẫn đến những yêu cầu mới về một ứng viên Tổng thống Mỹ. Về phương diện này, các giá trị cốt lõi của đảng Dân chủ chưa thể điều chỉnh được để tìm ra một ứng viên có những màu sắc như Trump. Không phải không có những cá nhân như ông Trump trong đảng Dân chủ, mà truyền thống của đảng không chấp nhận những con người có đặc điểm như vậy. Do đó, tôi nghĩ mỗi tầng lớp cử tri Mỹ sẽ có một mong muốn khác nhau trong kỳ bầu cử.
Nước Mỹ đang phải đối mặt với tình trạng bất ổn dân sự lớn: Sự tàn phá của đại dịch Covid-19, cái chết của George Floyd bùng lên mâu thuẫn xã hội, cùng lúc với tỷ lệ thất nghiệp gia tăng chưa từng thấy kể từ cuộc Đại suy thoái… Những đòi hỏi đó dường như sẽ kéo phần đông người Mỹ về một trạng thái ôn hòa, tìm kiếm chính sách ổn định hơn, thực tế hơn là những cuộc phiêu lưu như bạn nói. Nhưng cũng không vì thế mà nói rằng nếu thành tổng thống, ông Biden sẽ là một Obama thứ 2.
Đặc trưng văn hóa chính trị Mỹ cho thấy có những sự kế thừa nhất định của người kế nhiệm dù người tiền nhiệm của họ là phe nào. Có thể ông Biden sẽ theo đuổi một chương trình chống biến đổi khí hậu nhưng không mạnh mẽ như thời Obama, cũng không tập trung đạt được các Hiệp định thương mại tự do (FTA) theo hướng cưỡng ép đối tác như thời TT Trump mà sẽ tập trung giải quyết rất nhiều vấn đề xã hội, kinh tế, việc làm… mà nước Mỹ đang đối mặt về đối nội, đồng thời tìm cách duy trì ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới về đối ngoại. Thậm chí, chúng tôi nghĩ ông Biden còn cứng rắn hơn với các điểm nóng (Triều Tiên) và đối thủ (Trung Quốc) hơn cả ông Trump.
Người ta nói đến việc Mỹ không còn là siêu cường số 1, không còn là kẻ thống trị, thế giới bước vào đa cực với hàng loạt thế lực như Nga, Trung Quốc, vậy vị trí thực sự của Mỹ ngày nay thế nào? Liệu Mỹ thực sự sẽ không còn là cường quốc hàng đầu thế giới?
Sức mạnh Mỹ bắt đầu suy giảm, nhưng đó là sự suy giảm tương đối. Bên cạnh khủng hoảng tự thân của Mỹ, sự suy giảm sức mạnh được nhìn thấy cũng là do chúng ta đối chiếu với sự trỗi dậy của các cực khác, mà đáng kể nhất là Trung Quốc. Theo góc nhìn từ Chủ nghĩa Tân Hiện thực (một học thuyết nổi bật trong nghiên cứu quan hệ quốc tế), hệ thống quốc tế (quyền lực bên trên nhà nước) tác động đến quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại hơn là đặc điểm chính trị nội bộ. Từ góc nhìn này, có thể thấy vị trí đỉnh cực trong hệ thống quốc tế của Mỹ đang bị đe dọa khi các cực khác cải thiện được vị trí của mình theo hướng gia tăng quyền lực.
Tuy nhiên, Trung Quốc chưa thể ngay lập tức lấp vào “khoảng trống quyền lực” mà Mỹ để lại. Trung Quốc có thể vượt Mỹ ở một vài lĩnh vực và một vài khu vực nhưng khả năng Trung Quốc vươn lên lãnh đạo cao nhất khó xảy ra trong 10 năm tới vì với khoảng thời gian ngắn như vậy, Trung Quốc vẫn chưa đủ khả năng chống lại được các đối thủ về mặt quân sự, đấy là chưa nói đến việc áp đặt được ý chí của mình cho cả khu vực.
Trung Quốc có tiềm lực trở thành nước lớn có ảnh hưởng mang tính toàn cầu, nhưng thực lực so với Mỹ vẫn còn có sự chênh lệch.
Chưa phải là cực đối đầu toàn diện với Mỹ nhưng Trung Quốc đang và sẽ đóng vai trò là nhân tố phá vỡ các luật chơi đã được Mỹ áp đặt. Trong khi đó, sức mạnh của Mỹ có suy giảm nhưng xét về tổng thể nhưng nước này vẫn là siêu cường hàng đầu, đó là cơ hội để Mỹ tìm kiếm chính sách mới với cả đối thủ lẫn đồng minh để duy trì một trật tự bá quyền nhưng theo cách tiếp cận mới, trong đó có dựa vào hệ thống đồng minh.
Theo cá nhân tôi, thế giới trong thập kỷ tới vẫn chưa thể là thế giới hai cực hay đa cực mà vẫn ở trạng thái nhất siêu tương đối (Mỹ) và siêu cường đó bị thu hẹp khoảng cách với các cực khác. Bối cảnh đó sẽ tạo ra cạnh tranh gay gắt, dẫn đến những nguy cơ lớn về an ninh – xung đột, nhất là ở những địa bàn mà các cường quốc cạnh tranh, mà trực diện nhất là châu Á – Thái Bình Dương. Việc ai trở thành Tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử sắp tới không thay đổi thực tế này. Rất khó để các nhà hoạch định chính sách bên cạnh tổng thống để nhà lãnh đạo có những quyết định sai lầm!
Nếu chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 3/11 tới đây, ông Joe Biden sẽ làm gì để thay đổi bộ mặt nước Mỹ. Liệu người dân Mỹ và các đồng minh của Mỹ có cần điều đó hay không? Còn ngược lại, nếu ông Trump tái đắc cử, các chính sách của ông nên giữ nguyên hay cần có sự linh hoạt mới mẻ hơn?
Về đối nội, không một chính sách nào có thể thỏa mãn tất cả mọi tầng lớp cử tri, người dân. Về đối ngoại, không một trật tự nào có thể thỏa mãn mọi siêu cường, hoặc chí ít là cường quốc. Do đó, sự thay đổi là có khi một tổng thống mới xuất hiện, nhưng không chấm dứt được chia rẽ trong nội bộ và không ngăn được sự cạnh tranh bên ngoài. Riêng về đối ngoại, chúng ta vẫn phải khẳng định một thực tế lịch sử Mỹ cho thấy chính sách đối ngoại ít khi thay đổi dù người lên giữ chức tổng thống là Dân chủ hay Cộng hòa. Lợi ích đối ngoại của nước Mỹ được bảo vệ bất kể ông chủ Nhà Trắng là ai. Có ý kiến cho rằng sau khi ông Trump đắc cử (11/2016), điều này không còn đúng do cách tiếp cận bất thường của ông với truyền thống đối ngoại Mỹ.
Về hình thức, chúng ta thấy ông đảo ngược di sản của người tiền nhiệm, không ưu tiên nhiều vấn đề Cuba, Iran và lại rất tập trung vào quan hệ với Triều Tiên – nơi vốn dĩ ông Obama chọn tiếp cận cứng rắn. Tuy nhiên dù cách hành động có phần khác trước, nhưng ông Trump cũng không rời xa đại chiến lược Mỹ là duy trì sức mạnh toàn cầu. Vì vậy, mặc dù tuyên bố chấm dứt chính sách xoay trục của Obama, chiến lược “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Tổng thống Trump có nhiều nét tương đồng với chiến lược của ông Obama, trong đó có việc củng cố quan hệ với các đồng minh và đối tác mới.
Do đó, tôi cho rằng dù ông Trump tái cử hay ông Biden trở thành tổng thống, Mỹ chỉ thay đổi về cách tiếp cận do đặc điểm cá nhân của cá nhà lãnh đạo, còn Mỹ không thể xa rời mục tiêu củng cố sức mạnh, gia tăng ảnh hưởng (nhất là ở châu Á – Thái Bình Dương), kiềm chế Trung Quốc, vừa đối đầu trực diện (như cách làm của ông Trump), vừa một tập hợp lực lượng giữa những nước cùng có mối lo ngại về “sự trỗi dậy” của Trung Quốc (như ưu tiên của ông Obama).
Theo ông thế giới sẽ ủng hộ ai, một nhà lãnh đạo khó đoán như Tổng thống Trump hay hy vọng vào một Joe Biden dung hòa hơn?
Tùy theo lợi ích của mình, mỗi nước lại có một mong muốn riêng, thậm chí không phải không có kịch bản về những sự can thiệp từ bên ngoài đến hành vi của cử tri Mỹ. Nhìn vào bối cảnh thế giới hiện tại, chúng ta có thể đọc vị được nhóm nước nào ủng hộ Trump, nhóm nước nào ủng hộ Biden, chẳng hạn rất khó để nghĩ rằng Trung Quốc yêu thích khả năng Trump tái cử, nhưng Biden đâu phải người sẽ dễ dàng với Trung Quốc. Chính sách tái cân bằng/xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương, kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc chẳng phải được khởi động bởi chính cựu cấp trên của ông Biden và bản thân ông Biden cũng là phó tướng trong ekip đó suốt 8 năm hay sao?
Nhưng giữa mong muốn và kế sách, rõ ràng một Chính phủ vẫn phải nghiêng về năng lực đối sách hơn. Do đó, dù là Trung Quốc, Nga, Nhật, Đức… việc lúc này của mỗi nước không phải là ủng hộ hay không ủng hộ ai, mà là sẽ phân tích, dự báo những điều chỉnh, thay đổi (nhất là về chính sách đối ngoại Mỹ) để có phương án phù hợp bảo vệ lợi ích của dân tộc, quốc gia mình.
Câu hỏi cuối cùng, từ góc nhìn cá nhân, theo tiến sĩ, cử tri Mỹ sẽ chọn ai?
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay được dự báo là khốc liệt, do sự thiếu tuyệt đối ưu điểm ở cả hai ứng cử viên. Đương kim Tổng thống bao giờ cũng dễ dàng có ưu thế hơn, nhưng năm nay lại không như vậy, do những tác động từ ngoại cảnh như vấn đề chia rẽ sắc tộc, khả năng ứng phó với đại dịch, sự ủng hộ từ giới doanh nhân, doanh nghiệp Mỹ…
Chúng tôi đã nhìn thấy một quá trình kiểm phiếu sẽ mất thời gian hơn, nhiều tranh cãi hơn... Từ góc nhìn cá nhân, trong một cuộc bầu cử chia rẽ, kết quả rất khó nói, ngay cả với cử tri Mỹ chưa chắc đã có lựa chọn ở thời điểm này, khả năng thay đổi ngay trước khi bỏ phiếu vẫn rất cao (hơn mức bình thường so với các cuộc bầu cử trước đây).
Chiến thắng trong bầu cử Tổng thống Mỹ không hẳn đã là được lòng đa số người dân mà bên nào có kỹ thuật tranh cử, giành phiếu tốt hơn. Vì vậy để trả lời cho câu hỏi của bạn, cử tri Mỹ sẽ chọn ai, theo chúng tôi, ông Biden sẽ giành nhiều phiếu phổ thông hơn ông Trump (như bà Hillary Clinton 4 năm trước) – nghĩa là phần đông cử tri Mỹ sẽ chọn Biden.
Khả năng ông Trump giành nhiều phiếu đại cử tri hơn (tức chiến thắng tại các bang có phân bổ nhiều đại cử tri hơn và các bang chiến trường) tuy không còn cao như năm 2016 nhưng những nỗ lực cuối cùng của ekip Trump về mặt kỹ thuật chính trị sẽ tác động được đến kết quả bầu cử.
Cả hai ứng viên sẽ còn nhiều việc phải làm vào cuối tuần này tại các bang “phân vân”, các bang chiến trường… vì điều đó lại càng ý nghĩa trong một cuộc bầu cử được dự báo là người chiến thắng chỉ chiến thắng… sít sao!
Xin cảm ơn tiến sĩ!
Bùi Nguyên Bảo (Kim Nguyên Bảo) là Tiến sĩ Quan hệ quốc tế tốt nghiệp tại Học viện Ngoại giao, nhà nghiên cứu độc lập. Anh nghiên cứu sâu về chính sách đối ngoại Mỹ, quan hệ quốc tế ở châu Á – Thái Bình Dương, ASEAN, ngoại giao công chúng...Anh thỉnh giảng tại một số cơ sở đào tạo như Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), Học viện Ngoại giao Việt Nam, từng đoạt giải Bài viết xuất sắc Giải thưởng Nghiên cứu Biển Đông.
Link nội dung: https://phano.net.vn/chuyen-gia-viet-nam-du-doan-bau-cu-my-kich-ban-lap-lai-a8200.html