Bên ngoài nhà thờ xảy ra vụ tấn công ở Nice hôm 29/10. Ảnh: AP. |
Vụ tấn công khủng bố giết chết ba người ở Nice hôm 29/10 đã khiến nước Pháp phải đối mặt thách thức cả trong và ngoài nước.
Paris kêu gọi các biện pháp cứng rắn chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với các quốc gia đạo Hồi trên thế giới.
Một kẻ dùng dao tấn công, tại nhà thờ có kiến trúc tân Gothic ở Nice, giết chết hai người, bao gồm một phụ nữ 60 tuổi gần như bị chặt đầu. Nạn nhân thứ ba chết sau khi chạy vào trú ẩn trong một quán bar gần đó.
Nhân viên pháp y bên ngoài nhà thờ ở Nice hôm 29/10 sau vụ tấn công. Ảnh: AFP. |
Vụ tấn công ở Nice xảy ra chưa đầy hai tuần sau vụ chặt đầu một giáo viên gây rúng động cả nước và khiến Tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố rằng Hồi giáo cần một phong trào Khai sáng.
Jean-François Ricard, công tố viên chống khủng bố hàng đầu của Pháp, cho biết nghi phạm là thanh niên người Tunisia, sinh năm 1999, đã nhập cảnh vào Pháp sau khi đến Italy vào ngày 20/9.
Ông cho biết thanh niên này, hiện chưa được giới chức Pháp biết rõ, đã bị bắt sau khi vừa lao vào cảnh sát vừa hét lớn "Allahu akbar", và phải nhập viện với những chấn thương nghiêm trọng.
"Rõ ràng là nước Pháp bị tấn công", ông Macron nói sau khi nhanh chóng đến Nice. Giới hữu trách Pháp đã đặt đất nước đang hỗn loạn ở mức đe dọa khủng bố cao nhất.
Tự do biểu đạt hay báng bổ tôn giáo?
Các vụ giết người xảy ra vào thời điểm mà những lời nói và việc làm gần đây của chính phủ Pháp gây ra mâu thuẫn với người Hồi giáo cả trong và ngoài nước, bao gồm cả những nguyên thủ quốc gia như Tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ.
Việc mà nhiều người Pháp coi là cương quyết bảo vệ sự an toàn và tự do biểu đạt tại nước này, lại bị nhiều người Hồi giáo coi là trò tế thần và báng bổ tôn giáo của họ.
Chỉ vài tuần trước, ông Macron đã kêu gọi một "Hồi giáo khai sáng" và "Hồi giáo có thể chung sống hòa bình với nền cộng hòa", trong những gì ông mô tả là cuộc chiến mới chống lại chủ nghĩa cực đoan và những thách thức đối với tư tưởng thế tục tại Pháp.
Kể từ sau vụ sát hại giáo viên ở ngoại ô Paris, chính phủ của ông đã tung ra chiếc lưới rộng để "vây bắt" những gì mà họ xác định là chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, làm phật lòng nhiều người Hồi giáo ở Pháp và dẫn đến sự chỉ trích mạnh mẽ từ các nước Hồi giáo.
Các biện pháp bao gồm trục xuất những người nước ngoài đang ngồi tù bị nghi ngờ có liên kết với khủng bố, tiến hành các cuộc đột kích và truy quét một nhóm mà chính phủ Pháp cáo buộc là "ủng hộ Hồi giáo cực đoan" và ngôn từ thù hận.
Song không nhiều trong số những người bị ảnh hưởng bởi các biện pháp này có bất cứ mối liên hệ trực tiếp nào với vụ chặt đầu giáo viên, trong đó nghi phạm là một người tị nạn 18 tuổi từ Chechnya.
Phạm vi phản ứng của chính phủ và ngôn từ gay gắt của một số lãnh đạo đã khiến ông Macron bị chỉ trích là đang chính trị hóa vụ tấn công và chiêu dụ những cử tri có thể ủng hộ những chính trị gia phe cực hữu.
Bộ trưởng Giáo dục của ông đã mô tả các chính trị gia cánh tả là những người biện hộ cho tín đồ Hồi giáo.
Bộ trưởng Nội vụ của ông đã liên kết "Hồi giáo mang tính chính trị" với chủ nghĩa khủng bố và thậm chí còn gièm pha lối đi dành cho người Hồi giáo trong các siêu thị.
Người dân tại Quetta, Pakistan, đốt ảnh ông Macron hôm 29/10. Ảnh: AFP. |
Người Palestine đã kêu gọi "ngày thịnh nộ" chống lại Pháp. Phong trào biểu tình và tẩy chay các sản phẩm của Pháp đã nhanh chóng lan rộng từ Bangladesh đến Qatar.
Và các nhà lãnh đạo Hồi giáo đã lên án ông Macron vì những gì họ mô tả là hình thức trừng phạt tập thể đối với người Hồi giáo ở Pháp.
Hôm 29/10, các quan chức Pháp đã đặc biệt phẫn nộ trước bình luận trên Twitter của ông Mahathir Mohamad, cựu thủ tướng Malaysia, người nói rằng tín đồ Hồi giáo có quyền "giết hàng triệu người Pháp vì các vụ thảm sát trong quá khứ".
Chính phủ Pháp nhanh chóng yêu cầu Twitter khóa tài khoản của ông Mahathir vì kích động thù hận và bạo lực. Bài đăng sau đó đã bị gỡ bỏ.
Không nhún nhường
Không có điều gì làm lung lay quyết tâm của chính phủ Pháp, thực tế là của phần lớn công chúng nước này. Họ cho rằng các biện pháp được đề ra là chính đáng ở một quốc gia trở thành mục tiêu trong hàng chục vụ tấn công lớn nhỏ của các phần tử Hồi giáo cực đoan kể từ năm 2015, khiến hơn 200 người thiệt mạng.
Đặc biệt, các vụ giết người gần đây nhất - lần đầu là bên ngoài một trường học công lập và sau đó là tại một nhà thờ - đã xảy ra tại hai trụ cột trung tâm của bản sắc Pháp.
"Nếu chúng ta bị tấn công một lần nữa thì đó là vì các giá trị là của chúng ta" ông Macron nói, bao gồm quyền tự do tín ngưỡng và tự do biểu đạt. "Chúng ta sẽ không nhún nhường trước bất cứ điều gì".
Ông Macron tại hiện trường vụ tấn công ở Nice hôm 29/10. Ảnh: AFP. |
Tuy nhiên, ở cả bên trong và bên ngoài nước Pháp, các vụ tấn công đã thổi bùng lên thời khắc quan trọng trong cuộc sống ở một quốc gia lâu nay vẫn phải vật lộn để hòa hợp với cộng đồng người Hồi giáo lớn nhất châu Âu.
Vụ tấn công ở nhà thờ Nice xảy ra sau gần hai tháng căng thẳng leo thang, bắt đầu khi tạp chí châm biếm, Charlie Hebdo, đăng lại các bức tranh biếm họa về nhà tiên tri Muhammad vào đầu tháng trước, nhân phiên tòa xét xử những người bị cáo buộc là đồng phạm trong vụ tấn công nhằm vào tòa soạn này năm 2015.
Ông Macron và các quan chức Pháp khác kiên quyết cho rằng việc đăng bức tranh là quyền tự do biểu đạt. Giáo viên bị chặt đầu đã cho học sinh xem tranh biếm họa về nhà tiên tri Muhammed trong một lớp học về chủ nghĩa thế tục và tự do ngôn luận.
Việc này khiến một số người Hồi giáo tức giận, bao gồm cả thanh nhiên 18 tuổi hoàn toàn xa lạ đã tìm kiếm và giết chết thầy giáo.
Vụ tấn công hôm 29/10 là dư âm đáng lo ngại sau vụ chặt đầu giáo viên, và ngay lập tức củng cố lời kêu gọi của một số nhà chức trách Pháp về các biện pháp thậm chí còn cứng rắn hơn có thể gây chia rẽ đất nước hơn nữa.
"Vậy là đủ rồi", Thị trưởng của Nice, Christian Estrosi, nói với BFM TV. "Đã đến lúc Pháp tự miễn áp dụng luật thời bình để tiêu diệt vĩnh viễn chủ nghĩa phát xít Hồi giáo trên lãnh thổ của chúng ta".
Tại Nice, khi hàng chục người đứng bên ngoài nhà thờ Đức Mẹ Thăng Thiên vào chiều 29/10, căng thẳng có thể nhìn thấy rõ ràng - và có lẽ đã trở nên tồi tệ hơn bởi việc Pháp sắp sửa phong tỏa toàn quốc một tháng để khống chế sự lây lan của virus corona.
Người dân đặt nến tưởng niệm nạn nhân bên ngoài nhà thờ ở Nice hôm 29/10. Ảnh: AFP. |
Khi một imam (lãnh đạo Hồi giáo) ở địa phương trao đổi với các phóng viên và kêu gọi mọi người không quy kết người Hồi giáo là phần tử khủng bố, một cư dân đã hét lên "cút đi" từ ban công.
Imen Gharbi, 24 tuổi, người Tunisia, đã theo học về lịch sử nghệ thuật ở Nice hai năm, cho biết cô lo lắng về bầu không khí trong vài ngày qua.
"Vụ tấn công này khiến tôi bị sốc, thật kinh tởm và giống như những người khác, tôi lên án nó, nhưng chúng ta không được quy kết người Hồi giáo và bọn khủng bố là một", cô nói.
Gharbi, một người theo đạo Hồi, nói cô cảm thấy bị nhắm tới bởi những bình luận về chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo. "Mọi người đang tức giận và tôi không còn cảm thấy an toàn nữa", cô nói.
Dịch chuyển sang cánh hữu
Christian Aucler, tư vấn viên về thuế đã nghỉ hưu, nói rằng vụ chặt đầu giáo viên và vụ giết người hôm 29/10 là bằng chứng cho thấy các trụ cột của xã hội Pháp đang bị tấn công.
"Rõ ràng có một tôn giáo đang cố gắng chiếm lấy các nguyên tắc của chúng ta", ông Aucler nói. "Người Pháp rất gắn bó với lịch sử của họ, với văn hóa của họ. Chứng kiến một phần nền văn minh bị tấn công và bị nghi vấn là điều mà họ cảm thấy rất tồi tệ".
Ông Ricard cho biết nghi phạm ở Nice đã bị camera giám sát ghi lại vào sáng 27/10 tại ga tàu chính của thành phố, nơi có thể nhìn thấy anh ta lộn áo khoác từ mặt trong thành mặt ngoài và thay giày trước khi lên đường đến nhà thờ. Bên trong nhà thờ, ông cho biết, thanh niên này đã cắt cổ nạn nhân 60 tuổi.
Người Hồi giáo ở Marseille cầu nguyện cho nạn nhân vụ tấn công ở Nice. Ảnh: AFP. |
Hàng loạt vụ tấn công trong 5 năm qua đã khiến nước Pháp dịch chuyển sang cánh hữu về mặt chính trị.
Những bức tranh biếm họa ở Charlie Hebdo - điều mà nhiều người Pháp từng coi là ấu trĩ, khiêu khích và thậm chí là cố chấp - đã trở thành phép thử cho cam kết của Pháp đối với các tư tưởng thế tục của mình, trong khi đối với nhiều người Hồi giáo, chúng vốn có tính công kích.
Năm 2006, khi Charlie Hebdo xuất bản những bức tranh này lần đầu tiên, Tổng thống theo đường lối bảo thủ lúc đó, Jacques Chirac, đã lên tiếng chỉ trích việc xuất bản, nói rằng nền tảng của Cộng hòa Pháp cũng dựa trên "giá trị về lòng khoan dung và sự tôn trọng đối với mọi tín ngưỡng".
Ông Macron nói việc tái xuất bản của họ là "quyền được phỉ báng".
Nhắm đến cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2022, ông Macron, người đã chứng kiến sự ủng hộ sụt giảm vì của ứng phó của chính phủ với dịch bệnh, đã ngả về phe cánh hữu trong các vấn đề như tội phạm và vị trí của Hồi giáo ở Pháp.
Khoảng 200 thành viên của một nhóm cực hữu địa phương đã biểu tình ồn ào bên ngoài nhà thờ ở Nice, hát vang bài quốc ca, La Marseillaise.
Đứng trong đám đông là Abdelkader Sadouni, vị imam đã bị người phụ nữ thóa mạ từ ban công nhà mình.
"Tôn giáo của chúng tôi cách xa chuyện này hàng năm ánh sáng - không người Hồi giáo nào ủng hộ chuyện này", ông nói. Song cũng ông lo rằng các vụ tấn công khủng bố đã gieo rắc nỗi sợ hãi về Hồi giáo trong tâm lý quốc gia.
Ông Sadouni nói những kẻ khủng bố đang "phá vỡ sự đoàn kết quốc gia mà chúng tôi mong muốn".
"Điều đó làm tôi lo lắng, đó là những gì họ đang tìm kiếm và họ đang thành công", ông nói.
Link nội dung: https://phano.net.vn/nuoc-phap-khung-hoang-sau-vu-khung-bo-va-chat-dau-a8053.html