Goni đã mạnh lên cấp siêu bão vào sáng ngày 31/10, với sức gió vùng gần tâm bão mạnh gần 290 km/h, theo thông báo của Trung tâm Dự báo bão liên hợp Hải quân Mỹ. Với sức gió này, Goni trở thành cơn bão mạnh nhất thế giới ghi nhận được trong năm 2020.
Nhà chức trách Philippines đã ra lệnh sơ tán khẩn cấp hàng trăm nghìn dân tại các khu vực nằm trên đường đi của tâm bão, dừng mọi hoạt động hàng hải ở vùng biển Đông Bắc nước này, chuẩn bị đón cơn bão dự kiến đổ bộ trong ngày 1/11, theo Inquirer.
Sơ tán khẩn cấp, đóng cửa vùng biển
Theo Cơ quan Khí tượng, Địa lý và Thiên văn Philippines (PAGASA), tới chiều ngày 30/10, siêu bão Goni cách bờ biển phía đông nước này khoảng 980 km.
Cơn bão di chuyển nhanh với vận tốc 20 km/h, hướng về khu vực tỉnh Aurora và Quezon, miền Trung đảo Luzon.
Tối ngày 1/11, rạng sáng ngày 2/11, bão Goni sẽ đổ bộ vào đất liền với sức gió vùng gần tâm bão mạnh 195 km/h, theo PAGASA. Trong khi đó, Trung tâm Dự báo bão liên hợp Hải quân Mỹ dự báo sức gió lên tới 225 km/h khi đổ bộ lên đất liền Philippines.
Cơ quan khí tượng Philippines cảnh báo mưa vừa và mưa to bắt đầu xuất hiện trong sáng ngày 31/10 ở Bicol, Visayas, khu vực Đông Bắc đảo Mindanao, Batanes, Cagayan và Isabela.
Từ chiều 31/10, mưa lớn và rất lớn xảy ra trên khắp đảo Luzon do ảnh hưởng của hoàn lưu bão.
PAGASA cảnh báo sóng to từ 2-2,5 m sẽ tấn công dọc bờ biển các khu vực nằm trong vùng ảnh hưởng của bão Goni.
Trực thăng cứu hộ tiếp cận khu vực Santa Ilocos Sur, phía bắc thủ đô Manila. Ảnh: Reuters. |
Don Culvera, người phát ngôn của Cơ quan Ứng phó tình huống khẩn cấp tỉnh Camarines Norte, cho biết đã sơ tán khẩn cấp 35.000 hộ dân, với gần 200.000 nhân khẩu, khỏi các khu vực nguy hiểm.
Nhà chức trách Philippines cũng sơ tán người dân sống tại các khu vực ven biển gồm Awitan, Bagasbas, Mambalite, San Isidro và Gubat. Công tác sơ tán người dân tại các khu vực này dự kiến hoàn thành vào trưa ngày 31/10.
Tới chiều ngày 1/11, bão Goni dự kiến sẽ cách thành phố Daet, trên đảo Luzon của Philippines, khoảng 55 km về phía đông.
Santiago Mella, quan chức Cơ quan Kiểm soát và giảm thiểu rủi ro thảm họa của tỉnh Camarines Norte, cho biết hy vọng hoàn tất công tác sơ tán tại Vinzons, Mercedes, Paracale và Panganiban trong ngày 31/10. Đây là các thành phố đối mặt nguy cơ lũ quét và sạt lở đất.
Tại tỉnh Quezon, Thống đốc Danilo Suarez cho biết đã ban bố báo động đỏ từ sáng ngày 30/10. Lực lượng chức năng được yêu cầu giám sát và duy trì hoạt động 24/7, nhằm ứng phó các tình huống khẩn cấp khi điều kiện thời tiết xấu đi vì bão.
Melchor Avenilla Jr, Giám đốc Cơ quan Kiểm soát và giảm thiểu rủi ro thảm họa Quezon, cho biết chính quyền tại tỉnh đã thành lập trung tâm sơ tán để tiếp nhận người dân từ các vùng nguy hiểm.
Trong ngày 31/10, Cơ quan Tuần duyên Philippines cũng dừng cấp phép đi biển cho tàu thuyền tại khu vực Đông Bắc đảo Luzon. Các chuyến phà nội địa cũng được yêu cầu dừng hoạt động.
Tại Aurora, nhà chức trách đã chuẩn bị lương thực và nhu yếu phẩm dự trữ để đối phó nguy cơ ngập lụt có thể khiến nhiều khu vực ở tỉnh này bị cô lập.
Dingalan là một trong những thành phố có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại tỉnh Aurora. Người dân tại các khu vực trũng thấp ở thành phố Dingalan đã được sơ tán.
Thị trưởng Dingalan là Sherwin Taay đã ra lệnh cấm ra biển đối với tàu thuyền từ ngày 30/10. Các trường học cũng được yêu cầu đóng cửa trong các ngày 2-3/11.
Cũng trong ngày 30/10, chính quyền tỉnh Isabela, tỉnh lớn thứ hai của Philippines, đã ra lệnh cấm ra khơi, đồng thời cấm người dân sử dụng rượu trong thời gian ảnh hưởng của bão.
Cơ quan xét nghiệm Covid-19 chính dừng hoạt động
Tại Manila, Viện nghiên cứu y học nhiệt đới (RITM) cho biết cơ quan này sẽ dừng hoạt động trong các ngày 1-2/11.
Giám đốc RITM Celia Carlos cho biết quyết định đóng cửa tạm thời nhằm bảo vệ trang thiết bị, cơ sở vật chất bởi "chúng có thể không thể chống chịu sức tàn phá của những cơn bão liên tiếp".
"Chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp giảm thiểu rủi ro, với cân nhắc toàn diện tới vai trò của chúng tôi trong ứng phó với đại dịch Covid-19, đồng thời bảo đảm an toàn cho các nhân viên, các bên liên quan, và những người vận chuyển mẫu bệnh phẩm tới cơ sở của chúng tôi", ông Carlos cho biết.
Lực lượng cứu hộ chuẩn bị phương tiện ứng phó bão. Ảnh: Inquirer. |
RITM là phòng thí nghiệm chính của Philippines, chịu trách nhiệm xét nghiệm lượng lớn mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm Covid-19. Từ tháng 2, cơ sở này đã xử lý hơn 322.000 mẫu bệnh phẩm.
RITM cho biết đã tiến hành sao lưu thông tin, dữ liệu hệ thống đề phòng trường hợp mưa bão làm hư hỏng hoặc gián đoạn nguồn điện. RITM cũng đã chuyển cho Bộ Y tế Philippines số vaccine hiện được lưu trữ tại cơ sở này.
Chưa kịp khắc phục hậu quả bão Molave
Tỉnh Aurora và các khu vực ở miền Trung đảo Luzon đối mặt bão Goni trong khi hậu quả do các cơn bão Saudel và Molave còn chưa kịp khắc phục.
Bão Molave, đổ bộ Philippines tuần trước, đã làm hư hỏng hệ thống kiểm soát lũ lụt ở thị trấn San Luis, đồng thời gây ra tình trạng ngập lụt nghiêm trọng tại các thành phố Dilasag và Casiguran, tất cả đều thuộc tỉnh Aurora.
Tỉnh tại Nueva Ecija, mực nước tại đập Pantabangan đã tăng 4 m sau các trận mưa gây ra bởi bão Saudel và Molave. Mực nước tại đập này hiện ở mức 194,85 m so với mực nước biển, trong khi mực nước tràn là 221 m.
Bão Molave cũng đã khiến nhiều tuyến đường ở thị trấn Gabaldon, tỉnh Nueva Ecija, không thể di chuyển vì ngập lụt.
Tại tỉnh Pampanga, 71 ngôi làng tại 11 thành phố hiện còn ngập trong nước lũ, do nước sông Pampanga dâng cao. Ở thị trấn Candaba, nước lụt cao tới 2 m.
Tỉnh Cagayan là một trong các khu vực bị bão Saudel và Molave tàn phá nặng nề nhất.
Thị trấn Claveria ở tình này hiện được đặt trong tình trạng thảm họa quốc gia do lũ lụt và sạt lở đất. 21.000 dân ở 41 làng của tỉnh này hiện sống trong cảnh ngập lụt. Nhiều diện tích canh tác nông nghiệp bị phá hủy.
Link nội dung: https://phano.net.vn/doi-pho-sieu-bao-goni-philippines-so-tan-khan-200000-dan-a7938.html