Bàn Thạch gắn làng nghề với phát triển du lịch

Bàn Thạch gắn làng nghề với phát triển du lịch Trang chủTin tứcVăn hóaDu lịchQuản lý nhà nướcHoạt động du lịchDoanh nghiệpChính sáchĐào tạoMừng Xuân Kỷ Hợi 2...

Nằm ngăn cách bởi con sông Thu Bồn về hướng Đông và sông Bà Rén về hướng Tây, thôn Đông Bình, xã Duy Vinh khá gần thị tứ Nam Phước, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam). Vùng đất này, đến nay hiện diện với nhiều bãi đay, cói xanh tốt chạy dọc men theo triền đất bồi ven sông để rồi hình thành làng nghề dệt chiếu Bàn Thạch và một phiên chợ chiếu cùng tên thu hút du khách đến tham quan, thưởng lãm.

Làng nghề dệt chiếu Bàn Thạch tham gia chương trình Làng Việt “Hội An qua miền văn hóa” do Đài Truyền hình Việt Nam (VTV3) thực hiện vào tháng 8 năm 2007

Con đường dẫn vào làng nghề dệt chiếu Bàn Thạch được trải bê tông phẳng phiu, những ngôi nhà ngói với nhiều nhà cao tầng thấp thoáng bởi hàng rào dây leo, hay những hàng chè tàu thẳng tắp. Đâu đó, chúng tôi bắt gặp những bước chân của những thiếu nữ làng nghề trên vai cùng với những đôi chiếu còn thơm phẩm màu đi chợ phiên Bàn Thạch sớm dưới nắng mai.

Trong cái thanh bình có phần tĩnh lặng ấy, có những con người của làng nghề âm thầm ngày đêm khéo léo, chăm chỉ và miệt mài bên khung dệt để tạo nên những chiếc chiếu với nét độc đáo riêng. Khi còn nhỏ, các em gái đã được bà và mẹ dạy cắt đay, chẻ cói phơi, nhuộm sợi rồi tự dệt chiếu để khi lớn lên có cái nghề làm của hồi môn.

Phiên chợ chiếu Bàn Thạch họp mỗi ngày luôn thu hút kẻ bán người mua

Mùa nắng, người làng Đông Bình cùng nhau ra đồng cắt những bó đay, bó cói từ bãi bồi về làng để ngày mai tiếp tục chẻ phơi và nhuộm màu làm chiếu. Sợi đay, sợi cói đơn sơ nhưng qua bàn tay khéo léo, tài hoa của những người phụ nữ đã trở thành những chiếc chiếu hoa, chiếu trổ, chiếu bông, chiếu trơn, chiếu nổi trông thật mịn màng và bền chắc. Chiếu ở Bàn Thạch là loại chiếu được dệt từ những sợi cói đã nhuộm màu trước đó. Mỗi loại có công đoạn xử lý nguyên liệu và cách dệt khác nhau. Chiếu ở Bàn Thạch thực sự là một bức tranh hài hòa về màu sắc của những họa sĩ nông dân tài hoa, luôn mang đậm hồn quê của xứ Quảng, góp phần giải quyết việc làm và tạo nguồn thu nhập cho nhiều lao động địa phương.

Được biết, vào năm 2004 tỉnh Quảng Nam đã công nhận làng nghề truyền thống chiếu Bàn Thạch, thôn Đông Bình, xã Duy Vinh (huyện Duy Xuyên). Từ đó đến nay, tỉnh Quảng Nam cũng đã có nhiều chương trình hỗ trợ các làng nghề truyền thống, trong đó có làng chiếu Bàn Thạch phát triển.

Quy trình dệt chiếu ở làng chiếu cói Bàn Thạch (thôn Đông Bình, xã Duy Vinh)

Làng nghề dệt chiếu Bàn Thạch đang hứa hẹn mở ra những cơ hội thay đổi, bởi nó gắn liền với chợ chiếu cùng tên. Chợ chiếu Bàn Thạch là phiên chợ họp sớm nhất xứ Quảng bắt đầu họp từ 4 - 5 giờ sáng bất kể trời mưa hay trời nắng. Người mua chủ yếu là các lái buôn từ các huyện Quế Sơn, Thăng Bình, Đại Lộc, Điện Bàn và nhiều du khách từ khắp nơi đến đây tìm hiểu, khám phá. Những năm qua, làng nghề đang định hướng gắn hoạt động làng nghề với du lịch. Các hãng lữ hành đưa làng chiếu Bàn Thạch thành điểm đến trong các tour du lịch. Người dân làng Đông Bình, có nghề dệt chiếu Bàn Thạch cũng ý thức rất rõ lợi ích từ các tour du lịch mang lại, nên ngày càng đầu tư vào mẫu mã, chất lượng sản phẩm để giới thiệu, chào bán du khách.

Tại làng nghề chiếu Bàn Thạch, chính quyền địa phương cũng đang xây dựng phương án phát triển làng nghề gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Đưa người dân làng nghề vào phục vụ du lịch có thể sẽ là giải pháp phù hợp để khôi phục, phát triển làng nghề chiếu Bàn Thạch bền vững. Bởi với lợi thế làng nghề kết hợp khai thác khu du lịch sinh thái làng nghề nằm ở trung tâm vùng Đông huyện Duy Xuyên, sẽ hình thành các tour du lịch hấp dẫn du khách thập phương.

Bài và ảnh: Nguyễn Văn Sơn

Link nội dung: https://phano.net.vn/ban-thach-gan-lang-nghe-voi-phat-trien-du-lich-a7707.html