Mới đây, tại tỉnh Bình Thuận, Bộ VHTTDL, TCDL phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức “Hội thảo mô hình quản lý khu du lịch quốc gia” nhằm xây dựng mô hình khung để quản lý chung Khu du lịch (KDL) quốc gia trên cả nước. Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh và nhiều lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL, Sở quản lý du lịch, BQL các khu, điểm du lịch, doanh nghiệp du lịch.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, “Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ VHTTDL sớm nghiên cứu, đề xuất, ban hành những cơ chế quản lý KDL hiệu quả. Trên cơ sở thực tiễn, Bộ VHTTDL, TCDL mong muốn nhận được những đề xuất sáng tạo khao học về mô hình quản lý KDT quốc gia phù hợp, hiệu quả, có trách nhiệm. Trong đó, yếu tố quản lý giữ vai trò quan trọng. Hiện nay, cả nước có 49 điểm tiềm năng phát triển thành KDL quốc gia, trên địa bàn 43 tỉnh, thành phố. Mô hình quản lý có nhiều cách thức, chủ thể quản lý khác nhau như chính quyền quản lý, ban quản lý, doanh nghiệp quản lý… Có thể không tìm được mô hình quản lý hoàn hảo, đúng với tất cả nhưng phải tạo được mô hình khung, kiến tạo được hệ sinh thái du lịch, những chính sách phù hợp để tiềm năng được phát huy, có chức năng, mục tiêu và tầm nhìn để phát triển du lịch bền vững”.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hai – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, hiện nay, BQL KDL quốc gia Mũi Né chưa được thành lập, việc quản lý các hoạt động du lịch trong khu vực do 2 BQL đã được thành lập trước đây là BQL Hàm Tiến-Mũi Né và BQL điểm du lịch sinh thái Bàu Trắng thực hiện. Nhiệm vụ của các Ban chủ yếu trên các lĩnh vực an ninh an toàn, vệ sinh môi trường, quản lý điểm đến. Do nhân sự ít, đồng thời phải quản lý địa bàn rộng, với bờ biển trải dài trên 40km, cơ chế hoạt động chưa rõ ràng… nên việc quản lý hoạt động du lịch chủ yếu tập trung ở một số điểm tập trung đông du khách. Việc tổ chức hội thảo sẽ là cơ hội để Bình Thuận nói riêng cũng như các tỉnh thu nhận những ý kiến quan trọng của các chuyên gia, các nhà khoa học về mô hình quản lý nhằm thúc đẩy các KDL quốc gia này phát huy được hiệu quả và mục tiêu đặt ra, tạo động lực thúc đẩy các khu du lịch trong tỉnh cùng phát triển. Trên thực tế, mô hình quản lý các KDL quốc gia hiện nay rất đa dạng. Nhiều mô hình trực thuộc UBND cấp huyện như Núi Sam, Ba Bể, Côn Đảo…; một số KDL trực thuộc Sở VHTTDL/Sở Du lịch như Tràng An, Tân Trào, Côn Sơn - Kiếp Bạc, Năm Căn…; một số khác có BQL lồng ghép trong BQL VQG… Ngoài ra, một số KDL có mô hình đặc biệt như Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trực thuộc Bộ VHTTDL, Cù Lao Chàm trực thuộc Sở NN&PTNT Quảng Nam, Mũi Né có hai BQL trực thuộc 2 đơn vị hành chính cấp huyện khác nhau… Mỗi mô hình đều có những thuận lợi và khó khăn riêng. Một số mô hình đã đi vào hoạt động và mang lại hiệu quả trong công tác quản lý hoạt động du lịch. Tuy nhiên, một số mô hình hiện chưa xác định được chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc chồng chéo trong quá trình quản lý, gây ra những khó khăn trong thực thi nhiệm vụ…, ông Hai nêu vấn đề.
Từ những thực trạng mà các khu du lịch đang gặp phải, Phó Tổng cục trưởng TCDL Ngô Hoài Chung đề xuất thành lập đơn vị quản lý KDL quốc gia với các tiêu chí: Là đơn vị sự nghiệp công lập có thu, tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên; tên gọi là BQLKDL quốc gia cộng với tên gọi của KDL tùy vào đặc điểm và loại hình của tổ chức quản lý; có vị trí khác nhau như trực thuộc UBND cấp tỉnh, các Sở chuyên ngành, cấp huyện và do các doanh nghiệp quản lý và điều hành...; về cơ chế tài chính phải tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên. Phó Tổng cục trưởng đề xuất KDL quốc gia Mũi Né có chức năng, nhiệm vụ tham mưu giúp chính quyền địa phương thực hiện công tác quản lý nhà nước như quản lý công tác quy hoạch và đầu tư phát triển; kinh doanh dịch vụ du lịch, hoạt động của HDV du lịch; quản lý đầu tư, khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch; bảo đảm an toàn cho khách du lịch; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường; xây dựng hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn, điểm cung cấp thông tin phục vụ khách du lịch. Đồng thời thực hiện chức năng: xây dựng sản phẩm; tổ chức xúc tiến, quảng bá, giới thiệu về sản phẩm du lịch; tổ chức liên kết phát triển sản phẩm, tour, tuyến du lịch; tổ chức xúc tiến, thu hút đầu tư phát triển khu du lịch…
Toàn cảnh hội thảo
Từ những phân tích nêu trên, Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung đề xuất 3 giải pháp cụ thể. Đối với các KDL đã có BQL, thực hiện tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập trước đó theo hướng điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị; Tăng cường chức năng phát triển du lịch. Đối với các khu du lịch chưa có đầu mối quản lý, thành lập đơn vị quản lý theo 4 mô hình đề xuất ở trên. Đối với các khu du lịch do khu vực tư nhân đầu tư xây dựng và do chủ đầu tư thành lập và điều hành.
Hội thảo cũng đã nghe đại diện 3 nhóm thảo luận (Nhóm các KDL có BQL trực thuộc UBND cấp tỉnh, Nhóm các KDL có BQL chuyên ngành các di tích và VQG, Nhóm các KDL có loại hình BQL khác) phân tích, đánh giá về mô hình quản lý, cũng như những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện chức năng quản lý và phát triển KDL.
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng ghi nhận và giao nhiệm vụ cho TCDL chủ trì và phối hợp với các Cục, vụ, viện có liên quan xây dựng mô hình quản lý khung KDL trình Bộ VHTTDL xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Các Sở VHTTDL, Sở Du lịch cần tham mưu cho UBND cấp tỉnh, huyện tăng cường quản lý nhà nước với các khu, điểm du lịch về các phương diện như an ninh trật tự, môi trường, văn hóa,… Đặc biệt, yêu cầu tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao để khi có khung quản lý là có ngay nguồn nhân lực để vận hành, qua đó giúp các khu, điểm du lịch phát triển, góp phần đưa du lịch Việt Nam sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
PHƯỚC QUANG – TRẦN LỢI
Link nội dung: https://phano.net.vn/di-tim-mo-hinh-quan-ly-khu-du-lich-quoc-gia-a7696.html