Apple đang dần 'móc túi' người dùng qua các năm

Apple có rất nhiều cách điều chỉnh sản phẩm của mình để tạo cảm giác giả về mức giá bán. Nếu bóc tách toàn bộ chiến lược, có thể thấy Apple đang rất khéo léo "móc túi" người dùng.

Hẳn các iFan còn nhớ, ngày 11/9/2019, Apple chính thức ra mắt bộ 3 iPhone 11 đình đám. Tại thời điểm ra mắt, bộ 3 này có giá khởi điểm là 699 USD cho bản tiêu chuẩn (iPhone 11) và 999 USD và 1.099 USD cho bản Pro và Pro Max.

Năm nay, tại sự kiện ra mắt iPhone 12, cũng với mức giá khởi điểm là 699 USD, Apple đã tạo cho người dùng của mình tâm lý yên tâm bởi mức giá cũng tương tự như thế hệ trước. Tuy nhiên, những người tinh ý đã ngay lập tức nhận ra sự khôn khéo của Apple trong việc định hình các dòng sản phẩm.

Thay vì chỉ giới thiệu 1 phiên bản tiêu chuẩn thì năm nay Tim Cook và các cộng sự của mình đã khéo léo nặn thêm 1 phiên bản thu nhỏ và đặt tên là iPhone 12 Mini. Đây cũng chính là phiên bản giữ mức giá khởi điểm 699 USD cho dòng iPhone thế hệ mới.

Điều này đồng nghĩa, phiên bản “tiêu chuẩn” thật sự là iPhone 12 đã được đẩy lên ở mức khởi điểm 799 USD, tức tăng 100 USD so với phiên bản iPhone 11 tiêu chuẩn tại thời điểm ra mắt năm 2019.

2_ybks

Apple âm thầm tăng giá bán nhưng lại giảm phụ kiện đi kèm với chiêu bài “bảo vệ môi trường". Ảnh: AFP

Mặc dù có mức giá ngang iPhone 11, nhưng iPhone 12 mini có màn hình nhỏ hơn. Không phải ai cũng muốn mua một chiếc iPhone với màn hình nhỏ chỉ để cầm trên tay thoải mái. Do vậy, thế hệ iPhone 12 không hề có giá rẻ tương đương thế hệ cũ. 

Đây là chiến thuật "up-sell" quen thuộc của Apple. Cách đây vài năm, hãng từng áp dụng chiến thuật tương tự với những mẫu iPhone 6s trở về trước. Dung lượng mặc định của iPhone khi đó chỉ 16 GB, và bộ nhớ trong sẽ nhanh chóng bị đầy sau một thời gian sử dụng. Kết quả là người dùng tiết kiệm vẫn sẽ chọn iPhone giá rẻ nhất và cho rằng giá đó là hợp lý, trong khi người có nhu cầu cao và muốn chắc chắn sẽ mua bản 64 GB với giá cao hơn 100 USD.

Bên cạnh đó, 699 USD cũng không hẳn là giá "chuẩn" của iPhone 12 mini. Trên trang web của Apple, người dùng chỉ có thể sở hữu máy với giá này khi mua qua 2 nhà mạng là AT&T và Verizon. Nếu chọn những nhà mạng khác hoặc bản không khóa mạng, giá bán sẽ tăng 30 USD. Tương tự, iPhone 12 cũng sẽ có giá 829 USD cho bản khóa mạng và nhà mạng Sprint, T-Mobile.

Đặt giá rẻ giúp hạ rào cản tâm lý và khuyến khích người dùng mua hàng. Từ đây, chiến thuật bán kèm bắt đầu.

Thay vì mức giá 699 USD như iPhone 11, thực chất người dùng sẽ phải bỏ ra 799-829 USD để sở hữu thiết bị kế nhiệm iPhone 12. Nếu tính thêm giá mua sạc (19 USD) và tai nghe EarPods (19 USD), bạn sẽ phải bỏ thêm gần 140 USD để có một chiếc iPhone 12 "hoàn chỉnh".

Những mức giá trên chưa tính đến con số dành cho iCloud (tối thiểu 0,99 USD/tháng cho gói 50 GB, hoặc 19.000/tháng nếu mua ở Việt Nam) để có thể sao lưu, đồng bộ một cách nhẹ đầu và không bị iPhone "dội bom" bằng những thông báo đã hết dung lượng iCloud. Theo nhiều nguồn tin, Apple cũng sắp ra gói dịch vụ Apple One, kết hợp nhiều dịch vụ như iCloud, Apple Music, Apple Arcade với giá khoảng 20 USD/tháng. Đây sẽ tiếp tục là một cách để Apple thuyết phục người dùng bỏ tiền ra mua sản phẩm, dịch vụ của hãng.

Điều đáng chú ý, Apple âm thầm tăng giá bán nhưng lại giảm phụ kiện đi kèm với chiêu bài “bảo vệ môi trường". 

Tại sự kiện ra mắt, các diễn giả của Apple đã cố gắng thuyết phục người dùng rằng các phụ kiện này đã phổ biến đến mức ai cũng có sẵn rồi nên không cần thiết kèm theo. Một lý lẽ khá buồn cười và gượng ép.

Có nghĩa là, nếu ở Việt Nam, để có thể dùng tai nghe với iPhone 12, bạn phải tốn thêm 790.000 đồng cho 1 tai nghe chính hãng của Apple. Lý do rất đơn giản vì iPhone đã bỏ cổng 3.5mm nên bạn chỉ có thể mua tai nghe dùng cổng Lightning của nhà Táo, hoặc bỏ ra gần 5 triệu nếu muốn dùng bộ tai nghe không dây AirPod sang chảnh.

Trớ trêu hơn, bạn sẽ không thể xài được chiếc iPhone mới cáu của mình nếu chưa móc túi thêm 990.000 để mua 1 củ sạc 18W của nhà Táo. Và để có thể đưa điện đến được cái iPhone của mình, bạn phải tốn thêm 590.000 để mua 1 sợi cáp Lightning.

Sau khi mua iPhone 12, bạn sẽ phải tốn thêm gần 1,6 triệu để có thể nạp điện cho cái điện thoại đời mới của mình nó hoạt động. Điều này thậm chí đúng kể cả trong trường hợp bạn đang dùng iPhone các thế hệ 7, 8 trở về trước, bởi các củ sạc đời cũ này không tương thích để sạc iPhone 12.

Không trực tiếp bán iPhone hay các dịch vụ đắt hơn, Apple đang cho thấy nghệ thuật bán hàng của mình bằng những chiến lược "móc túi" người dùng cực kỳ khéo léo.

Tất nhiên, việc tăng giá các dòng điện thoại của Apple không phải không có lý do. Các linh kiện sản xuất iPhone mới có giá thành đắt hơn, trong đó chi phí màn hình OLED cũng cao hơn nhiều so với trước.

Thêm vào đó, với tình trạng doanh số iPhone liên tục giảm, việc tăng giá bán sẽ giúp nhà Táo khuyết duy trì được tăng trưởng về lợi nhuận và nâng cao thương hiệu trong suy nghĩ của người dùng.

Link nội dung: https://phano.net.vn/apple-dang-dan-moc-tui-nguoi-dung-qua-cac-nam-a7669.html