Du lịch thông minh hướng tới sự phát triển bền vững

Du lịch thông minh hướng tới sự phát triển bền vững Trang chủTin tứcVăn hóaDu lịchQuản lý nhà nướcHoạt động du lịchDoanh nghiệpChính sáchĐào tạoMừng Xu...

Ngày 23/10, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo quốc tế “Du lịch thông minh hướng tới sự phát triển bền vững và hài hòa giữa kinh tế, văn hóa và môi trường”. Hội thảo do Bộ Ngoại giao phối hợp với Viện Quốc tế Pháp ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn quốc tế Franconomics lần thứ II-2020. Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Lê Phúc dự và phát biểu tại hội thảo.


Hội thảo “Du lịch thông minh hướng tới sự phát triển bền vững và hài hòa giữa kinh tế, văn hóa và môi trường”

Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh du lịch thông minh đã và đang được triển khai thành công ở nhiều quốc gia, trong đó có nhiều nước thuộc không gian Pháp ngữ; nhiều quốc gia được đánh giá là tiên phong trong phát triển du lịch thông minh như Pháp, Canada, Bỉ, Thụy Sĩ… Tại Việt Nam, du lịch thông minh thể hiện một xu thế mới nhằm đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, kích thích tăng trưởng và phát triển bền vững. Khái niệm “du lịch thông minh” đã thúc đẩy phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông; nhận được sự quan tâm, ưu tiên thúc đẩy của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW khẳng định mục tiêu “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Đặc biệt, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã thích ứng nhanh nhạy, tích cực tiếp cận CMCN 4.0, chủ động cải tiến để trở thành doanh nghiệp thông minh.


Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc phát biểu tai hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Lê Phúc nhận định, đổi mới sáng tạo, phát triển du lịch thông minh, chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu và là định hướng ưu tiên của du lịch toàn cầu. Việt Nam đã có những chủ trương, chính sách để chủ động tranh thủ cơ hội từ CMCN 4.0 phát triển du lịch thông minh; các địa phương, doanh nghiệp đang tích cực chuyển đổi số trong du lịch, từ đó tạo nên những chuyển biến đột phá. Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc chia sẻ thông tin TCDL đã ra mắt app “Du lịch Việt Nam an toàn” nhằm góp phần đẩy nhanh các giải pháp kích cầu du lịch nội địa, hồi phục du lịch sau COVID-19. Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh, “dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều quốc gia trên thế giới, xu hướng và yêu cầu chuyển đổi số để phát triển du lịch thông minh càng trở nên rõ nét; ngành Du lịch cần hành động quyết liệt hơn để đưa chủ trương này vào cuộc sống. Đề nghị Hội thảo trao đổi, thảo luận, làm rõ hơn những vấ đề lý luận và thực tiễn, đề xuất những giải pháp căn cơ, hiệu quả hiện thực hóa các mục tiêu phát triển du lịch thông minh”.


Phiên thảo luận “Du lịch thông minh: từ xu thế đến thực tế, cơ hội và thách thức”

Tại Hội thảo, Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch TCDL Lê Tuấn Anh đã trình bày báo cáo đề dẫn, chia sẻ một số thông tin tổng quan du lịch thông minh Việt Nam, cơ hội, thách thức. Ông Lê Tuấn Anh đặc biệt nhấn mạnh vai trò của du lịch thông minh đối với nâng cao hiệu quả trong xúc tiến quản bá thông qua marketing số; tăng sức hấp dẫn của sản phẩm, điểm đến; thay đổi phương thức, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước; nâng cao hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo. Bên cạnh đó, Giáo sư Yann Rival – Đại học Polynesie thuộc Pháp cũng đã chia sẻ thông tin về du lịch thông minh trong không gian Pháp ngữ. Giáo sư Yann Rival cho biết, dịch COVID-19 đã tạo ra nhiều thách thức và tổ chức các nước Pháp ngữ đã đưa ra nhiều ý tưởng tích cực hỗ trợ phát triển du lịch bền vững, điểm nhấn là bảo vệ môi trường, thiên nhiên đào tạo nhân lực; hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong phát triển du lịch thông minh.Trong phiên thảo luận 1, các diễn giả đã chia sẻ thông tin, trao đổi các giải pháp xoay quanh chủ đề “Du lịch thông minh: từ xu thế đến thực tế, cơ hội và thách thức”: sự chuyển dịch từ du lịch sang du lịch thông minh tại Việt Nam; nhu cầu và triển vọng phát triển của du lịch thông minh tại Việt Nam trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0; đảm bảo sự phát triển bền vững, hài hòa giữa kinh tế, văn hóa và môi trường; vai trò và ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch thông minh; những khó khăn, thách thức trong phát triển du lịch thông minh tại Việt Nam…


Phiên thảo luận “Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp cho phát triển du lịch thông minh của Việt Nam”

Phiên thảo luận 2 xoay quanh chủ đề “Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp cho phát triển du lịch thông minh của Việt Nam”. Theo Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery, Pháp từng phát triển du lịch không kiểm soát, không quan tâm đến môi trường, thiên nhiên. Tuy nhiên, Pháp đã phải thay đổi phương thức và có sáng kiến hướng dẫn du lịch phổ thông, xếp hạng các nhà hàng, quan tâm bình luận của du khách… và phổ biến các nội dung quan website. Đại sứ Nicolas Warnery cho rằng phát triển du lịch thông minh phải dựa trên cơ sở phát triển du lịch đại chúng, là công cụ hỗ trợ để du lịch đại chúng tiệm cận dần với thông minh; phát triển tốt các yếu tố về công nghệ số, hạ tầng số… Phó Đại sứ Vương quốc Maroc tại Việt Nam Tarik Ghozlani cho rằng du lịch thông minh là sự dung hòa phát triển du lịch và bền vững thông qua cách tiếp cận thông minh. Dịch COVID-19 đã khiến mọi sự đảo lộn, tuy nhiên lại thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, phát triển mạnh du lịch thông minh. Kinh nghiệm của Maroc là tập hợp tất cả để phát triển du lịch, khuyến khích mợi người cùng tham gia, chia sẻ lợi ích và tôn trọng nhau. Maroc đã thành lập cơ quan quản lý quốc gia về phát triển du lịch; phân chia, điều phối kết nối các địa phương, vùng… Maroc đang nỗ lực hồi phục du lịch sau dịch COVID-19, thông qua tương tác đối tác hợp tác và xây dựng hệ thống chính sách mới phù hợp tình hình hiện nay…

Thanh Minh

Link nội dung: https://phano.net.vn/du-lich-thong-minh-huong-toi-su-phat-trien-ben-vung-a7574.html