Vì sao các nước vay tiền Trung Quốc bất chấp bẫy nợ?

Nhiều quốc gia vướng phải bẫy nợ với Trung Quốc. Trò chơi này được Bắc Kinh sử dụng nhằm thu lợi lớn từ các nước nhỏ, có vị trí chiến lược.

Tháng 9, Lào ký thỏa thuận cho một công ty Trung Quốc tham gia vận hành mạng lưới điện quốc gia. Sự hợp tác này diễn ra trong bối cảnh quốc gia 7 triệu dân đang gánh các khoản nợ khổng lồ của Bắc Kinh do quá ưu ái Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI).

Sri Lanka và Pakistan cũng lâm vào cảnh tương tự. Hai quốc gia này đã chọn cách vay tiền từ Trung Quốc để trả các khoản nợ cũ, đồng thời đều phải nhượng các tài sản chiến lược cho Bắc Kinh.

Chưa đầy 3 năm trước, Sri Lanka ký hợp đồng với Trung Quốc về thương vụ thuê cảng Hambantota, nằm ở vị trí chiến lược nhất Ấn Độ Dương, và hơn 6.000 hecta đất xung quanh cảng này với thời hạn 99 năm. Đổi lại, Bắc Kinh phải trả cho Sri Lanka 1,1 tỷ USD. Số tiền này sẽ giúp quốc đảo giảm bớt các khoản nợ sau khi nước này vay tiền Bắc Kinh để xây dựng cảng.

Đầu tháng 10, Trung Quốc tuyên bố sẽ viện trợ 90 triệu USD cho Sri Lanka sau cuộc gặp cấp cao giữa quan chức hai nước. Bắc Kinh cũng đồng ý cho Sri Lanka vay 989 triệu USD để xây dựng một tuyến đường cao tốc kết nối vùng trồng chè ở miền trung nước này với một cảng biển do Trung Quốc vận hành.

cac nuoc vay tien Trung Quoc anh 1

Sri Lanka ký hợp đồng cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota trong vòng 99 năm. Ảnh: SCMP.

Trong quá khứ, Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD dưới dạng các khoản vay cho các dự án tại Sri Lanka, bao gồm cảng biển, sân bay, thành phố cảng, đường cao tốc và nhà máy sản xuất điện.

Đáng lẽ, Sri Lanka vẫn có thể lựa chọn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thay vì sa vào bẫy nợ của Trung Quốc. Tuy nhiên, lý do lại xuất phát từ điều kiện vay nợ khác nhau giữa IMF và Bắc Kinh.

Trên thực tế, các khoản vay của IMF thường đi kèm nhiều điều kiện và đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ. Trong khi Trung Quốc không đánh giá mức độ tín nhiệm về khả năng trả nợ của bên vay, thì IMF sẽ không đồng ý cho vay nếu nhận thấy bên vay không đủ khả năng thanh toán và có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng.

Thêm vào đó, Trung Quốc luôn sẵn sàng bơm tiền cho các nước nghèo hơn khi họ gặp khó khăn tài chính, đặc biệt là các quốc gia nhỏ và có vị trí chiến lược.

Điển hình như Maldives, nơi Bắc Kinh đã biến các khoản tín dụng lớn thành sức ép chính trị, buộc nước này phải bán lại một số hòn đảo với giá rẻ. Theo đó, Trung Quốc đã cho các công ty của Maldives vay 935 triệu USD theo hình thức được chính phủ Maldives bảo lãnh. Số tiền này là một phần trong ngân sách từ BRI, được đổ vào hàng loạt dự án xây cầu, mở rộng sân bay, nâng cấp mạng lưới điện ở Maldives.

Theo Nikkei Asian Review, chiến lược bẫy nợ đã giúp Bắc Kinh phần nào hưởng lợi nhờ vào sức ép ngoại giao với các nước nhỏ. Tuy nhiên, sự minh bạch của các dự án thuộc BRI vẫn đang bị bỏ ngỏ, khiến số lượng dự án mới giảm đi. Trong khi đó, sáng kiến này liên tiếp bị Mỹ và các đồng minh cáo buộc về "âm mưu mở rộng địa chính trị" của Bắc Kinh, còn dư luận đang dần mất niềm tin vào sự minh bạch của quốc gia châu Á.

Link nội dung: https://phano.net.vn/vi-sao-cac-nuoc-vay-tien-trung-quoc-bat-chap-bay-no-a7511.html