Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), trong 9 tháng đầu năm, cả vùng ĐBSCL có 7.465 doanh nghiệp thành lập mới, cao hơn 7% so với cùng kỳ năm trước. Các tỉnh Long An, Kiên Giang, Cần Thơ là những đĩa phương dẫn đầu toàn vùng số doanh nghiệp thành lập mới và vốn đăng ký. Riêng trong tháng 9/2020, tỉnh Long An và thành phố Cần Thơ có số doanh nghiệp mới cao nhất toàn vùng với hơn 130 doanh nghiệp thành lập mới ở mỗi địa phương. Doanh nghiệp tại thành phố Cần Thơ có vốn đăng ký cao nhất với hơn 1.500 tỷ đồng.
Long An đang là điểm sáng thu hút thêm nhiếu nhà đầu tư mới. Tập đoàn Đồng Tâm vừa khánh thành giai đoạn 1 Cảng Quốc tế Long An ở xã Tân Lập (Cần Giuộc, Long An), dự kiến 3 giai đoạn với tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng để có thể đón tàu trọng tải 100.000 DWT, sẽ mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy phát triển dịch vụ cảng và logistis.
Tuy trong 9 tháng, vùng ĐBSCL có 2.008 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 3.572 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 1.360 doanh nghiệp đã giải thể. Nhưng so với cùng kỳ năm 2019, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể giảm 17% và số doanh nghiệp giải thể giảm 38%.
Ngoài ra, hơn 2.300 doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động trong khu vực, và xu hướng này ngày càng tăng. Trong đó, tỉnh An Giang đứng đầu ĐBSCL về số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động với 395 doanh nghiệp và là một trong 2 tỉnh có tỷ lệ doanh nghiệp phá sản ít nhất, chỉ bằng 47,6% so với cùng kì năm 2019. "Số liệu này cho thấy, tình hình thị trường đang được doanh nghiệp nhìn nhận tích cực, cùng với sự năng động của chính quyền tỉnh tạo môi trường kinh doanh hiệu quả sẽ khuyến khích doanh nghiệp mở cửa trở lại, đóng góp vào giải quyết việc làm cho người lao động và phát triển kinh tế của địa phương”, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Chi nhánh Cần Thơ nhận định .
Về xuất nhập khẩu của ĐBSCL trong 9 tháng đầu năm 2020, tuy ảnh hưởng bởi Covid nhưng có nhiều khởi sắc, tổng kim ngạch hơn 20 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 5% cả nước. Trong đó, ĐBSCL thặng dư thương mại đạt 6 tỷ USD, đứng thứ 2 toàn quốc, sau khu vực trung du và miền núi phía Bắc.
Hai tỉnh Long An, Tiền Giang vẫn chiếm tỷ trọng xuất nhập khẩu cao nhất toàn vùng, với xuất khẩu lần lượt là 33%, 17% và nhập khẩu là 46%, 17%. "Ở các địa phương còn lại, giá trị xuất nhập khẩu không đáng kể, với tỷ trọng thấp", báo cáo của VCCI Cần Thơ viết.
Link nội dung: https://phano.net.vn/doanh-nghiep-thanh-lap-moi-tang-7-tong-kim-ngach-xuat-nhap-dat-20-ty-usd-tai-dbscl-a7496.html