Hôm 25/10, Samsung đưa thông báo về sự ra đi Chủ tịch Samsung Lee Kun Hee, người đã xây dựng Samsung thành đế chế công nghệ hàng đầu Hàn Quốc. Ông qua đời trong khoảng thời gian phức tạp của gã khổng lồ này.
Trên thực tế, ông Lee đã mất khả năng điều hành kể từ năm 2014 do suy tim. Vào thời điểm ông nhập viện, mảng kinh doanh di động béo bở của Samsung phải đối mặt với mối đe dọa từ các nhà sản xuất mới nổi ở Trung Quốc và nhiều thị trường khác.
Đế chế hàng đầu Hàn Quốc bị đè nặng bởi áp lực đổi mới hoạt động kinh doanh phần cứng, cải thiện quản trị doanh nghiệp và tính minh bạch của tập đoàn. Con trai duy nhất của Chủ tịch Lee Kun Hee, ông Lee Jae-yong, Phó chủ tịch Samsung, được coi là người nắm giữ vai trò quan trọng trong kỷ nguyên mới của tập đoàn điện tử tiêu dùng Hàn Quốc.
Ông Lee Kun Hee qua đời ở tuổi 78 sau 6 năm nhập viện vì một cơn đau tim. Ảnh: Reuters. |
Thời điểm phức tạp
Ông Lee Kun Hee đã xây dựng Samsung trở thành tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc. Forbes từng xếp hạng hai cha con ông Lee là người quyền lực nhất đất nước 50 triệu dân.
Theo Reuters, các hoạt động kinh doanh của tập đoàn ước tính chiếm khoảng 15% toàn bộ nền kinh tế đất nước. Samsung Electronics, mảng lớn nhất của tập đoàn, là nhà sản xuất điện thoại thông minh, nhà cung cấp chip nhớ và màn hình hiển thị hàng đầu thế giới.
Hôm 22/10, Samsung Electronics công bố lãi vận hành tăng vọt 58% lên 12.300 tỷ won (10.6 tỷ USD) trong quý III/2020 so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng cao nhất trong lợi nhuận của công ty trong vòng hai năm.
Ngoài ra, doanh số bán hàng của nhà sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới cũng tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 66.000 tỷ won (58,2 tỷ USD).
Nikkei Asian Review dẫn lời các chuyên gia nhận định lượng đơn hàng đặt mua con chip điện tử từ Huawei Technologies tăng vọt đã khiến lợi nhuận Samsung đạt kỷ lục. Nguyên nhân là Huawei hiện khó mua chip của các công ty sử dụng công nghệ Mỹ. Vì vậy, công ty Trung Quốc phải chuyển hướng tìm đến nguồn cung từ những nhà sản xuất như Samsung.
Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và việc áp dụng công nghệ 5G. Ảnh: Reuters. |
Các chuyên gia nhận định xung đột Mỹ - Trung có thể giúp Samsung duy trì khoảng cách dẫn đầu công nghệ trước các đối thủ Trung Quốc như Huawei và Semiconductor Manufacturing International, nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo CNN, gã khổng lồ điện tử tiêu dùng Hàn Quốc vẫn phải đề phòng trước những khó khăn vì dịch Covid-19. Cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu làm gián đoạn chuỗi cung ứng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhu cầu điện thoại thông minh và khiến quá trình áp dụng công nghệ 5G trở nên phức tạp hơn.
Sau sự ra đi của ông Lee Kun Hee, con trai duy nhất của ông - thường được truyền thông Hàn Quốc gọi là "thái tử Samsung" - sẽ cáng đáng trọng trách lèo lái tập đoàn.
Theo Reuters, một số người nhận xét ông Lee Jae-yong không có khả năng và phong thái lãnh đạo như cha mình. Tuy nhiên, nhiều nhân viên trong Samsung cho rằng sự trầm lắng, điềm đạm của "thái tử" che giấu quyết tâm vững vàng bên trong. Theo họ, chính tính cách này sẽ giúp Samsung giữ vị trí hàng đầu toàn cầu về truyền hình, chip nhớ, màn hình phẳng và điện thoại thông minh.
Ông Jae-yong cũng là người chịu trách nhiệm cho các lĩnh vực kinh doanh mới của tập đoàn, bao gồm chăm sóc sức khỏe sinh học và năng lượng mặt trời, theo Reuters. Đây vốn là động lực tăng trưởng trong tương lai của Samsung dù chưa đem lại doanh thu đáng kể vào thời điểm hiện tại.
Tương lai Samsung
Những người thân thiết nhận xét chính sự nhạy bén kinh doanh của vị phó chủ tịch đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi của gã khổng lồ điện tử tiêu dùng Hàn Quốc. "Ông ấy rất nhạy bén và thấu đáo. Ông Lee cũng có công lớn trong việc đưa ra những quyết định quan trọng, chẳng hạn như việc Samsung chuyển từ sử dụng LCD sang OLED", một vị giám đốc điều hành của Samsung tiết lộ.
Trong những năm gần đây, ông Lee Jae-yong bắt đầu gia tăng sự hiện diện và quyền lực tại tập đoàn. Chẳng hạn, hồi năm 2018, ông được tăng nhiệm kỳ chủ tịch tại tổ chức phúc lợi công Samsung Life thêm 3 năm. Ông Lee Jae-yong đã đảm nhiệm vị trí này sau khi ông Lee Kun Hee nhập viện.
Trước đó, giới quan sát đồn đoán tổ chức này sẽ không tăng nhiệm kỳ chủ tịch cho ông Lee Jae-yong sau khi "thái tử" bị bắt và tuyên án 5 năm tù với nhiều tội danh. Tuy nhiên, phiên tòa phúc thẩm hồi tháng 2/2018 đã xóa bỏ nhiều tội danh và trả tự do cho ông Lee.
Hồi tháng 9, Samsung tuyên bố Phó chủ tịch Lee Jae-yong đã "đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các hoạt động kinh doanh mới và mối quan hệ với khách hàng và đối tác toàn cầu". Tập đoàn bác bỏ các báo cáo của truyền thông về những hành vi sai trái của ông Lee và nhận định điều này có thể ảnh hưởng đến "không chỉ Samsung và còn tương lai của nền kinh tế Hàn Quốc".
Con trai duy nhất của Chủ tịch Lee Kun Hee đóng vai trò quan trọng trong tương lai của tập đoàn. Ảnh: Getty Images. |
Tập đoàn cũng nhấn mạnh vai trò của ông Lee trong thỏa thuận 5G với Tập đoàn viễn thông KDDI của Nhật Bản vào năm ngoái bất chấp quan hệ song phương ngày càng xấu đi.
Trong một bài phát biểu trước truyền thông hồi tháng 5/2020, "thái tử Samsung" thừa nhận rằng tập đoàn "đôi khi không đáp ứng được kỳ vọng của xã hội". "Đó là lỗi của tôi. Tôi xin gửi lời xin lỗi chân thành", ông nhấn mạnh.
Phó chủ tịch Samsung cũng tiết lộ không có kế hoạch để các con thừa kế vai trò của mình tại tập đoàn. "Đó là điều tôi đã nghĩ đến từ lâu nhưng ngại bày tỏ một cách công khai. Không chỉ vì môi trường kinh doanh khó khăn, tôi cảm thấy thật vô trách nhiệm khi phát biểu về việc kế nhiệm khi bản thân chưa thể chứng minh một cách chính đáng", người thừa kế Samsung giải thích.
Link nội dung: https://phano.net.vn/nguoi-leo-lai-samsung-sau-su-ra-di-cua-chu-tich-lee-kun-hee-a7411.html