Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hiện được xây dựng gồm 5 chương, 34 điều với các quy định cụ thể về: vị trí, chức năng của Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; tiêu chuẩn tham gia Lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; quan hệ công tác của Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; nhiệm vụ, quyền hạn của Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở;…
Luật được xây dựng nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn đầu mối bên trong, giảm chi ngân sách nhà nước; bảo đảm thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân; đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới. Xây dựng, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; đảm bảo sự phù hợp với lực lượng dân quân tự vệ khi thực hiện Luật Dân quân tự vệ ở cơ sở.
Quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật là: Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Tổng kết toàn diện thực tiễn hoạt động của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; kế thừa các quy định còn phù hợp, khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành. Tham khảo có chọn lọc pháp luật của một số nước về tổ chức, hoạt động của lực lượng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở để vận dụng quy định cho phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam.
Thẩm tra về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với những lý do chính đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Theo ông Võ Trọng Việt, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc ban hành Luật này vì cho rằng hiện nay đã thực hiện chính quy Công an xã, đã đảm nhiệm các nhiệm vụ của Công an xã bán chuyên trách khi Luật Công an nhân dân có hiệu lực; lực lượng này chỉ có nhiệm vụ “tham gia” cùng lực lượng Công an, đề nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành nghị định quy định việc sử dụng Công an xã bán chuyên trách tham gia hoạt động này; có ý kiến đề nghị không ban hành Luật này vì cho rằng theo quy định của Luật Quốc phòng và Luật Dân quân tự vệ thì đã có lực lượng Dân quân tự vệ phối hợp với lực lượng Công an nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự nên việc xây dựng lực lượng này ở cơ sở sẽ chồng chéo nhiệm vụ.
Về sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; tính hợp hiến; tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; tính khả thi của dự thảo Luật, ông Võ Trọng Việt cho biết, một số ý kiến đề nghị bám sát và thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng thế trận an ninh nhân dân gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trong tình hình mới; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, trong đó yêu cầu hạn chế tối đa sử dụng ngân sách nhà nước cho các đơn vị cấp thôn, cho các mô hình hoạt động tự nguyện, tự quản; cải cách chính sách tiền lương, nhất là đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp thôn…
Một số ý kiến cho rằng, các quy định về tuyển chọn, thành lập, công nhận chức danh; nơi làm việc, trang bị, trang phục, phù hiệu, giấy chứng nhận và các chế độ, chính sách khác trong dự thảo Luật có thể được hiểu là “chuyên nghiệp hóa”, “chính quy hóa” lực lượng này. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu để đảm bảo sự phù hợp và tính khả thi của Luật.
Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc sắp xếp lực lượng dân phòng vào lực lượng này, vì lực lượng dân phòng được thành lập theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy, mục đích là để thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở, nếu giao thêm nhiệm vụ này có thể sẽ làm giảm hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy và đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá chính xác số liệu về lực lượng Công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố và dân phòng hiện nay; phân tích, đánh giá cụ thể hơn về nguồn kinh phí để đảm bảo hoạt động cho lực lượng này, làm căn cứ trình Quốc hội cho ý kiến.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy, dự thảo Luật có nhiều nội dung liên quan đến các chủ trương của Đảng và các quy định của luật khác, qua thảo luận, còn có nhiều ý kiến khác nhau, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ từng nội dung dự thảo Luật để đảm bảo các yêu cầu nêu trên.
Về hồ sơ dự án Luật và thời điểm trình Quốc hội, đa số ý kiến Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, hồ sơ dự án Luật đảm bảo đúng theo quy định; đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 và thông qua theo quy trình hai kỳ họp.
Nguyễn Hoàng
Link nội dung: https://phano.net.vn/dap-ung-yeu-cau-bao-dam-an-ninh-trat-tu-trong-tinh-hinh-moi-a7159.html