Trong buổi họp gia đình thứ 7 hàng tuần ấy, bố tôi cho từng người tự kiểm điểm những lỗi mắc trong tuần. Ví dụ, anh cả tự nhận còn đánh em, còn rước lũ hàng xóm nghịch ngợm về đánh nhau nhân bố vắng nhà. Anh hai nhận còn lười học. Cô ba ( là tôi) nhận còn nói xẵng với anh...v.v...và v.v... Nhận xong rồi thì lắng nghe các thành viên khác đóng góp ý kiến. Sau đó tự mình nêu phương hướng sửa chữa khuyết điểm (chắc bố đem mô hình sinh hoạt ở đơn vị quân đội thời còn công tác về áp dụng trong gia đình). Đến khi anh cả lấy vợ, chị dâu cả về nhà chồng vẫn "nhập gia tùy tục" với nếp họp gia đình tối thứ bẩy. Anh cả đi công tác xa miền nam, chị dâu ở nhà vẫn vui vẻ cùng bố mẹ chồng và các em kiểm điểm, tự kiểm điểm hàng tuần. Tôi nhớ có lần cậu út còn phê bình chị đôi khi mặc áo rách ở nhà, chị đã vui vẻ nhận lỗi và sửa chữa...
Nói ra giờ khó ai tin, nhưng đúng ngày ấy gia đình tôi họp thường xuyên thế mà chẳng ai khó chịu gì, cũng chẳng ai lợi dụng việc họp để " bới lông tìm vết" hay chơi xấu nhau. Gia đình vui vẻ, mọi người chân thành thương yêu nhau lắm. Bố đúng là tài thật, duy trì kỷ cương ấy êm như không.
Giờ nghĩ lại vừa thấy buồn cười vừa thấy nhớ ngôi nhà đầm ấm thủa hàn vi ấy. Đó là ngôi nhà mái lợp lá cọ, vách đan nứa trát tooc xi (gồm rơm trộn vôi và cát) do bố cùng các chú bác ở quê ra tự xây dựng. Mặc dù bố chịu nhiều thiệt thòi ở đường sự nghiệp do mắt kém, về hưu sớm lúc còn phải nuôi bốn đứa con thơ, nhưng lại có phúc được hưởng “vợ hiện hòa, nhà hướng nam”, tuy căn nhà ấy cũng vô cùng tuềnh toàng, đơn sơ. Song cả bố và mẹ đã tạo nên một nếp nhà đầm ấm và kỷ cương với nếp sinh hoạt thành khuôn như vậy.
Ngoài những buổi sinh hoạt định kỳ thứ bảy, những kỳ cuộc lễ tết như tết thiếu nhi, Tết Trung thu…, bố đều bắc chiếc chõng tre ra sân và bày cỗ. Trong vườn nhà có hoa quả gì thì bố mẹ gọt tỉa bày biện lên: nào là cam, bưởi, ổi…rồi thêm ít bánh kẹo thành mâm cỗ để cùng các con phá cỗ. Dưới ánh trăng vằng vặc, chúng tôi ngồi nghe bố kể chuyện cổ tích, đọc thơ của La Fontelle. Có một bài thơ tiếng Pháp bố dịch rất hay mà vì nó sau này tôi đã quyết định theo ngành học tiếng Pháp khi đỗ vào trường Đại học tổng hợp Hà Nội. Đó là bài “La Biche” tức “Con Nai” trong tuyển tập “Những bài thơ chọn lọc” của Pháp. Bài thơ ấy đầy tính nhân văn lại với giọng đọc truyền cảm của bố trong buổi phá cỗ đêm trăng khiến chúng tôi vô cùng xúc động. Lời dịch bài thơ như sau:
“Dưới trăng nai mẹ kêu gào
Khóc than đôi mắt lệ trào chứa chan
Nai con yêu quí vô vàn
Đi đâu đi mất trong màn sương đêm
Thấu chăng, rừng núi tổ tiên
Nỗi đau mất mát như điên như cào
Dưới trăng nai mẹ vẫn gào
Khóc than đôi mắt lệ trào chứa chan…"
Những buổi sinh hoạt tối thứ bảy và những ngày đặc biệt ấy đã ghi vào tâm khảm chúng tôi, tạo nền tảng vững chắc để hình thành nền tảng văn hóa của mỗi người. Chúng tôi biết ơn bố vì điều đó, bởi ông đã nêu quan điểm và thực hiện bằng được, đó là “để cái chữ cho con chứ không để tài sản”. Bốn anh em chúng tôi tuy không trở thành vĩ nhân hay ông nọ bà kia, nhưng đều tốt nghiệp đại học, rồi thạc sĩ, tiến sĩ. Người làm sĩ quan quân đội, người là bác sĩ, người theo ngành ngân hàng… Chúng tôi đều giống bố là người sống trung thực, trọng nghĩa tình. Biết rằng cách làm của bố rất khó áp dụng trong mô hình gia đình hạt nhân hôm nay, song chúng tôi vẫn cố gắng duy trì những bữa cơm gia đình buổi tối để có được không gian sinh hoạt gia đình. Những khi con cái mắc khuyết điểm, tôi cũng tìm cách phân tích và để con tự kiểm điểm. Không áp dụng được nguyên si mô hình họp gia đình của bố, nhưng sự cải biến cho phù hợp với cuộc sống bây giờ tôi vẫn thấy có hiệu quả.
Thanh Thủy
Link nội dung: https://phano.net.vn/nep-hop-gia-dinh-a7011.html