Hồi tôi mới về làm dâu, việc đầu tiên bố chồng đề xuất là đưa “dâu mới” về quê trình họ hàng. Chẳng biết do ấn tượng kinh hoàng của tuổi thơ trong những năm đói khổ đến mức nào mà “tân chú rể” nhất định không chịu. Bố chồng tôi tuy không nói gì nhưng trong lòng hẳn không vui. Nghĩ đi nghĩ lại, nghĩ xa nghĩ gần, tôi tuyên bố:
- Thôi, anh ấy bận công tác, một mình con đi với bố mẹ cũng được, cơ bản là con chưa biết quê và nhiều người trong họ chưa biết con…
Thế là kế hoạch về quê nhanh chóng được lên khuôn. Hồi ấy về Hải Dương tiện nhất là đi tàu hỏa và đem theo xe đạp, gửi xe khoang hành lý, tới thành phố thì bắt đầu đạp xe về làng. Tôi cùng bố mẹ chồng, thêm cặp vợ chồng chị cả chuẩn bị khăn gói ra ga Hà Nội từ sáng sớm. Tới ga, thấy “ông xã” đi trực đêm từ tối hôm trước đã có mặt ở sân ga. Tôi nói:
- Có gì đâu mà phải đi tiễn
- Không, anh cũng đi…
Cả nhà nhìn nhau cười phấn khởi. Tàu đi dọc đường 5, băng qua những hồ Sen bát ngát. Tới thành phố Hải Dương, chúng tôi lấy xe đạp, đạp xe, đi qua hai cây cầu sắt xưa cũ. Con sông Kinh Thầy oằn mình bao năm cùng du kích đánh giặc, nay hẳn muốn kể nhiều sự tích với nàng dâu mới được rinh về quê chồng trên chiếc xe đạp cũ…
Tới làng, từ đầu xóm đến cuối xóm đều nồng nặc mùi tỏi. Thì ra làng Thanh Liên này chuyên trồng tỏi và bán đi các nơi, kể cả nước ngoài. Cũng chính nghề trồng và mua bán tỏi này mà từ một làng rất nghèo ngày ấy nay Thanh Liên đã thay da đổi thịt. Nhưng cái ngày đầu tiên về trình họ hàng quê chồng ấy, ấn tượng của tôi không phải cái nghèo bên ngoài như đường xá, nhà cửa… mà là sự thiệt thòi của người dân sau lũy tre làng. Thím tôi vốn là một diễn viên chèo vừa có thanh có sắc, chỉ vì đông con và những định kiến này nọ mà phải chịu cuộc sống nheo nhóc và rời xa sàn diễn. Chú tôi từng là trai tráng xông pha thời kháng chiến, vì bệnh tật về làng sinh sống cũng chịu cảnh bần hàn và từ bỏ những ước mơ…Chỉ có ngôi nhà của ông nội, ngôi nhà năm gian truyền thống trong khu vườn khoảng nghìn mét vuông cây cối xum xuê là đem lại sự thanh bình trong tâm hồn mỗi đứa con xa quê khi trở về.
Ông nội chồng vốn là nhà giáo. Ông dạy học trong làng xã nên dân làng gọi ông là “cụ giáo”. Có lẽ dù nghèo nhưng nghề chữ nghĩa đã làm nên nếp gia phong ở gia đình 9 người con của cụ. Giờ cả cụ giáo ông và cụ giáo bà đều không còn, nhưng các con cháu cụ vẫn giữ nếp giỗ tết hay việc hiếu, việc hỉ đều tập trung đại gia đình. Bố chồng tôi là con trai trưởng, có lẽ vì thế ông muốn tập huấn cho dâu mới từ ngày đầu những nề nếp gia phong. Tôi nghĩ không nhất thiết phải duy trì tất cả những lề thói cũ, nhưng việc hướng con cái về cội nguồn, nhớ tới ông bà, biết đến họ hàng làng xóm là cần thiết.
Sau này, sinh hai con trai, tôi cũng dắt con về quê ngay từ lúc con biết đi, những mong hình ảnh quê hương sẽ ghi lại dấu ấn trong tâm hồn trẻ, để con biết yêu chiếc nôi đã sinh ra mình. Và muốn con được như vậy, trước hết bố mẹ phải làm gương. Chắc chắn các con tôi sẽ nhìn vào cách ứng sử của bố mẹ với ông bà, chú bác, anh chị em trong họ hàng trong từng hành động nhỏ để chúng bắt chiếc. Ví như, trong bữa giỗ, chồng tôi bao giờ cũng là người đến sơm, về muộn để giúp các bậc cao niên kê , dọn bàn ghế. Thế là con trai tôi từ lúc bé cũng biết nói với mẹ sau bữa giỗ: “chờ con một tí để con dọn nhà cho bà đã!” Tôi mừng vì con đã học được phần nào nếp sống của bố mẹ.
Với riêng tôi, hình ảnh mà tôi lưu giữ trong ngày “dâu mới về quê” chính là chú út của nhà chồng. Lúc chúng tôi chia tay ra bến tàu, chú tất bật vào nhà bưng ra buồng chuối xanh vừa cắt từ sáng sớm. Thì ra trong nhà chẳng có gì đáng giá nhưng tấm lòng người quê vẫn muốn gửi quà cho cháu, chú đã dạy sớm chọn buồng chuối đẹp nhất để cắt mà đáng lẽ nếu đem ra chợ bán cũng thêm được mấy đồng nuôi con. Tôi nghĩ, nếp gia phong không phải thứ gì to tát mà chính là tấm lòng yêu thương đùm bọc nhau trong gia đình để có thể vẫn có ngày tụ hội cho dù mỗi người con sống ở mỗi miền đất xa xôi.
Thanh Thủy
Link nội dung: https://phano.net.vn/nep-gia-phong-a6987.html