Mẹ tôi là con gái Hàng Ðào chính gốc. Bà có dáng hình nhỏ nhắn, phong lưu. Vậy mà khi lấy bố tôi, một sĩ quan Quân y, bà đã rời bỏ đô thành theo chồng lên Tây Bắc đi kháng chiến, sinh bốn đứa chúng tôi ở rừng xanh núi đỏ. Bởi thế, anh em chúng tôi được mang tên: Sơn, Lâm, Thuỷ, Chung là vì vậy. Tính tình của mẹ tôi dịu dàng, đằm thắm nhưng rất nhát. Mẹ rất ngại diễn thuyết hay thể hiện gì nổi trội trước đám đông. Mẹ cũng dễ bị tổn thương, mau nước mắt. Vậy mà khi phải rơi vào tình huống hiểm nguy, mẹ cũng can trường lắm, nhớ lần, bố tôi đưa mẹ từ Mai Sơn về Hát Lót để nhận nhiệm vụ mới, đi bộ đường đêm gặp nước lũ, hai người lạc nhau. Một mình mẹ ngồi trên mỏm cao nước lũ vây quanh, mẹ đã bình tĩnh chờ nước rút và người đến cứu. Sau này, khi nghe mẹ ôn lại chuyện cũ, bà nói rằng: "Những khi tình huống hiểm nghèo, chỉ vì nghĩ đến các con mà mẹ phải cố gắng vượt qua".
Khi đã nhiều năm rời xa thị thành, nhưng sống với bất cứ miền quê nào, mọi người đều đoán mẹ tôi là "Người Hà Nội". Sau mấy chục năm theo chồng đi kháng chiến, khi trở về Hà Nội, mẹ tôi không về lại phố Hàng Ðào, mà theo chồng gây dựng nhà cửa ở một huyện ngoại thành, nhưng những người hàng xóm vẫn nhận ra ngay mẹ tôi "Người Hà Nội". ấy là do phong thái khoan thai, nói năng nhẹ nhàng, cư xử, ăn mặc đoan trang, tinh tế. Ðặc biệt, cách đối nhân xử thế của bà ai cũng phải nể phục, bởi nó hợp tình hợp lý, chẳng cần đao to búa lớn vẫn đầy sức thuyết phục. Tôi không thể kể hết những chuyện ứng đối rất hay của bà. Song tôi xin dẫn chứng về cách bà dạy con. Bà toàn dùng ca dao, tục ngữ, giáo huấn ca để nói với chúng tôi. Khi anh tôi không chịu học bài, cứ khất ngày mai sẽ học, mẹ thủ thỉ khuyên anh tôi:
"Một cậu bé chuyện trò cùng mẹ
Rằng ngày mai con sẽ xin ngoan
Con ơi con chớ hề nói thế
Việc hôm nay chớ để ngày mai
Chi bằng con nói thế này
Mẹ ơi con muốn ngoan ngay bây giờ…"
Thế là anh tôi phải tự giác lấy sách ra học. Còn tôi hồi nhỏ rất lười dậy sớm. Mẹ đã đọc và khuyên tôi phải thuộc bài thơ "Cái lười":
"Cái lười nó thật là ranh
Nó xui ta mãi, dỗ dành ta đi
Ta dậy, nó bảo ngủ đi
Ta làm, nó bảo làm chi nhọc mình
Cái lười nó thật là tinh
Nó xui ta mãi cho sinh hư đời
Nếu ta có muốn nên người
Thì ta đuổi quách cái lười đó đi!"
Mỗi khi anh em tôi có chuyện bực mình nhăn nhó, mẹ tôi lại dịu dàng thủ thỉ:
"Ðừng nên ủ mặt chau mày
Như xui những nỗi đắng cay trong lòng".
Hoặc:
"Dù no dù đói cho tươi
Cái miệng em cười, đói cũng như no".
Khi chúng tôi chành choẹ với nhau, bà lại nói:
"Khôn ngoan đối đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau".
Cách sống của mẹ tôi cũng y như trong các bài giáo huấn mà bà dạy chúng tôi. Bà thương chồng, thương con, chăm bẵm, vun đắp gia đình rất tận tuỵ, khéo cầm cân nảy mực giữa các con. Với tôi là con gái duy nhất, bà có phần thương hơn, nhưng trước mặt mọi người bà vẫn tỏ ra bình đẳng. Khi tôi đi lấy chồng, bà không quên dặn tôi:
"Chồng em áo rách em thương
Chồng người áo gấm xông hương, mặc người".
Mẹ tôi có một "nhược điểm", bên cạnh tính nhu mì thì lại rất nhát. Bố tôi đặt cho mẹ tôi biệt danh "Khoai Thị Như Cáy" vì mẹ (chẳng là bố tôi họ Ngô, mẹ tôi họ Trịnh- Trịnh Thị Kim Dung, nhưng mẹ tôi nhận là họ Khoai cho tương ứng với Ngô). Thấy tôi con gái mà tự tin, mạnh bạo, bà cười: "Con thật bạo dạn, như mẹ thì chẳng làm nên gì cả, may mà con giống bố!". Thực ra, tôi không có được cái tư chất "người Hà Nội xưa" như bà. Nhưng bà lại chưa có được tư chất người Hà Nội hiện đại trong xu thế đi lên tất yếu. Vậy "người Hà Nội văn minh, thanh lịch, hiện đại" mà biết bao cuộc hội thảo, toạ đàm đã đề cập sẽ phải là thế nào? Tôi vẫn nói câu muôn thuở mà mọi người đã nói, đó là phải phát huy những nét tinh hoa truyền thống và tiếp nhận cái mới có chọn lọc. Sẽ không thể chấp nhận được một cô gái Hà Nội xinh đẹp, ăn vận thời trang, môi son má phấn, mà ra đường nói năng thiếu văn hoá. Cũng không thể chấp nhận được một chàng trai Hà Nội có tri thức mà ra đường phóng nhanh, vượt ẩu, không chấp hành luật giao thông, hoặc hơi một tý thì văng ra những lời thô tục. Còn nữa, cho dù thiên hạ nói: "Thương trường như chiến trường" thì người Hà Nội hôm nay cũng không thể chạy theo lối sống kim tiền mà đánh mất nghĩa tình. Người Hà Nội cũng không vì phục hồi truyền thống cũ mà trở nên quá lịch lãm, khách khí với nhau, đôi khi trở thành "trưởng giả học làm sang"...
Bốn anh em tôi được nuôi dưỡng bởi mẹ nên lớn lên đều trưởng thành, trở thành bác sỹ, kỹ sư, nhà báo, nhà kinh doanh. Chúng tôi không chỉ ghi tạc công ơn của mẹ mà như một sự tự nhiên, tâm hồn chúng tôi được hưởng thụ những nét tinh tế của mẹ để có sẵn những đức tính khiêm nhường, dịu dàng, ân cần... và từ đó anh em tôi dạy bảo con cái, các cháu nội, ngoại của mẹ như ngày xưa mẹ đã dạy chúng tôi. Có những vị trí nhất định trong xã hội, luôn nỗ lực vươn lên trong công tác, trong cuộc sống, nhưng anh em tôi không sống xô bồ, ồn ĩ, thường lấy sự ân cần, nhẹ nhàng trong mọi cư xử ở nơi công tác cũng như nơi cư trú. Ðó chính là tài sản quý giá mà mẹ tôi, một người phụ nữ Hà Nội gốc đã trao lại cho con cháu, cho dù mẹ đã đi xa 9 năm rồi.
Thanh Thủy
Link nội dung: https://phano.net.vn/nho-me-nguoi-phu-nu-goc-hang-dao-a6911.html