Chạy đua với thời gian để bù đắp một phần thiệt hại do dịch bệnh. Nhưng dường như các dự án chờ cấp phép, trước dịch chờ, bây giờ vẫn chờ. Và cũng không biết chờ đến bao giờ? Đây là một thực tế đáng lo ngại cho các doanh nghiệp đang tiến hành các thủ tục để thực hiện các dự án mới.
Trăn trở của đại gia điếu cày làm sao có việc cho người lao động |
Trong phạm vi bài báo này, xin nêu lên những tác động trái khoáy mà một tập đoàn kinh tế đang phải gánh chịu nằm trong thực trạng chung về phát triển kinh tế tư nhân của đất nước. Trái khoáy ở đây là ở chỗ, nhu cầu sản phẩm đối với xã hội thì cao, nhưng làm đúng quy trình, thủ tục thì không đáp ứng được nhu cầu. Làm đúng pháp luật thì không có lợi nhuận.
Làm sai thì có lợi nhuận nhưng lại có những hệ lụy phức tạp. Trước đây, chính quyền không cấp phép hoặc cấp phép không kịp thời, buộc doanh nghiệp phải xây không phép. Bây giờ không dám xây không phép thì đình trệ sản xuất. Chính quyền không cùng doanh nghiệp tháo gỡ những bất cập trong các quy định của pháp luật, cán bộ các cơ quan chức năng thiếu nhiệt tình giúp đỡ doanh nghiệp tiến hành các thủ tục thẩm định, phê duyệt, cấp phép thực hiện các dự án, làm cho doanh nghiệp đã khó lại càng khó hơn...
Nguy cơ thua lỗ do chờ duyệt dự án
Hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn Mường Thanh có hai lĩnh vực chính: Bất động sản và dịch vụ khách sạn. Lĩnh vực bất động sản thì Mường Thanh thành công lớn và có nhiều tai tiếng. Thành công và tai tiếng ở đây đều liên quan đến câu chuyện xây dựng không phép và sai phép. Sự cố pháp lý hồi tháng 7/2019 tại tập đoàn kinh tế danh tiếng này đã khuấy động giới truyền thông, từ đó sự lên án chỉ trích ông chủ tập đoàn và chính quyền địa phương với một lượng thông tin khủng xuất hiện trên mạng intenet, do vi phạm pháp luật xây không phép, sai phép.
Sai phép, không phép bắt đầu từ đâu? |
Vấn đề xây dựng không phép, sai phép ở nước ta đã trở thành vấn nạn của nhiều năm trước. Nguyên nhân chính không phải nằm ở chỗ, chủ nhà, chủ đầu tư coi thường pháp luật. Mà Phần lớn các trường hợp xây dựng không phép, sai phép là do không thể nào có được giấy phép, giấy phép bổ sung, hoặc có được thì cũng vô cùng khó khăn.
Hay nói cách khác, vấn đề pháp lý của các yếu tố liên quan đến xây dựng còn nhiều bất cập và đạo đức công vụ của cán bộ, nhân viên cơ quan chức năng bị xuống cấp thì việc xây dựng không phép, sai phép diễn ra nhiều là điều dễ hiểu. Riêng việc thẩm định, phê duyệt, cấp phép xây dựng cho các dự án cũng vậy. Lỗ hổng pháp luật và đạo đức công vụ của cán bộ, nhân viên trong các cơ quan chức năng không thuận chiều với việc hỗ trợ tích cực nhằm giúp doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.
Khi thủ tục “xin cấp phép xây dựng” chưa được đổi thành “đề nghị hoặc yêu cầu cấp phép” thì vẫn nhùng nhằng cơ chế “xin cho”. Người đi xin là bên yếu thế phải quỵ lụy, chạy chọt thì mới có được. Thực tế có rất nhiều dự án, chủ đầu tư rất tích cực tiến hành các thủ tục xin phê duyệt, cấp phép, nhưng phía cơ quan chức năng không đáp ứng được thời gian mong muốn.
Khi thời gian làm thủ tục chậm trễ, chi phí trực tiếp chưa chi, nhưng chị phí gián tiếp đã phải chi hàng ngày, đồng thời vòng quay đồng vốn chậm, là nguyên nhân chính dẫn đến lợi nhuận thấp hoặc thua lỗ. Để bảo đảm hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, chủ đầu tư tìm cách để dự án được duyệt, được cấp phép sớm. Còn cơ quan chức năng quản lý xây dựng thường tiến hành thủ tục chậm trễ do phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, hoặc theo đúng “quy trình” đã thành quen, mà lẽ ra các cơ quan chức năng đó phải có trách nhiệm tạo mọi điều kiện thuận lợi để dự án được triển khai sớm.
Làm sao có nhà giá rẻ cho dân? |
Khi hai phía chủ đầu tư và người đại diện cơ quan chức năng không hướng về một mục đích trong tiến hành các thủ tục, thì sự lựa chọn của chủ đầu tư là chấp nhận chịu phạt, cứ xây. Bởi vì họ thấy, cứ xây, lợi nhuận sẽ có nhiều hơn ngồi chờ dự án được phê duyệt, cấp phép. Thời điểm hiện nay thì không dám làm, nhưng cách đây vài năm thì xây không phép, sai phép vẫn diễn ra tràn lan. Chấp nhận chịu phạt để tồn tại là sự lựa chọn có lợi nhất trong bối cảnh nhùng nhằng về thủ tục cấp phép.
Riêng đối với tập đoàn Mường Thanh, cũng đã một thời tiến hành nhiều dự án, vừa xây vừa xin phép. Phần nhiều các dự án xây xong là có thủ tục pháp lý đầy đủ. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho đồng vốn của tập đoàn quay vòng nhanh đem đến lợi nhuận cao. Còn nhớ, cách đây vài năm, tâm sự với người viết, một vị phó Tổng giám đốc tập đoàn Mường Thanh bộc bạch: “Khổ lắm anh ạ, nghĩ là được cấp phép, đã chọn ngày động thổ, khởi công, làm lễ cúng, điều động máy móc, phương tiện, nhân lực để làm, nhưng đến ngày vẫn chưa có giấy phép, thôi cứ làm liều, chấp nhận phạt còn hơn là dừng lại. Chấp nhận phạt thì có lợi nhuận, còn chờ được cấp phép mà làm theo phép thì có nguy cơ bị lỗ. Khi cán bộ đến kiểm tra, xử lý thì lập biên bản, kèm theo “lời cảm ơn” cứ thế mà làm.
Cả nước thế, mình làm sao khác được...” Lời nói này có vẻ như là ngụy biện cho việc vi phạm, nhưng đây là thực tế phổ biến đã một thời diễn ra trên mọi miền đất nước.
Hệ lụy của chữ liều
Thường khi tiến hành xử lý vi phạm hành chính, hoặc hình sự hoá vụ việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, thì cơ quan chức năng có thẩm quyền ra quyết định xử lý người vi phạm là chủ đầu tư. Theo đó, báo chí thường nêu theo những hành vi vi phạm của chủ đầu tư đã được chỉ ra trong các quyết định, biên bản xử lý. Khi vấn đề nóng lên trong dư luận xã hội, hiển nhiên chủ đầu tư phải hứng chịu những chỉ trích cay nghiệt của cộng đồng.
Và cũng phải, khi cố ý làm trái pháp luật, bị công luận lên án là chuyện không thể tránh khỏi. Xử phạt chủ đầu tư là việc cần làm. Tuy nhiên, xét cho cùng lỗi của cán bộ cơ quan công quyền thực thi công vụ quản lý xây dựng mới là điều cần phải lên án mạnh hơn. Cũng không phải vô cớ mà khi có vụ việc vi phạm pháp luật về trật tự xây dựng được phản ánh trên báo chí phần lớn công chúng đòi hỏi xử cán bộ cơ quan chức năng nặng hơn chủ đầu tư.
Mường Thanh Đà Nẵng xong lâu rồi mới lùm xùm |
Câu chuyện xây không phép, sai phép tại tập đoàn Mường Thanh là một điển hình. Khi tập đoàn xảy ra sự cố pháp lý, bức xúc bùng lên trong xã hội trở thành làn sóng mạnh mẽ hướng chính vào chỉ trích sự xuống cấp về đạo đức công vụ và sự bất cập của thể chế pháp luật.
Như đã bàn về chuyện liều nói trên, thì thấy rõ, trong lĩnh vực xây dựng lợi nhuận doanh nghiệp và “lợi ích nhóm” có vô số trường hợp gắn liền với hoạt động xây không phép và sai phép. Cái vòng luẩn quẩn từ thủ tục cấp phép, đến xây không phép, sai phép, đến lập biên bản xử lý vi phạm, đến khi ra quyết định cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả đã làm cho đạo đức công vụ của cán bộ, nhân viên trong cơ quan chức năng bị biến thái, xuống cấp nghiêm trọng.
Có những cán bộ đã đồng tình với chủ đầu tư trong việc xây dựng một số công trình khi chưa đủ các thủ tục theo quy định nhưng khi công luận lên án, chính quyền ra quyết định cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả, họ không mảy may chút thương xót, thậm chí họ trở thành con người phản bội chính sự “đồng hành” của mình với chủ đầu tư trước đó.
Câu chuyện về bất cập của thể chế pháp luật thì báo chí đã nói rất nhiều. Sự chồng chéo, xung đột giữa các quy phạm pháp luật, sự rườm rà khó thực hiện của nhiều quy định khác nhau... hoặc nhiều người đặt câu hỏi tại sao ở Hà Nội có nhiều toà nhà được phép xây trên 70 tầng mà nhà cho người thu nhập thấp lại không được xây cao. Câu hỏi này đến nay vẫn còn bỏ ngõ.
Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến xây dựng không phép, sai phép của tập đoàn Mường Thanh trong những năm trước đây. Hệ lụy phức tạp của việc tập đoàn Mường Thanh xây dựng không phép, sai phép đang nổi lên một vấn đề mà trách nhiệm chính của chính quyền phải sớm được giải quyết, đó là cấp sổ đỏ cho người mua nhà. Không thể để người mua nhà từ các dự án vi phạm trật tự quản lý xây dựng chịu thiệt thòi.
Ở một số chung cư hiện có hàng trăm căn hộ chưa được cấp sổ đỏ. Đây là vấn đề còn tác động đến an sinh xã hội đối với rất nhiều người thu nhập thấp, bất bình, bức xúc của người mua nhà chưa được giải quyết. Cần phải thấy rõ để người mua nhà không có sổ đỏ là lỗi của chính quyền. Nếu chủ đầu tư chưa có đủ thủ tục pháp lý của dự án, trong khi cơ quan chức năng đã “đồng hành” cho xây, thì không thể đổ cho chủ đầu tư.
Mặt khác dù chủ đầu tư dù có nổ lực khắc phục hậu quả thì cũng không đẻ ra được sổ đỏ để cấp cho người mua. Chức năng công nhận quyền sở hữu tài sản là của chính quyền. Người dân căng biển phản ứng treo trên các căn hộ chưa có sổ đỏ, chính quyền địa phương cần có sự thương cảm, xót xa, thấy được đó là lỗi của chính mình. Dù từ nguyên nhân nào, để xây dựng không phép, sai phép đều là lỗi thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Nếu chính quyền làm nghiêm ngay từ đầu, xử lý dứt điểm thì người dân không thể chờ đến hơn cả thập kỷ mà vẫn chưa được giải quyết thủ tục pháp lý về nhà ở. Còn bây giờ bằng cách nào để người mua các căn hộ có được sổ đỏ cũng là trách nhiệm và là việc nên làm của chính quyền các cấp. Chuyện hợp thức hoá, hợp pháp hoá để bảo đảm quyền có nhà ở của người dân là việc sửa sai của chính quyền. Việc sửa sai này chỉ có tác động tích cực, không có ảnh hưởng xấu đến đời sống.
Cựa mình tìm lối thoát
Lối thoát nào cho Mường Thanh, một tập đoàn kinh tế lớn đang bị đình trệ sản xuất do phải chờ điều chỉnh quy hoạch, chờ thẩm định, phê duyệt, cấp phép để triển khai các dự án mới? Trong điều kiện dịch COVID đã gây ra nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh dịch vụ mà tập đoàn phải gánh chịu. Nguồn thu rất thấp, nhưng chi thì nhiều việc không thể ngừng. Hàng chục ngàn lao động chờ việc, bỏ việc, không có thu nhập do dự án mới chưa được khởi công.
Gần 200 lao động bỗng dưng mất việc |
Khu đô thị Thanh Hà là một địa chỉ hấp dẫn của giới đầu tư bất động sản và người có nhu cầu về nhà ở. Từ một vùng đất hoang, dự án khu đô thị do Cienco 5 làm chủ đầu tư không triển khai được. Khi tập đoàn Mường Thanh mua lại dự án, làm chủ đầu tư, tốc độ xây dựng trở nên chóng mặt. Cách đây vài năm giao dịch ở đây rất sôi động. Giá đất tăng lên từng ngày.
Nhưng gần đây, khi các toà chung cư mới, lâu rồi chưa được khởi công trở lại, đất biệt thự, liền kề tạm ngừng cấp giấy phép xây dựng. Cộng với công viên nước Thanh Hà bị chính quyền phá huỷ... đã làm cho dự án đã được cứu hồi sinh, nay như bị “chết” lại. Trái khoáy là ở chỗ, khu đô thị Thanh Hà do công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 LAND (công ty trực thuộc tập đoàn Mường Thanh) làm chủ dự án có vốn cổ phần là 95%. Còn lại 5% là của Cienco 5.
Thế nhưng khi tiến hành các thủ tục trình chính quyền thành phố thẩm định, phê duyệt, cấp phép cho các dự án thành phần để khởi công đều bị phía Cienco 5 gây trở ngại. Mà cũng lạ, một bên chỉ có 5% vốn lại chi phối chính quyền để vô hiệu hoá quyền của bên 95% vốn. Khúc mắc này đã có từ vài năm nay nhưng cho đến nay vẫn nhùng nhằng chưa được giải quyết ổn thỏa.
Để giảm bớt các phiền phức trở ngại, được biết tập đoàn Mường Thanh đang làm thủ tục để chủ dự án khu đô thị Thanh Hà thuộc toàn quyền của Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 LAND. Chỉ có bằng cách đó và tìm cách để các cơ quan chức năng hỗ trợ sớm phê duyệt, cấp phép cho các dự án thì tập đoàn mới có lối thoát, mới có cơ vượt qua khó khăn.
Nỗ lực chủ quan của tập đoàn là thế, nhưng sự bất cập của thể chế pháp luật và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức chưa được cải thiện thì không chỉ là Mường Thanh mà còn nhiều doanh nghiệp khác cũng rất khó phát triển bền vững.
Nguyễn Hoà Văn
Link nội dung: https://phano.net.vn/tap-doan-muong-thanh-dang-ganh-chiu-nhung-tac-dong-trai-khoay-a6777.html