Tổng cục Thuế cho biết, vừa qua cơ quan thuế đã mời cá nhân tên Trần Đức Phương lên làm việc, truy thu và phạt tổng cộng hơn 4 tỷ đồng tiền thuế. Người này kiếm được hơn 41 tỷ đồng từ Google.
Nói về vấn đề truy thu thuế với người có doanh thu phát sinh từ Google, Facebook, YouTube, ông Nguyễn Nam Bình, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho biết Cục Thuế đang phải thu thập dữ liệu của các cá nhân này qua tài khoản cá nhân mở tại ngân hàng, các công cụ tính lượng truy cập để kiểm tra, giám sát.
Quá trình quản lý gặp nhiều khó khăn bởi đặc thù của hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và nền tảng số nói chung thường không có văn phòng đại diện và không đăng ký doanh nghiệp. Do đó, ông Bình mong muốn đẩy mạnh tuyên truyền để các cá nhân có thu nhập từ những nguồn này tự giác kê khai, nộp thuế, chứ không phải chờ cơ quan thuế phát hiện và xử lý.
Nhờ tính năng kiếm tiền, các nền tảng xã hội là công cụ làm giàu của nhiều người. Ảnh: AFP. |
Dưới góc độ của luật sư, ông Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, nhìn nhận việc thu thuế với người có thu nhập từ Google, Facebook, YouTube đang không gặp khó khăn bởi luật mà chủ yếu phụ thuộc vào năng lực, trình độ và công nghệ.
Luật đã quy định rõ các cá nhân kinh doanh có nguồn thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên và các thu nhập từ Google, YouTube, Facebook đều thuộc đối tượng chịu thuế. Hơn nữa, giao dịch chủ yếu thông qua tài khoản ngân hàng, ứng dụng, có nhiều căn cứ để cơ quan quản lý theo dõi, đánh giá.
Ngân hàng nắm đầy đủ dữ liệu về những giao dịch bất thường. Cơ quan thuế cần phải phối hợp chặt chẽ với hệ thống ngân hàng để truy soát các dòng tiền chi trả từ nước ngoài. Từ đó, áp dụng công nghệ kỹ thuật để quản lý, xác định đâu là giao dịch mua bán kinh doanh, thanh toán, tặng cho… Muốn vậy, cần đầu tư máy móc, nâng cao năng lực, trình độ người quản lý.
“Ngân hàng là mấu chốt của các giao dịch và được hưởng lợi rất lớn khi là kênh trung gian chuyển tiền, do đó cần phải có trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin, dữ liệu quản lý”, luật sư Trương Thanh Đức nói.
Đối với cá nhân không tự giác kê khai nộp thuế, ông Đức cho rằng nếu chưa biết, cần có quá trình tuyên truyền, vận động rồi hỗ trợ, tư vấn; còn cố tình chây ì thì phạt hành chính và bêu tên rộng rãi. Cơ quan thuế có thể cân nhắc công khai số tiền nộp thuế của từng cá nhân để đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng nhấn mạnh việc thu thuế với người nhận thu nhập từ Google, Facebook, YouTube là “cần thiết phải làm”. Ảnh: Time Magazine. |
Còn theo ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Chính sách thuế (Tổng cục Thuế), quan trọng nhất là sự phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để truy xuất dòng tiền thu nhập bất thường của các cá nhân, doanh nghiệp qua các nền tảng mạng xã hội.
Đồng thời, cần có giải pháp, cơ chế để các tập đoàn đa quốc gia như Google, Facebook, YouTube phối hợp cung cấp thông tin giao dịch, dòng tiền chi trả cho các cá nhân ở Việt Nam. Từ đó, cơ quan thuế có thể tổng hợp, theo dõi một cách hiệu quả nhất.
Ngoài ra, cần có sự vào cuộc của Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông để giám sát, quản lý thu thuế thương mại điện tử hiệu quả.
Ngày 20/10, tại buổi họp báo về chống buôn lậu quý III của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, ông Vũ Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ thanh tra kiểm tra (Tổng cục Thuế), cho biết cơ quan thuế đã yêu cầu 45 ngân hàng thương mại cung cấp thông tin để ngành có dữ liệu quản lý. Tại Hà Nội, hiện có 18.304 tổ chức, cá nhân có hoạt động bán hàng online với tổng thu nhập 1.462 tỷ đồng từ Google, Facebook, YouTube. Số tiền đã kê khai nộp thuế và truy thu là 13,9 tỷ đồng.
Cơ quan thuế khẳng định đang đẩy mạnh việc truy thu với các cá nhân này. Sắp tới, ngành thuế áp dụng biện pháp nghiệp vụ để thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế đối với những trường hợp chây ì không kê khai và nộp thuế. Đặc biệt, sẽ phối hợp với công an phường, xã xác minh nơi cư trú để nắm thông tin về đối tượng cố tình không nộp thuế.
Trước đó, Tổng cục Thuế khẳng định Việt Nam có thu thuế giá trị gia tăng (VAT) với các tổ chức nước ngoài hoạt động kinh doanh tại Việt Nam thông qua thuế nhà thầu nước ngoài. Trong đó, Google, Facebook, Netflix… có thu nhập tại Việt Nam thì các doanh nghiệp này đều phải nộp cả thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân.
“Chính sách Việt Nam đã có rồi và thực tế các doanh nghiệp đã kê khai và nộp thuế thông qua một đại diện tại Việt Nam. Thông qua đó, tổ chức phía Việt Nam sẽ nộp thuế phần thu nhập mà tổ chức nước ngoài nhận được ở Việt Nam”, ông Cường khẳng định.
Link nội dung: https://phano.net.vn/thu-thue-nguoi-kiem-tien-tren-google-youtube-the-nao-a6363.html