Tổng công ty Cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) vừa báo cáo kết quả chào mua công khai cổ phiếu của Tổng công ty Viglacera.
Gelex mua thành công 94,6 triệu cổ phiếu Viglacera, tương đương 21,1% cổ phần của doanh nghiệp. Sau giao dịch trên, Gelex cùng công ty con tăng tỷ lệ sở hữu ở Viglacera từ 25% lên 46,1%. Doanh nghiệp này trở thành cổ đông lớn nhất của Viglacera sau khi vượt tỷ lệ sở hữu của Bộ Xây dựng (38,6%).
Với mức giá chào mua 23.500 đồng/cổ phiếu, số tiền Gelex chi ra để gom 94,6 triệu cổ phiếu Viglacera ước tính khoảng 2.220 tỷ đồng. Trong thời gian chào mua công khai từ 26/8 đến 25/9, Gelex thể hiện rõ quyết tâm gom cổ phần Viglacera khi 2 lần nâng giá chào mua từ 17.700 đồng/cổ phiếu lên 21.500 đồng rồi 23.500 đồng. Mức giá cuối cùng Gelex đưa ra cao hơn thị giá bình quân của cổ phiếu Viglacera trong giai đoạn này.
Bộ Xây dựng có kế hoạch thoái toàn bộ vốn ở Viglacera trong năm 2020 với mức giá hợp lý. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có thông tin cụ thể về việc bán đấu giá phần vốn Nhà nước tại Viglacera. Do đó, Gelex tiến hành mua vào cổ phiếu của các cổ đông nhỏ lẻ.
Dù chưa hoàn tất 100% mục tiêu gom 95 triệu cổ phiếu như đăng ký, Gelex đã tiến sát đến việc hoàn tất thâu tóm Viglacera khi nâng tỷ lệ sở hữu lên trên 46%.
Chỉ cần mua vào thêm chưa đến 5% cổ phần Viglacera, Gelex sẽ chính thức nắm quyền kiểm soát, chi phối hoạt động của doanh nghiệp này. Theo quy định, Gelex không cần phải chào mua công khai nếu tỷ lệ mua vào dưới 5% cổ phần.
Gelex trở thành cổ đông lớn nhất tại Viglacera | |||||
Cơ cấu sở hữu của Viglacera sau khi Gelex mua vào 94,6 triệu cổ phiếu | |||||
Nhãn | Nhóm Gelex | Bộ Xây dựng | Cổ đông khác | ||
cổ phần | pie | % | 46.1 | 38.6 | 15.3 |
Tổng giám đốc Gelex Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1984) hiện là Chủ tịch HĐQT Viglacera. Ông Tuấn nắm quyền lãnh đạo cao nhất ở Viglacera từ giữa năm 2019.
Đầu tháng 10, Viglacera cũng bổ nhiệm một nhân sự cấp cao của Gelex vào ban điều hành. Ông Lương Thanh Tùng, Phó chủ tịch HĐQT Gelex đảm nhận vị trí Phó tổng giám đốc Viglacera từ ngày 1/10.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của Viglacera gồm 2 mảng kinh doanh cốt lõi là sản xuất vật liệu xây dựng và cho thuê đất khu công nghiệp. Viglacera là một trong những doanh nghiệp có quỹ đất công nghiệp lớn hàng đầu khu vực miền Bắc.
Việc Gelex chào mua cổ phần Viglacera nhằm hiện thực hóa tham vọng lấn sân sang lĩnh vực bất động sản công nghiệp. Ban lãnh đạo Gelex khẳng định một trong những ưu tiên lớn trong năm nay là hoàn tất việc nắm quyền chi phối Viglacera.
Gelex dự kiến phối hợp với Viglacera trong việc phát triển kinh doanh khu công nghiệp và các hạ tầng phụ trợ, chuẩn bị đầu tư khu công nghiệp Tây Ninh giai đoạn 1 (100 ha), khả năng mở rộng giai đoạn 2 (600 ha) và đầu tư vào các khu công nghiệp chuyên dụng cận cảng.
Nếu hợp nhất được Viglacera từ đầu quý IV, dự kiến tổng doanh thu hợp nhất 2020 của Gelex đạt 19.600 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2019. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất khoảng 975 tỷ, giảm 12% do chi phí vốn phục vụ hoạt động mua bán sáp nhập.
Link nội dung: https://phano.net.vn/thuong-vu-thau-tom-viglacera-sap-den-hoi-ket-a6193.html