DIỆN MẠO HÀ NỘI NỬA THẬP KỶ QUA
Bộ mặt đô thị Hà Nội có những bước chuyển mình qua nhiều năm với những công trình giao thông hiện đại, các khu nhà cao tầng mọc lên, đáp ứng nhu cầu của hàng triệu người dân.
Nhiều công trình giao thông trọng điểm hoàn thành
Trong giai đoạn 2015-2020, thành phố tiếp tục quan tâm phát triển đồng bộ, hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm, cầu đường bộ, gắn với nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng và hạ tầng xã hội, hoàn thành một số công trình giao thông trọng điểm, cấp bách.
Thành phố đã hoàn thành một số công trình giao thông trọng điểm, cấp bách như vành đai 1 đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái; vành đai 2 đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy và đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng phần mặt đất...
Đáng chú ý, đường vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long cũng đã hoàn thành sau 2 năm thi công, sẵn sàng thông xe vào ngày 10/10.
Đường Phạm Văn Đồng cũng được mở rộng và làm mới lại. Tuyến đường có tổng mức đầu tư 3.113 tỷ đồng, mặt cắt ngang đường từ 56 đến 93 m, mỗi bên có 6 làn xe (4 làn cơ giới và 2 làn hỗn hợp) theo tiêu chuẩn tuyến đường đô thị chính cấp 1.
Cùng với việc thông xe công trình cầu vượt thấp qua hồ Linh Đàm sau hơn 1 năm xây dựng, tuyến đường vành đai 3 qua nội đô gần như đã hoàn thiện.
Ngoài ra, thành phố chú trọng phát triển đường vành đai 2 đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy và đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng phần mặt đất. Đường vành đai 2 là tuyến giao thông đường bộ nội đô khép kín của Hà Nội có tổng chiều dài là 43,6 km, chạy qua địa bàn các quận Long Biên, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy, Tây Hồ và huyện Đông Anh.
Trong đó, đoạn từ Ngã Tư Sở tới Ngã Tư Vọng đang hoàn thiện toàn bộ dọc phần đường Trường Chinh. Đây cũng là dự án đường trên cao đầu tiên ở Hà Nội sử dụng công nghệ thi công cầu bê-tông cốt thép trên dàn giáo di động, đổ dầm trực tiếp và không phải vận chuyển dầm bê-tông bằng xe hạng nặng tới công trình.
Một số tuyến đường được xây dựng và đưa vào sử dụng làm rút ngắn khoảng cách di chuyển của người dân cũng như góp phần làm tươi mới bộ mặt đô thị.
Diện tích đất dành cho giao thông tăng lên, năm 2019 đạt 9,75% và hết năm 2020 ước đạt 10,05% đất đô thị (năm 2015 là 8,65%); tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng được nâng lên, năm 2019 đạt 17,03%, năm 2020 ước đạt 20,05% (năm 2015 là 14,4%).
Việc các tuyến đường được mở rộng, nâng cấp khiến thị trường bất động sản ở quanh khu vực này sôi động hơn bao giờ hết. Ước tính có hơn 29.000 căn bán được trong năm 2019, cao hơn 1% so với năm 2018. Doanh số bán hàng khả quan được ghi nhận ở các dự án gần cơ sở hạ tầng tương lai như đường vành đai 2 trên cao hoặc các dự án ở khu vực thuận tiện, tiếp cận dễ dàng.
Thành phố đã triển khai phát triển đô thị theo hướng bền vững, đô thị thông minh. Chủ động rà soát, tháo gỡ khó khăn,vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các khu đô thị mới, khu nhà ở theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại với nhiều khu đô thị đã và đang xây dựng làm thay đổi diện mạo kiến trúc thủ đô như: Ciputra, An Khánh, Mỹ Đình, Mỗ Lao, Vinhomes Ocean Park, Garmuda...
Trung bình trong giai đoạn 2015-2019, mỗi năm thị trường Hà Nội ghi nhận khoảng 35.000 căn mở bán mới, cao hơn 2 lần so với con số trung bình giai đoạn 2010-2014 là 14.800 căn.
Hàng trăm toà nhà cao tầng mọc lên trong những năm gần đây, giải quyết vấn đề "đất chật người đông", tăng hiệu quả sử dụng đất của thủ đô. Những khu đô thị xanh với đầy đủ tiện ích như trường học, bệnh viện, siêu thị, khu vui chơi giải trí..., giúp chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao.
Chú trọng văn hóa, thành phố xanh
Ngày 1/9/2016, phố đi bộ Hồ Gươm chính thức được đưa vào hoạt động, tạo ra không gian vui chơi mới cho người dân thủ đô cũng như các tỉnh thành lân cận. Lượng khách trong và ngoài nước trung bình ban ngày khoảng 3.000 đến 5.000 người; buổi tối 4-5 lần, những buổi có sự kiện lớn có trên 30.000 người tham dự.
Trong thời gian hoạt động phố đi bộ, thành phố cho phép các khách sạn từ 3 sao trở lên, quán bar, nhà hàng tại khu vực hồ Hoàn Kiếm được mở cửa phục vụ đến 2 giờ sáng hôm sau. Phố đi bộ có bố trí các cây bán nước tự động, trạm phát Wi-Fi miễn phí.
Phố đi bộ đã thúc đẩy phát triển thương mại, du lịch, kinh tế của quận Hoàn Kiếm nói riêng và thành phố nói chung.
Năm 2016, Hà Nội đề ra chương trình trồng một triệu cây xanh đến năm 2020 với kinh phí hơn 250 tỷ đồng để tăng độ phủ xanh cho thành phố. Tuy nhiên, chỉ đến hết năm 2018, thành phố đã hoàn thành mục tiêu này, vượt thời hạn đề ra hai năm và đề xuất trồng thêm 600 cây xanh giai đoạn 2019-2020.
Các tuyến đường nhiều cây xanh có thể kể đến như đường đi bộ Thái Hà, đường Láng, Liễu Giai, Văn Cao, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng,...
Công viên hồ điều hoà Nhân Chính là công viên nằm trên địa bàn hai quận Thanh Xuân và Cầu Giấy được khởi công xây dựng từ tháng 5/2016 trên diện tích đất rộng hơn 13 ha và có tổng vốn hơn 298,7 tỷ đồng. Công viên ngay sau khi mở cửa vào tháng 9/2018 đã ghi nhận phản hồi rất tích cực từ phía người dân sinh sống tại các khu chung cư cao tầng xung quanh.
Ngập lụt, tắc đường và những "rừng chung cư" nghẹt thở
"Cứ mưa là ngập", câu nói dần trở nên quen thuộc với người dân thủ đô mỗi khi mưa xuống. Nhiều điểm đen về ngập úng như đại lộ Thăng Long, Vũ Trọng Phụng, chợ nhà Xanh, Nguyễn Khuyến, thậm chí khu vực Hồ Gươm, phố Tạ Hiện cũng lênh láng nước sau cơn mưa lớn.
Những năm gần đây, Hà Nội đang có tốc độ đô thị hoá nhanh chóng, các "rừng chung cư" được xây dựng ồ ạt.
Khu vực đường Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân) trở thành điểm nóng về phát triển cao ốc chung cư tại Hà Nội. Theo tính toán, dọc trục đường Nguyễn Tuân dài 720 m nhưng có tới khoảng 6.000 căn hộ chung cư đã và đang mở bán.
Trục đường Lê Văn Lương chỉ dài 2 km nhưng cõng tới 40 cao ốc.
Năm 2019, thị trường căn hộ chung cư tại Hà Nội duy trì sự phát triển và ghi nhận số lượng nguồn cung rất lớn ra thị trường với khoảng 36.000 căn đến từ 60 dự án mới. 5 năm gần đây, Hà Nội ghi nhận khoảng 35.000 căn mở bán mới mỗi năm, cao gấp đôi con số trung bình giai đoạn 2010-2014 là 14.800 căn.
Khu vực phía tây Hà Nội (quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm) chứng kiến sự tăng lên đáng kể các toà chung cư dọc trục đường Hồ Tùng Mậu, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Hàm Nghi...
Những năm gần đây, việc xây dựng ồ ạt các toà chung cư, khu cao tầng không đồng bộ với hạ tầng giao thông công cộng dẫn đến thường xuyên bị ùn tắc.
Những tuyến đường dù được mở rộng đến 5-7 làn nhưng tình trạng kẹt xe vẫn không có gì thay đổi như Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Phạm Văn Đồng...
Trước tình hình đó, thành phố đã đưa ra nhiều biện pháp khắc phục. Trong 5 năm qua, Hà Nội có thêm 4 cầu vượt, bao gồm cầu vượt đường Nguyễn Chánh - Hoàng Minh Giám (5/2016), cầu vượt nhẹ nối Ô Đống Mác, Trần Khát Chân với Nguyễn Khoái (12/2016), cầu vượt An Dương - Thanh Niên (9/2017) và cầu vượt Nguyễn Văn Huyên cắt ngang qua đường Hoàng Quốc Việt (8/2020).
Đến nay Hà Nội đã có 12 cây cầu bắc qua các ngã tư trọng điểm, giúp giảm ùn tắc giao thông.
Bên cạnh những dự án đã xây dựng thành công, TP. Hà Nội cũng có những dự án đang được ấp ủ để xây dựng thành phố phát triển hiện đại. Một trong số đó là việc Sở Quy hoạch và Kiến trúc kiến nghị xây dựng sân bay thứ hai ở Hà Nội tại huyện Ứng Hòa.
Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc, việc xây dựng sân bay tại huyện Ứng Hòa phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tháng 3/2020.
Đánh giá về các phương án, Sở cho rằng khu vực phía nam Hà Nội có nhiều ưu điểm hơn cả. Sở nhận định khoảng cách và thời gian tiếp cận trung tâm thành phố hợp lý; kết nối giao thông thuận lợi, đồng bộ 3 loại hình giao thông là đường bộ, đường thủy và đường sắt.
Cùng với đó, vị trí này thuận lợi về giải phóng mặt bằng, quỹ đất phát triển (có quỹ đất đủ cho sân bay quy mô 1.300 ha) và có điều kiện phát triển các khu đô thị vệ tinh, khu công nghiệp, vận tải đa phương thức, hệ thống kho bãi, logistics...
Trong 5 năm qua, diện mạo thủ đô có nhiều thay đổi, ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại. Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư, một số công trình, dự án quy mô lớn, hiện đại được hoàn thành và khởi công. Xử lý rác thải, nước thải, ô nhiễm ao, hồ… cải thiện đáng kể.
Nhiều chuyên gia đánh giá thành phố ngày càng xanh, sạch hơn. Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đất đai, quản lý đô thị, trật tự, an toàn giao thông, trật tự, kỷ cương xã hội được tăng cường. Nếp sống văn minh đô thị có chuyển biến tích cực.
Link nội dung: https://phano.net.vn/do-thi-ha-noi-sau-5-nam-nhin-lai-a6116.html