Nga vây hãm "gắt" ở Idlib, Thổ Nhĩ Kỳ tháo trạm quan sát "bỏ chạy"?

Sau quãng thời gian ở ẩn, Nga bắt đầu phả hơi nóng vào gáy Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib, buộc nước này rút bỏ sự hiện diện quân sự ở Syria.

Tiêu điểm - Nga vây hãm 'gắt' ở Idlib, Thổ Nhĩ Kỳ tháo trạm quan sát 'bỏ chạy'?

Thổ Nhĩ Kỳ đang bị vây hãm ở Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ trạm quan sát

Một cứ điểm quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở thị trấn Morek, Syria đã gần như bị phá hủy hoàn toàn vào cuối tuần trước sau các cuộc vây hãm của quân đội Syria. Trước tình thế nguy hiểm nói trên, các nguồn tin Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, các trạm quan sát và cứ điểm quân sự khác của nước này cũng sắp được dỡ bỏ giữa bối cảnh tình hình chiến sự Idlib có nguy cơ bùng nổ.

Các tháp điều khiển và thiết bị hậu cần bên trong cứ điểm đang được gỡ xuống và các bức tường đang được dỡ bỏ. Quân đội Syria bao vây đồn bốt từ mọi phía, dự kiến ​​sẽ kiểm soát hoàn toàn khu vực vốn được coi là điểm yếu nhất của Thổ Nhĩ Kỳ trước các cuộc tấn công quân sự, theo Arab News.

Sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ ở tây bắc Syria đã chịu sức ép ngày càng lớn kể từ giữa tháng 9 khi binh sĩ nước này gặp thương vong trước các cuộc tấn công liên tiếp. Cùng với đó, các động thái khiêu khích của một số nhóm cực đoan nhằm vào cuộc tuần tra chung Nga-Thổ Nhĩ Kỳ trên đường cao tốc M4 khiến binh sĩ Nga bị thương cũng là một nguyên nhân gây lo ngại.

Trước tình hình đó, đã có thông tin cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể rút quân khỏi Syria. Ankara vẫn chưa chính thức xác nhận động thái này. Nhưng hãng thông tấn Sputnik đưa tin, Thổ Nhĩ Kỳ đã thông báo cho Nga về quyết định rút khỏi khu vực.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có hơn 50 trạm quan sát trên khắp miền Bắc Syria. Đây vốn là nguồn cơn căng thẳng nghiêm trọng với Damascus vì Ankara chỉ được phép mở 12 trạm ở phía Bắc và phía Đông Idlib, theo thỏa thuận Sochi năm 2018.

Tám trong số các trạm quan sát và năm cứ điểm kiên cố hiện đang bị quân đội Syria bao vây.

Navvar Saban, nhà phân tích quân sự tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Omran ở Istanbul, nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ không muốn chấp nhận bất kỳ rủi ro nào trong trường hợp một chiến dịch quân sự được phát động.

“Vì một số điểm quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ đang bị bao vây trong lúc này nên Thổ Nhĩ Kỳ có vị thế yếu hơn trong việc ảnh hưởng đến các điều khoản đàm phán. Người Nga sẽ có ưu thế hơn vì họ kiểm soát số phận của những cứ điểm bị bao vây”, Saban nói với Arab News.

Chuyên gia này tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang có kế hoạch rút khỏi tất cả các cứ điểm quân sự và chuyển chúng đến một khu vực phía Nam M4.

Trước đó, Moscow đã cố gắng thuyết phục Ankara giảm sự hiện diện quân sự ở Idlib và dỡ bỏ một số trạm quan sát trong khu vực. Tuy nhiên, các quan chức Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ chỉ ra rằng việc rút quân là không thể vì sự hiện diện trong khu vực vốn là con bài mặc cả trong các cuộc đàm phán với Damascus và Moscow.

Mặt khác, quyền kiểm soát Idlib là điều quan trọng hàng đầu đối với Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chặn bất kỳ làn sóng tị nạn nào hướng tới biên giới nước này.

Nga quay trở lại

Tiêu điểm - Nga vây hãm 'gắt' ở Idlib, Thổ Nhĩ Kỳ tháo trạm quan sát 'bỏ chạy'? (Hình 2).

Sự hiện diện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria là con bài mặc cả với Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phản ứng thế nào trước các mối đe dọa gia tăng chống lại việc triển khai quân sự của nước này trong khu vực vẫn là một câu hỏi lớn. Trong khi đó, nguy cơ một cuộc chiến bùng nổ ở Idlib có thể sẽ sớm diễn ra.

Aydin Sezer, chuyên gia về quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Nga, cho biết quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã sẵn sàng cho bất kỳ cuộc đụng độ quân sự nào sắp tới.

“Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã leo thang gần đây, đặc biệt là sau khi cả hai nước tham gia vào cuộc va chạm giữa Armenia và Azerbaijan, nơi Điện Kremlin chỉ trích Ankara thúc đẩy giải pháp quân sự cho cuộc xung đột Nagorno-Karabakh”, Sezer nhấn mạnh.

Theo thỏa thuận hồi tháng 3 giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, Ankara cam kết xóa sổ các khu vực khủng bố trong và xung quanh Idlib trong vòng sáu tháng.

“Việc rút quân có thể được kích hoạt bởi sức ép của Nga đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Quân cảnh Nga đang bảo vệ một số trạm quan sát được quân đội Syria bao vây nhằm ngăn chặn bất kỳ cuộc đụng độ trực tiếp nào. Những bất đồng mới nhất ở Nam Caucasus cũng đã khiến Nga đưa vấn đề Idlib lên hàng đầu trong chương trình nghị sự”, chuyên gia này nói thêm.

Tuy nhiên, ông cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ không thể duy trì sự hiện diện lâu dài ở phía Nam cao tốc M4 vì Nga mong đợi tuyến đường này sẽ sớm mở trở lại, trong khi sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gây ra căng thẳng với lực lượng Syria.

Tiến sĩ Emre Ersen, chuyên gia về quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Nga từ đại học Marmara ở Istanbul, cho biết thỏa thuận đạt được giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Idlib hồi tháng 3 là một giải pháp tạm thời để ngăn chặn cuộc đụng độ quân sự giữa các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và chính quyền Assad.

“Sự bùng phát Covid-19 đã trở thành một vấn đề cấp bách ở thời điểm đó, buộc cả hai phải tập trung vào các vấn đề trong nước. Hiện tại, có vẻ như Nga đang dần quay trở lại chương trình nghị sự trước đại dịch và đây có lẽ là lý do tại sao họ đang gây áp lực nhiều hơn để Ankara rút khỏi một số trạm quan sát quân sự ở Idlib”, Ersen cho biết.

Ông nhấn mạnh rằng, thời điểm gây áp lực là rất thú vị, đặc biệt dựa trên bối cảnh sự rạn nứt ngày càng tăng giữa Ankara và Moscow về những bất đồng ở Nagorno-Karabakh và Libya.

"Moscow có thể sẽ cố gắng sử dụng vấn đề Idlib như một phần của thỏa thuận lớn hơn với Ankara, bao gồm cả việc giải quyết các tranh cãi khác ở Caucasus và Trung Đông”.

Link nội dung: https://phano.net.vn/nga-vay-ham-gat-o-idlib-tho-nhi-ky-thao-tram-quan-sat-bo-chay-a5837.html