Cho Nga "hít khói", Mỹ là "ông trùm" vũ khí và "rắc rối" ở Trung Đông?

Mỹ chiếm 48% các hợp đồng chuyển giao vũ khí đến khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA). Con số này gần gấp ba lần số vũ khí mà Nga cung cấp.

Tiêu điểm - Cho Nga 'hít khói', Mỹ là 'ông trùm' vũ khí và 'rắc rối' ở Trung Đông?

Tổng thống Mỹ Donald Trump giới thiệu vũ khí với Thái tử Saudi Arabia Mohammad bin Salman tại Nhà Trắng năm 2018.

Mỹ là nhà buôn vũ khí hàng đầu thế giới, chiếm một nửa thị trường vũ khí ở Trung Đông. Từ Yemen, Libya đến Ai Cập, doanh số bán hàng của Mỹ và các đồng minh đã đóng vai trò không nhỏ trong việc thúc đẩy một số cuộc xung đột tàn khốc nhất thế giới, theo Asia Times.

Đối với chính quyền Tổng thống Donald Trump, đẩy mạnh quan hệ hợp tác ở Trung Đông và bán vũ khí cho cho các quốc gia đối tác tại đây mỗi khi có cơ hội là điều sẽ giúp ích cho triển vọng chính trị của nhà lãnh đạo nước Mỹ.

Quyết định bình thường hóa lịch sử giữa Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Israel mà Washington làm trung gian thời gian qua một ví dụ sẽ tạo tiền đề cho xuất khẩu vũ khí của Mỹ tăng vọt.

Kẻ thống trị

Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump tận dụng mọi cơ hội bán vũ khí cho Trung Đông để củng cố vị thế chính trị trong nước cũng như vị thế trên trường quốc tế. Các nỗ lực này bắt đầu vào tháng 5/2017, trong chuyến công du nước ngoài chính thức đầu tiên của ông tới Saudi Arabia. Trước sự chào đón của người Ả Rập, ông Trump mang đến gói vũ khí trị giá 110 tỷ USD.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo 74 tuổi không phải tổng thống Mỹ đầu tiên đẩy lượng vũ khí lên đến cả trăm tỷ đô la vào Trung Đông. Trước đó, chính quyền Barack Obama đã đưa ra thỏa thuận kỷ lục 115 tỷ USD cung cấp vũ khí cho Saudi Arabia trong 8 năm cầm quyền, với các hợp đồng đa dạng gồm chiến đấu cơ, trực thăng tấn công, xe bọc thép, tàu quân sự, hệ thống phòng thủ tên lửa, bom, súng và đạn dược.

Doanh số bán hàng khổng lồ đã củng cố vai trò của Washington với tư cách là nhà cung cấp vũ khí chính của Saudi. Hai phần ba lực lượng không quân của quốc gia Ả Rập là máy bay Boeing F-15, phần lớn xe tăng là General Dynamics M-1 và hầu hết tên lửa không đối đất đến từ các nhà sản xuất Raytheon và Lockheed Martin. Những vũ khí đó không chỉ nằm trong kho hoặc được trưng bày trong các cuộc diễu hành quân sự. Chúng đã được Saudi sử dụng trong cuộc chiến ở Yemen.

Báo cáo từ Chương trình Vũ khí và An ninh tại Trung tâm Chính sách Quốc tế đã nhấn mạnh mức độ thống trị của Mỹ trên thị trường vũ khí Trung Đông. Theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm tổng hợp, trong giai đoạn từ 2015 đến 2019, Mỹ chiếm 48% các hợp đồng chuyển giao vũ khí đến khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA). Con số này gần gấp ba lần số vũ khí mà Nga cung cấp cho MENA, gấp năm lần số lượng mà Pháp đóng góp, gấp 10 lần số lượng mà Vương quốc Anh xuất khẩu và 16 lần doanh số bán hàng của Trung Quốc.

Nói cách khác, người Mỹ là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu ở Trung Đông và Bắc Phi. Ảnh hưởng của vũ khí Mỹ tại khu vực đầy xung đột này còn được minh họa bằng một thực tế nổi bật: Washington là nhà cung cấp hàng đầu cho 13 trong số 19 quốc gia, bao gồm Maroc (91%), Israel (78%), Saudi Arabia (74%), Jordan (73%), Lebanon (73%), Kuwait (70%), UAE (68%) và Qatar (50%).

Nếu chính quyền Trump tiếp tục kế hoạch bán F-35 và máy bay không người lái có vũ trang cho UAE và thỏa thuận vũ khí trị giá 8 tỷ USD với Israel, tỷ lệ nhập khẩu vũ khí của hai quốc gia này sẽ còn cao hơn trong những năm tới.

Ẩn họa sau những thương vụ hàng trăm tỷ USD

Là nhà cung cấp vũ khí chính trong khu vực, Mỹ cũng gián tiếp bị coi là quốc gia góp phần duy trì các cuộc xung đột tàn khốc ở Trung Đông. Điều này đã phân ra thành hai luồng ý kiến gây tranh cãi.

Những ý kiến ủng hộ việc chuyển giao vũ khí đến khu vực MENA thường mô tả rằng đây sẽ là nguồn lực để giúp ổn định và củng cố các liên minh chống lại Iran, hay nói khác là trở thành công cụ để tạo ra sự cân bằng quyền lực giúp cho nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang trở nên ít hơn.

Nhưng các ý kiến phản đối nỗ lực mang vũ khí đến Trung Đông lại cho rằng điều này không khác gì đổ thêm dầu vào lửa, vì dòng chảy của các loại vũ khí tiên tiến chỉ làm trầm trọng thêm xung đột, gây ra tổn thất về người và của trên diện rộng.

Theo các báo cáo, tại Yemen, cuộc can thiệp do Saudi Arabia/UAE bắt đầu vào tháng 3/2015 đã góp phần dẫn đến thương vong của hàng nghìn do các cuộc không kích, đồng thời khiến hàng triệu người có nguy cơ đói nghèo, bệnh tật.

Tiêu điểm - Cho Nga 'hít khói', Mỹ là 'ông trùm' vũ khí và 'rắc rối' ở Trung Đông? (Hình 2).

Vũ khí Mỹ bị chỉ trích là tác nhân gián tiếp gây ra các cuộc xung đột Trung Đông.

Trong cuộc chiến này, Mỹ và Anh là những nhà cung cấp chính về máy bay chiến đấu, bom, trực thăng tấn công, tên lửa và xe bọc thép. Tổng số lượng vũ khí được giao cho Saudi đã tăng vọt kể từ khi cuộc chiến bắt đầu. Đáng kinh ngạc, tổng số vũ khí được gửi đến vương quốc này đã tăng hơn gấp đôi trong giai đoạn 2010-2014 trước đó.

Thậm chí, trong một số cuộc xung đột, những vụ chuyển giao vũ khí như vậy có thể gây ra những tác động lớn và không lường trước, ví dụ như việc vũ khí của Mỹ rơi vào tay của cả hai phe.

Chẳng hạn, khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành hoạt động quân sự ở đông bắc Syria vào tháng 10/2019, họ phải đối mặt với lực lượng dân quân người Kurd, được trang bị số vũ khí trị giá 2,5 tỷ USD từ Mỹ. Trong khi đó, toàn bộ kho máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm những chiếc F-16 và hơn một nửa số xe bọc thép của nước này cũng đều có nguồn gốc từ Mỹ.

Tại Iraq, khi khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) trỗi dậy, chúng đã thu giữ các loại vũ khí hạng nhẹ và xe bọc thép của Mỹ trị giá hàng tỷ USD từ lực lượng an ninh Iraq do Mỹ trang bị và huấn luyện.

Ai được lợi?

Chỉ có bốn công ty - Raytheon, Lockheed Martin, Boeing và General Dynamics - tham gia vào phần lớn các hợp đồng mua bán vũ khí của Mỹ với Saudi Arabia trong giai đoạn 2009-2019. Nói cách khác, về mặt tài chính, hơn 90% vũ khí Mỹ cung cấp cho Saudi liên quan đến ít nhất một trong bốn nhà sản xuất vũ khí hàng đầu này.

Đáng chú ý, các hợp đồng vũ khí khổng lồ như vậy có thể đã không được tiến hành nếu như không có sự can thiệp vào phút chót. Vào năm 2019, lưỡng viện Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu bác bỏ quyết định bán vũ khí cho Saudi Arabia vì các tổn thất ở Yemen, nhưng nỗ lực này bị cản trở bởi sự phủ quyết của tổng thống. Ví dụ, vào tháng 5/2019, chính quyền Trump tuyên bố về tình trạng "khẩn cấp" để thúc đẩy thỏa thuận trị giá 8,1 tỷ USD với Saudi Arabia, UAE và Jordan, bỏ qua hoàn toàn các thủ tục giám sát truyền thống của Quốc hội.

Theo yêu cầu của Quốc hội, bộ Ngoại giao sau đó đã mở một cuộc điều tra về quyết định nói trên. Các báo cáo lưu ý rằng chính quyền Trump đã không quan tâm đầy đủ trong việc tránh gây tổn hại cho dân thường khi cung cấp vũ khí cho Saudi.

Ngay cả một số quan chức chính quyền Trump cũng tỏ ra e ngại về các giao dịch của Saudi. Tờ New York Times cho biết, một số nhân viên bộ Ngoại giao lo ngại về việc một ngày nào đó họ phải đối mặt với cáo buộc chịu trách nhiệm về việc tiếp tay cho tội ác chiến tranh ở Yemen.

Giới quan sát tin rằng, với những bước đi ở trên, trong trường hợp Tổng thống Donald Trump tái đắc cử, doanh số vũ khí của Mỹ bán sang Trung Đông sẽ không giảm. Để lấy điểm trước cử tri, ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đã cam kết trong trường hợp lên nắm quyền, ông sẽ chấm dứt hoạt động bán vũ khí của Mỹ có tác động đến cuộc chiến của Saudi ở Yemen.

Tuy nhiên, đối với công chúng trong khu vực, nhiều người có vẻ sẽ không ngạc nhiên nếu ngay cả trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden, các hoạt động kinh doanh vũ khí sẽ vẫn diễn ra bình thường và tiếp tục là tác nhân gián tiếp gây ra sự tàn phá cho Trung Đông.

Với chính sách “nước Mỹ trên hết”, vai trò, quân đội và vị thế của Mỹ có thể rút lui ở nhiều lĩnh vực toàn cầu nhưng bán vũ khí thì không.

Link nội dung: https://phano.net.vn/cho-nga-hit-khoi-my-la-ong-trum-vu-khi-va-rac-roi-o-trung-dong-a5834.html