Đồng bằng sông Cửu Long: Thu hút vốn FDI vào ngành thế mạnh

Việt Nam đang có nhiều cơ hội đón “sóng” đầu tư nước ngoài (FDI) từ các quốc gia trên thế giới. Ðây cũng là cơ hội để các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng thu hút FDI vào những ngành có thế mạnh như: Nông nghiệp, chế biến, năng lượng sạch.

8 tháng đầu năm, các tỉnh, thành phố vùng ÐBSCL thu hút được 119 dự án FDI mới, với tổng vốn hơn 4,487 tỷ USD. Nếu tính cả vốn tăng thêm, vốn góp và mua cổ phần thì toàn vùng thu hút thêm gần 4,99 tỷ USD (trong đó 4 tỷ USD của dự án tại Bạc Liêu). Trong số 13 tỉnh, thành phố, 10 địa phương có dự án FDI mới (trừ Cà Mau, Ðồng Tháp và Sóc Trăng).

Tính đến nay, vùng ĐBSCL có 1.781 dự án FDI còn hiệu lực. Trong đó, tỉnh Long An dẫn đầu về thu hút FDI, với 1.122 dự án, vốn đăng ký hơn 8,31 tỷ USD; kế đến là Kiên Giang với hơn 4,8 tỷ USD. Bạc Liêu đứng thứ ba với hơn 4,55 tỷ USD nhờ dự án đầu tư mới vào ngành năng lượng có số vốn khủng 4 tỷ USD do Công ty Delta Offshore Energy Pte, Ltd (Singapore) làm chủ đầu tư. Đây cũng là dự án FDI lớn nhất ở ĐBSCL từ trước tới nay, mở ra cơ hội để Bạc Liêu nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung phát triển, góp phần ổn định năng lượng cho giai đoạn 2020 - 2030 và những năm tiếp theo.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, trong chiến lược thu hút FDI, phần lớn các địa phương trong vùng ĐBSCL đều đặt mục tiêu nâng cao chất lượng vốn đầu tư. Nếu như trước đây, thu hút đầu tư trọng tâm để lấp đầy các khu công nghiệp đã quy hoạch thì nay tư duy mời gọi đầu tư của ÐBSCL đã khác. Các địa phương có chiến lược thu hút đầu tư cụ thể, nâng cao chất lượng dự án, tập trung thu hút các dự án khai thác các tiềm năng, lợi thế sẵn có của từng địa phương, của vùng...

0850-dbscl-thu-hut-fdi
UBND tỉnh Bạc Liêu trao Quyết định chủ trương đầu tư cho Công ty TNHH Delta Offshore Energy Pte

Bên cạnh đó, các địa phương luôn chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính. Thời gian qua, các địa phương vùng ĐBSCL có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, một số tỉnh nằm trong nhóm có chất lượng điều hành kinh tế dẫn đầu cả nước. Trong đó, 5 tỉnh của ĐBSCL liên tục ghi nhận trong nhóm điều hành kinh tế tốt và rất tốt năm 2019 gồm: Đồng Tháp, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long và TP. Cần Thơ.

Hệ thống hạ tầng của vùng được kết nối hình thành các trục giao thông chính của các tỉnh, thành phố trong vùng với TP. Hồ Chí Minh - vùng kinh tế trọng điểm phía Nam... tạo thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm tại ĐBSCL - vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.

Ông Nguyễn Minh Toại - Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ - cho biết: Song hành với khai thác tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư, các địa phương trong vùng cũng đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, dịch vụ logistics. Đến nay, nhiều tỉnh, thành phố đã thiết lập quan hệ hợp tác với các địa phương từ các quốc gia: Campuchia, Lào, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đức... để tăng cường kết nối các cơ hội đầu tư, kinh doanh. Công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường được quan tâm, đặc biệt là kết nối tiêu thụ nông sản, đây cũng là lợi thế để thu hút các nhà đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến.

Ông Võ Tân Thành - Phó chủ tịch VCCI: 5 năm gần đây, ĐBSCL luôn đứng đầu về điểm số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong số các vùng kinh tế trên cả nước. Có 5/13 tỉnh, thành trong vùng thường xuyên nằm trong top 20 tỉnh đứng đầu xếp hạng PCI quốc gia.

Thanh Thanh

TagTag:

Tin mới hơn

Làn sóng “Việt Nam+1” của Nhật Bản đang trở lại Làn sóng “Việt Nam+1” của Nhật Bản đang trở lại Các tỉnh thành phía Nam: Hút làn sóng đầu tư từ Nhật Bản Các tỉnh thành phía Nam: Hút làn sóng đầu tư từ Nhật Bản Việt Nam đầu tư 12 tỷ USD ra nước ngoài, viễn thông top đầu có lãi Việt Nam đầu tư 12 tỷ USD ra nước ngoài, viễn thông top đầu có lãi 72% doanh nghiệp EU tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh 72% doanh nghiệp EU tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh

Tin cũ hơn

Cơ hội lơn hút vốn FDI Thu hút vốn FDI từ EU: Do đâu mà thiếu hấp dẫn? Thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Tp. Hồ Chí Minh giảm 28% Nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công: Phát huy vai trò của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam thu hút 19,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trong 8 tháng năm 2020 Việt Nam cần thay đổi gì để tăng tốc trong cuộc đua thu hút FDI Hoa Kỳ?
[Xem thêm]

Link nội dung: https://phano.net.vn/dong-bang-song-cuu-long-thu-hut-von-fdi-vao-nganh-the-manh-a5770.html