Phát triển du lịch xứng tầm ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng

Phát triển du lịch xứng tầm ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng Trang chủTin tứcVăn hóaDu lịchQuản lý nhà nướcHoạt động du lịchDoanh nghiệpChính sáchĐào...

Trong thời gian qua, du lịch Đà Nẵng đã có bước tăng trưởng ấn tượng, định vị được thương hiệu trên bản đồ du lịch thế giới như là điểm đến quốc tế an toàn, hấp dẫn và mến khách. Du lịch Đà Nẵng phát triển trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, du lịch thế giới đang trên đà tăng trưởng mạnh cùng với xu hướng khách dịch chuyển đến các điểm đến châu Á, tình hình chính trị - xã hội của đất nước và thành phố ổn định, kinh tế phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng; nhiều chủ trương và chính sách lớn về du lịch được ban hành như Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Được đưa vào hoạt động từ tháng 6-2018, cây cầu Vàng trên đỉnh Bà Nà nhanh chóng trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước bởi kiến trúc độc đáo giữa thiên nhiên hùng vĩ. Ảnh: MAI THANH CHƯƠNG
Được đưa vào hoạt động từ tháng 6-2018, cây cầu Vàng trên đỉnh Bà Nà nhanh chóng trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước bởi kiến trúc độc đáo giữa thiên nhiên hùng vĩ. Ảnh: MAI THANH CHƯƠNG

Tốc độ tăng trưởng du lịch ấn tượng

Giám đốc Sở Du lịch thành phố Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, trên cơ sở quan điểm định hướng phát triển Đà Nẵng tại Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các cấp lãnh đạo thành phố đã có quyết tâm và tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển du lịch thành phố gắn với tài nguyên, lợi thế của Đà Nẵng, đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại và đồng bộ; hỗ trợ, kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước đầu tư hình thành hệ thống cơ sở vật chất, điểm tham quan, vui chơi giải trí phục vụ du lịch nhằm đạt mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh quốc tế.

Điều này đã được khẳng định tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đặc biệt, những năm gần đây, với nhiều chủ trương và chính sách lớn về du lịch được ban hành như Nghị quyết số 08-NQ/TW và Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, du lịch Đà Nẵng đã có thêm động lực và điều kiện mới để phát triển.

Giai đoạn 2015-2020, cùng với nguồn lực đầu tư công, thành phố đã có nhiều chủ trương linh hoạt, tạo điều kiện hỗ trợ thu hút đầu tư, thực tế đã phát huy hiệu quả với sự thay đổi và phát triển mạnh mẽ của hệ thống cơ sở vật chất, phương tiện, điểm tham quan vui chơi giải trí... đưa vào khai thác phục vụ du lịch từ nguồn lực của các doanh nghiệp. Một số dự án du lịch lớn đưa vào hoạt động của các nhà đầu tư chiến lược như Tập đoàn Sun Group, DHC, BRG, AHT, Vingroup..., góp phần quan trọng thay đổi diện mạo du lịch thành phố theo hướng chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách trong nước và quốc tế. Ước tính nguồn vốn đầu tư công cho phát triển du lịch và cho cơ sở hạ tầng hỗ trợ phục vụ du lịch trong giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng hơn 1.000 tỷ đồng; nguồn vốn doanh nghiệp đầu tư cho du lịch thành phố ước tính hơn 76.000 tỷ đồng.

Trong đó: đầu tư nhà ga hành khách quốc tế - Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng 3.500 tỷ đồng; cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng ước 65.000 tỷ đồng; khu điểm du lịch ước 10.000 tỷ đồng; tàu du lịch ước 123 tỷ đồng; đội xe vận chuyển khoảng trên 3.000 tỷ đồng và  cơ sở dịch vụ khác phục vụ du lịch...

Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng bình quân về khách du lịch đến Đà Nẵng trong giai đoạn này đạt 16,73%, tăng 3,67%  so với chỉ tiêu đề ra tại Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 16-5-2016 của Thành ủy Đà Nẵng thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố. Trong đó tốc độ tăng trưởng khách quốc tế đạt 29,15%, tăng 15,51%.

Năm 2016, Đà Nẵng đón 5,5 triệu lượt khách tham quan, du lịch với 1,6 triệu lượt khách quốc tế, đến năm 2019 đã đón 8,6 triệu lượt khách tham quan, du lịch (tăng 1,56 lần so với năm 2016) với 3,5 triệu lượt khách quốc tế (tăng 2 lần so với năm 2016).

Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, các lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc, quy mô được tổ chức tại Đà Nẵng những năm qua cũng là những sản phẩm giá trị, thực sự hấp dẫn du khách như Cuộc thi Marathon quốc tế, IRONMAN 70.3, show diễn “Charming Đà Nẵng”, Hồn Việt... và đặc biệt là Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng.

Ngoài ra, nhiều sự kiện, hội nghị quốc tế với sự góp mặt của các chính khách, tỷ phú, nhà đầu tư trên thế giới như: Cuộc đua thuyền buồm quốc tế - Clipper Race 2016, Đại hội Thể thao bãi biển Châu Á ABG5-2016, Hội chợ Du lịch quốc tế Đà Nẵng 2016, Đại hội du lịch Golf Châu Á 2017, Tuần lễ Cấp cao APEC 2017… được tổ chức thành công cùng với các giải thưởng, danh hiệu điểm đến hấp dẫn do Tổ chức Du lịch Thế giới, các tạp chí du lịch và chuyên trang du lịch hàng đầu thế giới bình chọn trong những năm gần đây đã giúp Đà Nẵng vượt qua nhiều tên tuổi lớn để vươn lên dẫn đầu trong top 10 danh sách các điểm đến toàn cầu năm 2020, tiếp tục định vị hình ảnh và khẳng định thương hiệu du lịch Đà Nẵng trên toàn cầu.

Đổi mới, sáng tạo xúc tiến, quảng bá du lịch

5 năm qua, trong hành trình phát triển du lịch, ngoài những yếu tố như đầu tư sản phẩm phù hợp, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, việc ứng dụng công nghệ trong truyền thông du lịch đã được thành phố chú trọng đầu tư để bắt kịp với xu hướng công nghệ 4.0 của thế giới.

Khẩu hiệu “Đà Nẵng FantastiCity” (Đà Nẵng thành phố tuyệt vời) ra đời cùng với bộ nhận diện chung cho du lịch Đà Nẵng gồm ấn phẩm, quà tặng, sự kiện, băng rôn, các hoạt động xúc tiến và gần đây nhất là mascot Danang FantastiCity cũng đã góp phần không nhỏ quảng bá và thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của ngành du lịch.

Vào tháng 12-2016, Đà Nẵng là nơi đầu tiên ở Việt Nam cho ra mắt ứng dụng du lịch chính thống hỗ trợ du khách, tiếp đó vào tháng 11-2017, Đà Nẵng trở thành một trong những nơi đầu tiên tại Đông Nam Á triển khai chatbot giúp tương tác với du khách nhiều hơn.

Bên cạnh Cổng thông tin du lịch Đà Nẵng (danangfantasticity.com) đã được triển khai với  5 ngôn ngữ; Đà Nẵng cũng phát triển các trang mạng xã hội Facebook, Instagram, Youtube, Twitter, Tiktok, website danangticket.com… và điểm nhấn gần đây nhất là video giới thiệu về du lịch Đà Nẵng trên kênh truyền hình BBC ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, một trong những kênh truyền hình lớn nhất thế giới.

Ngoài ra, du lịch Đà Nẵng đã mạnh dạn thí điểm lập đại diện du lịch Đà Nẵng tại Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản cùng với việc thành lập Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch... đã giúp du lịch thành phố tiếp cận và bắt kịp nhanh nhất xu hướng du lịch thế giới, từ đó  mở ra những cơ hội lớn để đẩy mạnh thu hút khai thác các thị trường khách du lịch trong và ngoài nước đồng thời góp phần quan trọng trong mở rộng, tăng tần suất chuyến bay và mở thêm các đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng.

Trên cơ sở nhận định lại những kết quả của giai đoạn 2016-2020, dự báo xu hướng phát triển du lịch của thế giới và bối cảnh dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu chưa có dấu hiệu chấm dứt, ngành Du lịch đang thực hiện cơ cấu lại và định hướng phát triển du lịch cho giai đoạn 2021-2025 đảm bảo đạt mục tiêu đã được xác định là một trong năm lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của thành phố tại Nghị quyết 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị. Theo đó, Đà Nẵng định hướng phát triển du lịch bền vững theo chiều sâu, chuyên nghiệp và hiệu quả.

Phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm và mang đặc trưng bản sắc riêng. Đa dạng hóa các sản phẩm/dịch vụ du lịch, chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch - dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng.

Ưu tiên khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm theo đặc thù riêng và tình hình thực tế của Đà Nẵng trên 4 lĩnh vực hoạt động/du lịch (văn hóa - vui chơi giải trí, ăn uống, mua sắm, tham quan - du lịch) nhằm tận dụng tối đa cơ hội mới cho phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân; đồng thời hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và sinh hoạt bình thường của người dân. Hạn chế phụ thuộc vào một số thị trường và có kịch bản xử lý rủi ro, kịp thời ứng phó biến động thị trường,  kinh tế - xã hội, dịch bệnh, biến đổi khí hậu.

Tính đến tháng 1-2020, có tổng cộng 37 đường bay quốc tế đến Đà Nẵng với tần suất 536 chuyến/tuần (tăng 17 đường bay so với năm 2016) và 9 đường bay nội địa với tần suất 697 chuyến/tuần và đặc biệt việc khai trương đường bay Doha - Đà Nẵng đã góp phần đưa Đà Nẵng đến gần hơn với các thị trường xa như châu Âu, châu Mỹ, Trung Đông.

Theo baodanang.vn

Link nội dung: https://phano.net.vn/phat-trien-du-lich-xung-tam-nganh-kinh-te-mui-nhon-cua-da-nang-a5670.html