Như vậy, lũy kế từ năm 2019 đến hết năm 2021, thành phố Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và công nhận được 1.649 sản phẩm OCOP, gồm 4 sản phẩm 5 sao; 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao. Hiện nay, Hà Nội đang là đơn vị dẫn đầu cả nước về số sản phẩm OCOP và số sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
Năm 2022, Thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 và Kế hoạch số 227/KH-UBND ngày 11/10/2021 của UBND Thành phố về đẩy mạnh thực hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Ngày 22/4/2022, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1356/QĐ-UBND về Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm thành phố đến năm 2025, với mục tiêu phấn đấu có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó: phấn đấu 3% sản phẩm tiềm năng 5 sao; 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao có sản phẩm OCOP...
Phát biểu tại Hội nghị ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT - Chánh Văn phòng điều phối NTM Thành phố - Phó Chủ tịch Hội đồng OCOP cho biết: Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) thành phố Hà Nội năm 2022, theo đó số lượng sản phẩm đánh giá năm 2022 khoảng 400 sản phẩm. Tuy nhiên, theo số liệu đăng ký đến nay là 488 sản phẩm của 26 quận, huyện, thị xã, trong đó: ngành thực phẩm 301 sản phẩm, ngành đồ uống 20 sản phẩm, ngành thảo dược 20 sản phẩm, ngành thủ công mỹ nghệ 129 sản phẩm, ngành vải và may mặc 14 sản phẩm, ngành dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng 04 sản phẩm.
Năm 2022 Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, đầu tư, thương mại, du lịch: Tham gia chương trình Hội chợ “Diễn đàn sản phẩm OCOP Đồng Tháp và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022. Tham gia chương trình “Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam tại tỉnh Sơn La”…
Qua quá trình kiểm tra, giám sát đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra được 41/50 chủ thể với 334 sản phẩm OCOP của 18 huyện, thị xã. Qua kiểm tra 41 chủ thể sản phẩm OCOP cho thấy các chủ thể cơ bản đều thực hiện tốt các quy định về sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP; sử dụng nhãn hàng hóa, duy trì chất lượng sản phẩm đảm bảo theo đúng sản phẩm OCOP đã được UBND Thành phố chứng nhận.
Qua đó, ông Chu Phú Mỹ đề nghị: (i) Các chủ thể có sản phẩm OCOP được UBND Thành phố Hà Nội công nhận tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị để đưa sản phẩm OCOP phát triển; (ii) Các đơn vị phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online tăng cường kết nối giao thương, tiêu thụ các sản phẩm OCOP để người tiêu dùng Thủ đô, trong nước và quốc tế nhận diện thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP; (iii) Các đơn vị truyền thông của Trung ương và Thành phố tăng cường công tác tuyên truyền về sự kiện để tạo cơ hội kết nối giao thương các sản phẩm OCOP Hà Nội đến đông đảo người tiêu dùng.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội cho biết thêm, UBND thành phố Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, phấn đấu có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó: phấn đấu 3% sản phẩm tiềm năng 5 sao; 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao có sản phẩm OCOP; có ít nhất 70% chủ thể OCOP là tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp; Có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng hoặc tham gia liên kết chuỗi giá trị ổn định, hiệu quả; 100% các sản phẩm OCOP được tham gia các sự kiện trưng bày, giới thiệu, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP.
Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng NTM Hà Nội cũng nhấn mạnh: Ngay từ những ngày đầu triển khai thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thành phố đã chủ trương “không chạy theo số lượng”. Do đó, việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP để trình UBND Thành phố phê duyệt, công nhận thời gian tới vẫn sẽ được thực hiện gắt gao.
Cùng với phát triển về số lượng sản phẩm OCOP, năm 2022, Văn phòng Điều phối xây dựng NTM Hà Nội sẽ tiếp tục tham mưu UBND Thành phố thành lập đoàn kiểm tra đối với các chủ thể có sản phẩm đã được công nhận từ 3 sao trở lên; đồng thời, xây dựng kế hoạch để đánh giá, phân hạng lại sản phẩm OCOP sau 36 tháng theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới TP. Hà Nội, Từ năm 2019-2021, TP. Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và công nhận được 1.649 sản phẩm OCOP, gồm 4 sản phẩm 5 sao; 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao (đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét đánh giá, phân hạng); 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao. Hiện nay, Hà Nội đang là đơn vị dẫn đầu cả nước về số sản phẩm OCOP và số sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
Trong khuôn khổ Lễ công bố, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới thành phố Hà Nội cũng tổ chức trưng bày, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP thành phố trong thời gian từ ngày 22-24/7/2022 được trưng bày trong khuôn viên Trung tâm thương mại khu đô thị Royal City.
---
BÀI VIẾT CÓ SỰ HỖ TRỢ CỦA VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI NÔNG THÔN MỚI HÀ NỘI
Xuân Trường