Sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc tại thị xã Sơn Tây được tổ chức từ ngày 31/8/2022 đến ngày 4/9/2022, với trên 100 gian hàng của các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của trên 80 đơn vị thuộc thành phố Hà Nội và 15 tỉnh Miền núi phía Bắc và trên 15 tỉnh, thành trong cả nước.
Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học lớn của cả nước. Trong 8 tháng đầu năm 2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 12,38 triệu lượt, tăng gấp 4,2 lần so với cùng kỳ năm trước khi khách du lịch quốc tế ước đạt 582 nghìn lượt, khách nội địa ước đạt 11,8 triệu lượt, tăng 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 35,9 nghìn tỉ đồng, tăng 4,4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Đây là điều kiện rất thuận lợi để giới thiệu các sản phẩm OCOP và đặc sản các vùng miền trong cả nước đến với du khách trong nước và quốc tế, đồng thời là cơ hội hợp tác kết nối giao thương giữa các vùng miền cũng như tìm kiếm thị trường quốc tế đối với sản phẩm của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được chính thức triển khai trên phạm vi toàn quốc từ năm 2018 với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế; là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Các sản phẩm OCOP đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận rất tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đó là nhờ sự cố gắng và nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương; sự năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, dám nghĩ, dám làm, tư duy nhạy bén của các doanh nghiệp và người dân.
Tuy nhiên, Phó Chánh văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội cũng cho biết, việc thực hiện Chương trình OCOP vẫn còn những khó khăn, thách thức. Nhiều loại giống cây trồng, vật tư đầu vào còn phụ thuộc vào nhập khẩu; vùng nguyên liệu chưa tập trung; quy mô sản xuất còn nhỏ và manh mún; công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch chưa phát triển; thị trường tiêu thụ thiếu ổn định và chưa đa dạng; yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao với các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe; phát thải khí metal gây ô nhiễm môi trường...
"Để sản phẩm OCOP phát triển bền vững, chúng ta cần tập trung giải quyết 5 vấn đề căn bản là: xây dựng thương hiệu; quy hoạch và phát triển nguồn nguyên liệu; phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch; hỗ trợ về vốn, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư thông qua xã hội hóa, hợp tác, phát triển và mở rộng thị trường, đẩy mạnh tham gia sâu vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế...", ông Nguyễn Văn Chí chia sẻ.
Chính vì vậy, theo Phó Chánh văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội, thì sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc do Hà Nội tổ chức giúp cho các chủ thể, các doanh nghiệp và cả các cơ quan quản lý tìm kiếm được giải pháp tháo gỡ những khó khăn, bất cập, cùng như tiếp cận các cơ hội phát triển. Với các chủ thể OCOP của các tỉnh miền núi phía Bắc nói riêng và các tỉnh, thành bạn trên cả nước giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng nhằm không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Đây là cơ hội để tăng cường gặp gỡ, giao lưu, trao đổi giữa các chủ thể OCOP và các tổ chức, cá nhân nhằm ứng dụng tiến bộ khoa học, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển chuỗi giá trị bền vững; tiếp cận thị trường, nhất là việc đưa sản phẩm vào các hệ thống phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ sự kiện sẽ diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa Văn phòng điều phối thôn mới Hà Nội với TikTok
Một trong những nội dung và nhiệm vụ quan trọng nhất của chương trình OCOP là tăng cường chuyển đổi số như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông; Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream), đặc biệt cho các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản vùng miền, địa phương; Triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân” nhằm tối ưu hóa ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, thương mại sản phẩm OCOP. Tại sự kiện này, Thành phố giao Văn phòng điều phối thôn mới Hà Nội ký kết, hợp tác với TikTok hiện đang là là nền tảng giải trí hàng đầu hàng đầu thế giới và Việt Nam sẽ giúp nâng cao năng lực số cho các chủ thể OCOP của các vùng miền trên cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng.
Đặc biệt, sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc tại thị xã Sơn Tây được truyền hình trực tiếp trên nền tảng TikTok và các trang mạng xã hội sẽ góp phần quảng bá, tôn vinh và lan tỏa những giá trị văn hóa, lịch sử kết tinh trong từng sản phẩm của các tỉnh miền núi phía Bắc và một số tỉnh, thành trong cả nước hòa quyện vào văn hóa xứ đoài, phía Tây của Hà Nội để người tiêu dùng Thủ đô thưởng ngoạn và kết nối góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn, nhằm thúc đẩy Chương trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân theo hướng đi vào chiều sâu và thực chất đã được Chính phủ và thành phố Hà Nội đề ra.
Thủ đô Hà Nội là đất trăm nghề, với 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm số lượng làng nghề lớn nhất toàn quốc, hội tụ 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước. Trong số đó có 318 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND Thành phố công nhận. Mỗi làng nghề Hà Nội đều mang một bản sắc riêng với sự kết tinh sáng tạo của những bàn tay người thợ và tình yêu nghề, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Có trên 11.000 sản phẩm nông sản thực phẩm đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR Code. Đó chính là lợi thế lớn đối với thành phố Hà Nội trong việc đánh giá, phân hạng sản phẩm cũng như giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP. Thành phố hiện có 1.649 sản phẩm OCOP, chiếm 19% của cả nước (8.340 Sản phẩm). Trong đó có sản phẩm 5 sao; 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét đánh giá, phân hạng; 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao. |
---
BÀI VIẾT CÓ SỰ HỖ TRỢ CỦA VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI NÔNG THÔN MỚI HÀ NỘI
Vân Thanh