Hà Nội: Xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP trên nền tảng Tiktok: Hướng đi mới đầy táo bạo giúp hàng trăm chủ thể có cớ hội chuyển đổi số

Thiết thực chào mừng Kỷ niệm 68 năm giải phóng thủ đô và Ngày chuyển đổi số quốc gia 10/10, Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội hợp tác với Tiktok Việt Nam tổ chức livestream xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền trên Tiktok.

Toàn cảnh buổi Livestream xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền trên Tiktok

Tối 11/10, thực hiện Chương trình chuyển đổi số của Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội, livestream xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền trên Tiktok nằm trong chuỗi sự kiện quảng bá kết nối sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh đồng bằng sông Hồng được tổ chức tại khu Hội chợ triển lãm Nông nghiệp, Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) số 489 Hoàng Quốc Việt, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. 

Livestream xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền trên Tiktok nhằm hỗ trợ các chủ thể OCOP và các đơn vị sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, đặc sản vùng miền xúc tiến thương mại sản phẩm với các hệ thống phân phối và người tiêu dùng Thủ đô và các tỉnh, Thành phố; nâng cao năng lực số cho các chủ thể OCOP thực hiện các hoạt động bán hàng trực tuyến ngày càng thuận tiện hơn.

Các đại biểu tham dự sự kiện

Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NN&PTNN thành phố Hà Nội cho biết: Một trong những nội dung và nhiệm vụ quan trọng nhất của chương trình OCOP là tăng cường chuyển đổi số như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong truyền thông; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream); triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân” nhằm tối ưu hóa ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, thương mại sản phẩm OCOP.

Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT

Theo ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNN thành phố Hà Nội: Các sản phẩm OCOP đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận rất tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. 

Ông Lâm Thanh, đại diện Tiktok tại Việt Nam chia sẻ: Tiktok biết đến chương trình OCOP là một cơ duyên. Tiktok cũng vừa kết thúc quá trình đào tạo chuyển đổi số cho hơn 1000 chủ thể, qua đó, hiện đã có 100 chủ thể mở được gian hàng sản phẩm trực tuyến. Sự kiện lần này được livestream trên nền tảng TikTok với sự tham gia của đông đảo các chủ thể OCOP đến từ nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Ông Lâm Thanh, đại diện Tiktok tại Việt Nam

Ông Nguyễn Việt Cường, Giám đốc Công ty Cổ phần Cam ta (một trong 10 chủ thể OCOP trực tiếp tham gia buổi livestream) chia sẻ: Tôi cảm thấy ngành nông nghiệp cũng như các chủ thể OCOP, doanh nghiệp đang được Nhà nước và các ban ngành đoàn thể, lãnh đạo vô cùng quan tâm, hỗ trợ thúc đẩy từ những cơ sở nhỏ nhất. Doanh nghiệp của tôi cũng nhận được sự hỗ trợ rất nhiều của nhà nước về công tác xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, hỗ trợ tem, bao bì, nhãn mác.

Chủ thể Nguyễn Việt Cường, giám đốc Công ty Cổ phần Cam ta đang trực tiếp tham gia Livestream sản phẩm cùng Hot Tiktoker Long Chun.

Livestream xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền trên Tiktok đã góp phần quảng bá, tôn vinh và lan tỏa những giá trị văn hóa, lịch sử kết tinh trong từng sản phẩm của Chương trình OCOP Hà Nội cùng một số tỉnh, thành trong cả nước; để người tiêu dùng toàn quốc thưởng thức và đánh giá chất lượng; góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình chuyển đổi số và Chương trình xây dựng Nông thôn mới. 

Trao đổi về ý nghĩa của sự kiện này, ông Nguyễn Văn Chí, P. Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới Hà Nội cho rằng, Hà Nội là thị trường lớn về tiêu thụ sản phẩm OCOP, trái cây, nông sản, với dân số 10,7 triệu người đang sinh sống, học tập, làm việc. Người tiêu dùng Thủ đô ưa chuộng sản phẩm đặc sản, rõ nguồn gốc xuất xứ, có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, chất lượng tốt, sẵn sàng chấp nhận mức giá cao hơn so với sản phẩm cùng loại ngoài thị trường. Qua các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương... thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP của Thủ đô ngày càng được mở rộng và đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước và quốc tế...

"Bên cạnh đó, Hà Nội hiện có trên 11.000 sản phẩm nông sản thực phẩm đã được gắn mã QR Code. Đây chính là lợi thế lớn của Thành phố trong việc đánh giá, phân hạng cũng như giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP. Các sản phẩm OCOP của Hà Nội đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận rất tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Theo thông tin từ Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội, một trong những nội dung và nhiệm vụ quan trọng nhất của Chương trình OCOP là tăng cường chuyển đổi số. Trong đó, bao gồm các hoạt động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong truyền thông; Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream) nhằm tối ưu hóa ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, thương mại sản phẩm OCOP....", ông Nguyễn Văn Chí phân tích. 

P. Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới Hà Nội cũng cho rằng, chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đang được ưu tiên trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, việc phối hợp của các đơn vị có năng lực để cung cấp các giải pháp, công cụ bán hàng trực tuyến, cũng như việc đào tạo các chủ thể làm quen với công tác này, chính là một bước thi phù hợp thiết thực với nhiệm vụ chuyển đổi số của các chủ thể doanh nghiệp.

---

BÀI VIẾT CÓ SỰ HỖ TRỢ CỦA VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI NÔNG THÔN MỚI HÀ NỘI

Văn Mạnh

Link nội dung: https://phano.net.vn/ha-noi-xuc-tien-thuong-mai-san-pham-ocop-tren-nen-tang-tiktok-huong-di-moi-day-tao-bao-giup-hang-tram-chu-the-co-co-hoi-chuyen-doi-so-a12809.html