Phát triển Hoa cây cảnh gắn với những giá trị làng nghề trên địa bàn Thủ đô

Hội thảo “Phát triển hoa, cây cảnh - ngành kinh tế sinh thái trong xây dựng Nông thôn mới và đô thị văn minh diễn ra vào sáng ngày 23/4/2021 do Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam tổ chức. 

Báo cáo tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội cho biết, Hà Nội có trên 6.000ha chuyên canh hoa cây cảnh, 10 làng nghề truyền thống chuyên sản xuất hoa cây cảnh. Hà Nội cùng nhiều địa phương đã xác định một số sản phẩm hoa cây cảnh là sản phẩm chủ lực được khuyến khích hỗ trợ đầu tư phát triển. Đồng thời, Hà Nội cũng là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc thẩm định và công nhận 8 sản phẩm hoa lan là sản phẩm OCOP.

Cùng với đó, Hà Nội cũng đang xây dựng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu với điểm nhấn là Làng du lịch Sinh Vật Cảnh xã Hồng Vân, Thường Tín, Hà Nội; Xây dựng Tuyến phố văn minh thương mại Sinh Vật Cảnh Vạn Phúc, Hà Đông; Khuyến khích nhiều phong trào Sinh Vật Cảnh trong xây dựng Nông thôn mới như: Đường hoa nông thôn, con đường bích họa; phong trào thêm hoa bớt rác…

Trong những năm qua, hoạt động sản xuất và kinh doanh Hoa cây cảnh có những đóng góp tích cực trong kim ngạch xuất khẩu trên 4 tỷ USD của nhóm ngành rau hoa quả góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo thêm công ăn việc làm, cải thiện môi trường sống trong lành tạo điểm nhấn trong xây dựng Nông thôn mới và Đô thị văn minh…

Phát triển hoa cây cảnh: Điểm nhấn trong xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh
Các đại biểu tham dự hội thảo “Phát triển hoa, cây cảnh - ngành kinh tế sinh thái trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”

Việt Nam là một trong 16 quốc gia đa dạng sinh học và có truyền thống phát triển hoa cây cảnh lâu đời bậc nhất trên Thế giới. Đến nay cả nước có khoảng 35 nghìn ha tập trung chuyên canh hoa và cây cảnh, phân bổ đều ở các miền.

Trong vòng 10 năm, diện tích hoa đã tăng hơn 2,3 lần, giá trị sản lượng tăng 7,2 lần, đạt 6.500 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu trên 60 triệu USD. Mức tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị ha gấp ba lần, hình thành nhiều mô hình sản xuất hoa, cây cảnh đạt từ 800 triệu đồng đến 2,5 tỷ đồng/ha/năm ở Lào Cai, Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Bình Định, Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đồng Tháp…

Phát triển hoa cây cảnh: Điểm nhấn trong xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh
Đồng chí Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, với các tiến bộ mới về giống, quy trình chăm bón, hệ thống dinh dưỡng khoáng, tự động, ánh sáng và nhiệt độ được điều chỉnh, năng suất hoa, cây cảnh trên địa bàn thành phố liên tục được gia tăng. Giá trị sản xuất bình quân đạt 0,5 - 1,5 tỷ đồng/ha/năm; Nhiều mô hình đạt đến 2,2 tỷ đồng/ha/năm.

Xác định hoa, cây cảnh là sản phẩm chủ lực, Hà Nội đã hỗ trợ chủ thể đẩy mạnh hoàn thiện chất lượng hoa, cây cảnh. Hiện, Hà Nội cũng là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc thẩm định và công nhận các sản phẩm hoa là sản phẩm OCOP. Qua đó, tạo tiền đề thuận lợi cho việc thúc đẩy kết nối, giao thương các sản phẩm hoa, cây cảnh nói chung.

Dù đã đạt được những kết quả bước đầu, tuy nhiên việc phát triển hoa, cây cảnh tại Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung vẫn còn những khó khăn, bất cập. Ngành hoa, cây cảnh được đánh giá là chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của Thủ đô.

Lý giải về điều này, GS.TS Nguyễn Quang Thạch, Viện Sinh học nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, đó là bởi chúng ta chưa phát triển ổn định và bền vững ngành hàng hoa, cây cảnh theo chuỗi giá trị. Sản xuất chưa gắn với yêu cầu thị trường. Việc tiếp cận chính sách, nhất là vốn vay để đầu tư phát triển lĩnh vực này còn phức tạp.

ks1

Toàn cảnh Hội thảo “Phát triển hoa, cây cảnh - ngành kinh tế sinh thái trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”

Để thúc đẩy phát triển lĩnh vực hoa, cây cảnh, GS.TSKH Trần Duy Quý, Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng, Chính phủ, các Bộ ngành cần sớm hoàn thiện chính sách hỗ trợ sản xuất; Trong đó, tập trung vào các khía cạnh tích tụ đất đai, đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và hỗ trợ vùng sản xuất chuyên canh…

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cũng nhấn mạnh vai trò của các hội, hiệp hội ngành hàng hoa, cây cảnh. Theo đó, các tổ chức hội nghè nghiệp cần phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thẩm định giá sản phẩm, gắn mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc; Đồng thời, thiết lập bản đồ số về hoa, cây cảnh để minh bạch thông tin và phục vụ công tác quản lý, giám sát…

Đồng chí Nguyễn Văn Chí cũng đề nghị trong thời gian tới, các quận, huyện, thị xã làm tốt công tác quy hoạch để hoa, cây cảnh trở thành ngành hàng mũi nhọn trong phát triển kinh tế, cải thiện môi trường. Đồng thời, đồng chí mong muốn các hội, chi hội và nghệ nhân tham vấn cho đơn vị quản lý Nhà nước của địa phương trong chiến lược phát triển ngành hàng hoa, cây cảnh.

Tại Hội thảo cũng diễn ra các hoạt động: Ra mắt ban vận động thành lập Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh Hoa lan Việt Nam; Ký cam kết đồng hành cùng Chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh của Chính phủ gắn với việc học tập và làm theo tinh thần Tết Trồng cây do Bác Hồ phát động.
----
CHUYÊN TRANG VỚI SỰ HỖ TRỢ CỦA CHI CỤC PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Văn Thành

Link nội dung: https://phano.net.vn/phat-trien-hoa-cay-canh-gan-voi-nhung-gia-tri-lang-nghe-tren-dia-ban-thu-do-a12680.html