Chuỗi liên kết ở Chương Mỹ - Hà Nội: Những kết quả nổi bật và khó khăn cần tháo gỡ

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội, ông Nguyễn Văn Chí, TP đã xây dựng và duy trì được 141 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản.

Các chuỗi này với hàng ngàn sản phẩm được kiểm soát chặt từ sản xuất, sơ chế, đóng gói đến bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ, mỗi ngày cung cấp cho thị trường Hà Nội 100 tấn rau, 60 tấn thịt lợn, 2 tấn thịt bò, 36 tấn gia cầm, 300.000 quả trứng, 40 tấn thịt đã chế biến, 80 tấn sữa…Thế nhưng, năng lực cung cấp nông sản nói chung của Hà Nội hiện chỉ đáp ứng được 60-70% nhu cầu của 10 triệu dân sở tại cùng khách đến làm việc, du lịch.

Vì vậy cùng với việc xây dựng các chuỗi liên kết trên địa bàn, thành phố đã chủ động ký biên bản liên kết với 21 tỉnh, thành, xây dựng và phát triển 786 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, trong đó có 253 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp & PTNT. Việc xây dựng và phát triển chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm đã giúp cho thành phố kiểm soát được chất lượng ở tất cả các công đoạn, nâng cao ý thức của người sản xuất an toàn, trách nhiệm hơn và còn gián tiếp giúp đẩy lùi được vấn nạn “thực phẩm bẩn”, bán tràn lan ở nhiều vỉa hè, lòng đường hay chợ dân sinh.

anh-3-1600249014360163289297-1640148916.jpg
Chuỗi liên kết ở Chương Mỹ - Hà Nội: Những kết quả nổi bật và khó khăn cần tháo gỡ

Nhận xét về hiệu quả của chuỗi liên kết nông sản, chị Trần Thị Thu Hằng-Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ cho hay đến nay trên địa bàn đã xây dựng được 5 chuỗi. So với trước khi có chuỗi, thì bước đầu chúng đã mang lại hiệu quả cho người sản xuất khi lợi nhuận có thể tăng 15-20% và nguồn thu mua được ổn định hơn. Cụ thể như HTX Rau quả sạch Chúc nhờ sản xuất theo chuỗi liên kết mà sản phẩm đã vào được 12 trường học, 15 cửa hàng thực phẩm cũng như cung cấp cho một số bệnh viện, siêu thị và bếp ăn tập thể trên địa bàn...

Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói bên cạnh những ưu điểm trên thì việc triển khai các chuỗi liên kết sản xuất của Chương Mỹ vẫn còn một số nhược điểm như: Chủ yếu mới chỉ cung cấp cho thị trường sản phẩm dạng thô, chưa qua sơ chế nên chưa nâng cao được giá trị cũng như chưa chủ động bảo quản được để phòng lúc hàng hóa thừa hay là thiếu; Truy xuất nguồn gốc hàng hóa bằng mã số QR code vẫn còn một số cơ sở sản xuất chưa ứng dụng được nên chưa cung cấp được thông tin kịp thời cho khách hàng khi cần kiểm tra sự minh bạch của sản phẩm; Việc xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm từ trực tiếp như dự các triển lãm, hội chợ, đánh giá OCOP đến gián tiếp như tham gia mạng xã hội để chào hàng hay tiếp cận thị trường bằng trang web còn yếu; Mối liên kết giữa các hộ sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ vẫn còn lỏng lẻo, chưa thực sự tin tưởng nhau, chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm; Một số cơ chế hỗ trợ chưa tiếp cận được với các chuỗi vì trình tự thủ tục phức tạp…

3902-rat-1640148354.jpg
Chuỗi liên kết góp phần nâng cao giá trị sản phẩm

Như ông Hoàng Văn Thám- Giám đốc HTX Rau, quả sạch Chúc Sơn tâm tư rằng dù rất mong đợi nhưng HTX vẫn chưa được hỗ trợ theo Nghị định 98 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Cụ thể, Nghị định này quy định “hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết” gồm các hạng mục như nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất nhưng lại không hỗ trợ nhà màng, nhà lưới và xe chuyên dụng phục vụ cho sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến...

Trong khi đó, đây chính là những hạng mục mà chuỗi  liên kết đang rất cần, rất thiết thực bởi hiện nay do biến đổi khí hậu, mưa nắng thất thường, sâu bệnh nhiều nên nếu làm ngoài trời hoàn toàn, phó mặc cho ông trời thì kết quả rất bấp bênh, phụ thuộc. Ông Thám hi vọng thời gian tới sẽ có thông tư hướng dẫn triển khai Nghị định 98 và có thể sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong đó cho phù hợp với yêu cầu của thực tế.

rau-1-1640148194.jpg
Tăng cường liên kết "4 nhà" trong sản xuất nông sản

Định hướng trong thời gian tới, Chương Mỹ vẫn tiếp tục thúc đẩy chuỗi giá trị để tăng cường chất lượng và sản lượng cho nông nghiệp giai đoạn năm 2021-2025.  Cụ thể, huyện sẽ tập trung mở rộng các cơ sở sơ chế, chế biến, đóng gói rau quả trong vùng chuyên canh; hỗ trợ xây dựng mô hình điểm về chế biến rau, quả cũng như xây dựng thương hiệu trong chuỗi liên kết, bảo hộ nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm lợi thế từ gạo hữu cơ, rau, bưởi, gà thả vườn…

Đến nay, huyện Chương Mỹ đã xây dựng được 12 chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, với giá trị thu nhập đạt 300-600 triệu đồng/ha/năm. Tiêu biểu là các chuỗi như: Rau an toàn của Hợp tác xã Rau, quả sạch Chúc Sơn; bưởi hữu cơ (5ha) tại xã Nam Phương Tiến; lúa hữu cơ của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (40ha), tiêu thụ khoảng 100 tấn gạo/năm... Ngoài ra, một số hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện liên kết với Công ty Giống cây trồng trung ương sản xuất các giống lúa chất lượng cao (300ha/năm)...

Hiện, các chuỗi liên kết hình thành đã thuận lợi cho nông dân ở khâu tiêu thụ. Trung bình mỗi năm, vùng rau của Chương Mỹ cung ứng cho thị trường Hà Nội hơn 19.000 tấn các loại; sản phẩm bưởi Diễn có mặt ở hầu hết các siêu thị, cửa hàng tiện ích; 60% sản phẩm gạo hữu cơ ký hợp đồng bán trực tiếp cho doanh nghiệp...


----
CHUYÊN TRANG VỚI SỰ HỖ TRỢ CỦA CHI CỤC PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Vân Thanh

Link nội dung: https://phano.net.vn/chuoi-lien-ket-o-chuong-my-ha-noi-nhung-ket-qua-noi-bat-va-kho-khan-can-thao-go-a12671.html