Sáng ngày 23/4 vừa qua, tại Hà Nội, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp cùng một số cơ quan tổ chức Hội thảo "Phát triển Hoa Cây cảnh - Ngành kinh tế sinh thái trong xây dựng Nông thôn mới và Đô thị văn minh".
Theo thống kê, Việt Nam là một trong 16 quốc gia đa dạng sinh học và có truyền thống phát triển hoa cây cảnh lâu đời bậc nhất trên Thế giới. Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng phát triển Hoa cây cảnh thành ngành kinh tế sinh thái gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Mới đây nhất, ngày 12/4/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2018/NĐ – CP, trong đó chính thức xác định hoạt động sản xuất và kinh doanh Sinh Vật Cảnh trở thành một trong 7 ngành nghề phát triển nông thôn.
Theo PGS.TS Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả thì cả nước hiện có khoảng 45.000 ha hoa, cây cảnh, tổng giá trị ước tính 23.400 tỷ/năm (tương đương hơn 1 tỷ USD), xuất khẩu xấp xỉ 80 triệu USD/năm. Như vậy so với năm 2.000, diện tích hoa, cây cảnh năm 2020 đã tăng 6,6 lần, giá trị tăng 27,5 lần. Tốc độ tăng trưởng này là rất cao so với các ngành nông nghiệp khác.
Có một chi tiết đáng chú ý, tuy nội dung của hội thảo là về hoa cây cảnh, nhưng phần lớn 200 người đến dự đều là các chủ vườn lan đột biến nổi tiếng cả nước như vườn Lê Sơn, Hiển Oanh (Hòa Bình), Chính Trương, An Phú (Phú Thọ), Hai Beo (TP Hồ Chí Minh)…
Đó là lý do tại hội thảo, bên cạnh các giải pháp nhằm đưa nghành trồng hoa, cây cảnh đi vào khuôn khổ cũng như phát huy được hết tiềm năng vốn có để trở thành một nghành kinh tế mũi nhọn, thì một trong những vấn đề nóng được các chuyên gia cũng như đại biểu tham gia thảo luận sôi nổi nhất chính là thực trạng bùng nổ lan đột biến thời gian vừa qua cũng như hệ lụy của nó.
Các chuyên gia đều có chung nhận định rằng giá cây lan đột biến cao, thậm chí rất cao sở dĩ nó đẹp, hiếm, không kịp đáp ứng như cầu về giống. Hiện tượng này cũng giống như việc có những bức tranh, đồ cổ, cá cảnh... được mua với giá kỷ lục do nguồn cung không đủ cầu.
Theo GS.TS Trần Duy Quý nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp thì lan đột biến hoàn toàn có thể giải thích dưới góc độ khoa học, và thú chơi lan đột biến không phải bây giờ mới xuất hiện, mà thực chất đã có từ 49 năm trước.
“Chỉ trong 2 năm mà từ 1 chủng virus Covid 19 ở Vũ Hán đã đột biến ra khoảng 500 chủng khác nhau nên đột biến là quá trình tự nhiên, liên tục. Lan đột biến đầu tiên được người Việt phát hiện và chơi là 5 cánh trắng Phú Thọ vào năm 1972 và trở thành phong trào khoảng 10 năm nay chứ không phải mới", GS.TS Quý chia sẻ.
Bản thân GS.TS Trần Duy Quý cũng là một người rất yêu lan, hiểu được giá trị của lan, và thậm chí ông còn sở hữu một vườn lan cực kì phong phú ngay trên tầng thượng nhà mình.
"Nhiều người hỏi tôi rằng cứ đổ xô vào lan đột biến thì bán cho ai nhưng ta cứ sản xuất, hoàn thiện nó cho đẹp đi đã sẽ có thị trường. Mấy năm trước tôi sang Trung Quốc họ còn bán một chậu địa lan đột biến tính ra tiền Việt cỡ 200 tỷ".
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh còn manh mún, tự phát, liên kết còn lỏng lẻo, thị trường còn xuất hiện những diễn biến phức tạp nhất là luồng ý kiến trái chiều về lan đột biến. Dư luận xã hội đang đánh đồng họ với kinh doanh đa cấp thậm chí là lừa đảo.
"Tấm huy chương nào cũng có hai mặt, mặt đẹp và mặt xù xì. Bản thân lan đột biến không có tội, chỉ có một số người dùng nó để lừa đảo là có tội. Họ đã làm hình ảnh ngành lan xấu đi chứ trong 2 năm qua các nhà vườn đã ủng hộ cỡ 120 tỷ giúp cho việc chống dịch Covid 19, không hề ảo", ông Quý bộc bạch.
Cũng nhân hội thảo này, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp kêu gọi các phóng viên, BTV báo chí và truyền hình trên cả nước cần phải có cái nhìn chân thực, đúng đắn hơn về nghề trồng sinh vật cảnh nói chung và trồng hoa lan nói riêng, không vì "câu like, câu view" hoặc phục vụ cho một nhóm lợi ích mà đưa tin thiếu khách quan, trung thực.
Lấy dẫn chứng từ vụ việc lùm xùm liên quan đến chủ vườn lan ở Ứng Hòa, Hà Nội vừa qua, theo GS.TS Trần Duy Quý, thực chất "chỉ có 3 cái đơn gửi nghành chức năng, với tổng số tiền 14 tỷ, nhưng báo chí đã vội đưa tin 150 tỷ, lên 200 tỷ, 350 tỷ, rồi 700 tỷ. Chính điều đó đã làm tiêu tan chí khí của tất cả những anh em mới bắt đầu vào chơi lan đột biến".
Những lời gan ruột của GS.TS Trần Duy Quý ngay lập tức nhận được tràng pháo tay tán thưởng của những người có mặt trong hội trường. Bởi nó đã phản ánh đúng thực trạng diễn ra trong thời gian vừa qua, gây thiệt hại rất nhiều đến hình ảnh cũng như kinh tế cho những người chơi lan, trồng lan chân chính.
Nói về hiện tượng giá lan đột biến tăng cao trong thời gian qua, PGS.TS Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết, thì đó là hệ quả của hiện tượng chưa có các thể chế thị trường như hiệp hội để quản lý ngành, nhưng nó cũng cho thấy tín hiệu của giá trị đa dạng sinh học được thị trường thừa nhận trong một xã hội phát triển.
Thực tế thì nghành nghề nào cũng có những mặt trái. Nên theo PGS.TS Đào Thế Anh, để đảm bảo sự phát triển bền vững rất cần thiết những người trong cuộc là nhà vườn, nghiên cứu thành lập hiệp hội. Hiệp hội có thể đề xuất với Nhà nước các chính sách phù hợp, quản lý minh bạch, có trách nhiệm ngành hoa lan và có trách nhiệm truyền thông về các hoạt động của mình. Có như vậy mới tránh được các thông tin thất thiệt làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động của ngành.
Cũng trong thời gian hội thảo, đã ra mắt ban vận động thành lập Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh hoa lan Việt Nam, ký cam kết đồng hành cùng chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh với số lượng tham gia ít nhất từ 100.000 cây trở lên.
Khi hình thành hiệp hội, sẽ là đơn vị thẩm định giá, yêu cầu hội viên phải chấp hành nghĩa vụ thuế, tuân thủ điều lệ, pháp luật; khai trừ người vi phạm và lừa đảo; kiện các cơ quan, cá nhân gây thiệt hại cho hội viên; làm cầu nối hợp tác quốc tế thúc đẩy xuất nhập khẩu…
Minh Ngọc