GS. TSKH Trần Duy Quý: Thị trường lan VAR ngày càng phát triển sôi động

Trong hai ngày 19-20/02/2021, GS. TSKH Trần Duy Quý, Chủ tịch Trung ương Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam đã đi thăm một số mô hình nuôi trồng hoa lan cây cảnh tại Tuyên Quang, Yên Bái và Lào Cai.

Tới thăm và giao lưu thân mật với một số nhà vườn tại tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái và Lào Cai, Chủ tịch Trung ương Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam đề nghị các nhà vườn phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua, tiếp tục có nhiều việc làm thiện nguyện thiết thực chung sức đồng lòng cùng các ngành các cấp phòng chống COVID19 an toàn, đồng thời chủ động phát triển hoạt động nuôi trồng, sản xuất kinh doanh hoa lan, cây cảnh trong tình hình mới.

GS. TSKH Trần Duy Quý giao lưu với một số nhà vườn tại Vườn Lan 91, TP. Tuyên Quang

"Năm 2020, vượt qua những khó khăn thách thức do tác động của dịch bệnh, thiên tai, cộng đồng những người yêu hoa lan đã có những đóng góp hết sức cụ thể trong việc thực hiện nhiệm vụ kép. Hơn 80 tỷ đồng hành ủng hộ cho công tác phòng chống dịch bệnh và hỗ trợ đồng bào khắc phục hậu quả thiên tai. Đồng thời tạo ra sự phát triển sôi động của ngành hoa lan, nhất là hoa lan VAR. Năm 2021, ngay những ngày đầu năm dịch bệnh đã diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, tôi đề nghị anh chị em cùng đoàn kết chung tay thực hiện tốt các quy định phòng chống dịch, chia sẻ với đồng bào ở các khu vực đang phải tập trung cách ly, đồng thời phải đoàn kết hỗ trợ nhau phát triển hoạt động sản xuất, nuôi trồng hoa lan...", GS. TSKH Trần Duy Quý nhấn mạnh.

GS. TSKH Trần Duy Quý cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ của Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam đến nay cả nước có trên 500.000 nhà vườn, nhà sưu tầm, nuôi trồng và làm dịch vụ hoa lan với các quy mô khác nhau. Trong đó, những nhà vườn lan VAR đã đi đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ và bước đầu xuất hiện nhiều mô hình phát triển hoa lan trên giàn mái, vườn treo sân thượng vừa không tốn diện tích, vừa là giải pháp giảm hiệu ứng nhà kính ở đô thị. Đặc biệt, đã góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu.

GS. TSKH Trần Duy Quý thăm Nhà vườn của anh Nguyễn Văn Hưng thuộc Lan VAR Lào Cai

Chủ tịch Trung ương Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam cũng cho biết, để hỗ trợ ngành hoa lan phát triển tương xứng với tiềm năng thế mạnh nội tại, từng bước hạn chế việc nhập khẩu các sản phẩm Hoa, cây trang trí, đến nay nhiều tỉnh thành xác định cây hoa lan là cây trồng chủ lực được ưu tiêu trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hà Nội là địa phương đi đầu trong cả nước đã công nhận 8 sản phẩm Hoa lan là sản phẩm OCOP và đang hoàn thiện hồ sơ tiến tới công nhận làng nghề sản xuất hoa lan đầu tiên của cả nước.

"Cách đây hơn 20 năm Chính phủ đã ban hành Đề án phát triển Rau, Hoa quả trong cơ cấu ngành nông nghiệp; Ngày 08/06/2004, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 116/TB - VPCP về phát triển Sinh Vật Cảnh trở thành một ngành kinh tế sinh thái giá trị cao; Năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52 và Nghị định số 57 về một số chính sách phát triển các ngành nghề nông thôn, trong đó có hoa cây cảnh. Trên cơ sở đó, nhiều địa phương đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn một số chính sách hỗ trợ về thuế, đất đai, tín dụng để phát triển hoa lan với tư cách là mặt hàng chủ lực của địa phương...", GS. TSKH Trần Duy Quý cho biết.

GS. TSKH Trần Duy Quý thăm quan mô hình trang trại hoa mộc tại Yên Bái

Theo vị GS đã có hơn 50 năm gắn bó với ngành di truyền lai tạo giống lúa, 30 năm gắn bó với nghiên cứu hoa lan, thì chưa bao giờ ngành nông nghiệp lại có vị trí quan trọng như giai đoạn hiện nay. Và ngành hoa lan, cây cảnh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định là ngành làm giàu, ngành gắn với xây dựng Nông thôn mới và được ưu tiên trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vừng.

"Những năm gần đây xuất khẩu nhóm ngành Rau, Hoa quả liên tục tăng trưởng mạnh. Việc giảm nhập khẩu các loại hoa cây cảnh do chuyển hướng đầu tư mạnh vào lan VAR cũng góp phần cải thiện cán cân xuất nhập khẩu của ngành nông nghiệp. Có thể nói ngành lan, nhất là lan VAR trong thời gian vừa qua đã thu hút được nhiều nguồn lực xã hội quan tâm đầu tư. Đây là một ngành nghề có nguyên liệu, sản phẩm đầu ra, dịch vụ trung gian đều là nội địa nên khi ngành này phát triển không chỉ giải quyết được công ăn việc làm, mà còn thúc đẩy các ngành nghề phụ trợ phát triển theo. Và một tín hiệu rất mừng, là một lượng tiền lớn dành cho việc nhập khẩu các loại hoa cây cảnh khác đã giảm và chuyển vốn đầu tư vào hoa lan nội địa. Đây là lợi ích kép mà ít người để ý tới, nhưng đứng về mặt quản lý kinh tế vĩ mô thì nhà nước rất cần những ngành nghề nội địa phát triển theo hướng này...", GS Quý phân tích.

Nhân dịp này, người đứng đầu Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam cũng cho biết, để tích cực hỗ trợ hội viên, hội thành viên và những người sản xuất hoa lan cây cảnh thực hiện tốt nhiệm vụ kép nêu trên, đồng thời bảo vệ những quyền lợi chính đáng của họ, trong thời gian tới, bên cạnh các hoạt động chuyên môn Hội sẽ chủ động phối hợp cùng các cơ quan hữu quan đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, cũng như kịp thời phản bác những thông tin xấu độc gây nhiễu loạn thị trường và thường xuyên cảnh báo những hành vi lừa đảo gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Dưới đây là một số hình ảnh trong chuyên công tác của GS. TSKH Trần Duy Quý

Link nội dung: https://phano.net.vn/gs-tskh-tran-duy-quy-thi-truong-lan-var-ngay-cang-phat-trien-soi-dong-a12610.html