Trời chuyển lạnh - nhiều bệnh phải phòng

Không khí lạnh tăng cường, nhiều địa phương đang phải đối mặt với nhiều đợt rét. Người dân cần chủ động phòng ngừa để phòng, tránh những nguy cơ bệnh tật tiềm ẩn thường xảy ra trong thời điểm này.

Không  khí lạnh tăng cường – nền nhiệt thấp nhiều nơi

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, trong tuần tới, các tỉnh miền Bắc tiếp tục duy trì nền nhiệt thấp. Đêm không mưa, ngày nắng; vùng núi có rét đậm, rét hại; riêng vùng núi cao có khả năng xuất hiện băng giá và sương muối.

Nền nhiệt trung bình khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ xuống thấp. Nhiệt độ thấp nhất phổ biến khoảng 11-14 độ, vùng núi 7-10 độ, vùng núi cao dưới 5 độ và có khả năng xảy ra băng giá và sương muối. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, người dân cần chú ý thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn. Nhất là với người già, trẻ nhỏ, học sinh như hạn chế ra trời lạnh, mặc đủ ấm, không dùng bếp than sưởi ấm trong phòng kín.

Trời chuyển lạnh

Ảnh minh họa nguồn internet

Nhiều mối nguy tiềm ẩn

Mùa đông là mùa tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các chủng vi khuẩn, virus. Ảnh hưởng bất lợi từ thời tiết, hệ thống miễn dịch suy yếu, khả năng đề kháng giảm là tiền đề cho nhiều căn bệnh phát triển:

Bệnh cúm: Nhiệt độ môi trường, độ ẩm không khí thấp trong mùa đông là môi trường cho virus cúm phát triển, gây bệnh “cúm mùa”. Trong đó, các đối tượng có có cơ địa mẫn cảm với thời tiết, sức đề kháng yếu, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện như trẻ em, người lớn tuổi, người có hệ miễn dịch suy yếu, người điều trị một số bệnh… là nhóm đối tượng có nguy cơ cao đối với cúm.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, cúm là bệnh có khả năng lây nhiễm cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hoặc dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Trung tâm Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ghi nhận, từ năm 2010 trở lại đây, mỗi năm trên thế giới có khoảng 9 - 45 triệu trường hợp mắc cúm, với khoảng trên 61.000 trường hợp tử vong do biến chứng viêm phổi từ cúm.

Một số biện pháp giúp chủ động phòng chống cúm có thể chủ động thực hiện như: Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng; tiêm vắc xin cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm; hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết.

Người dân không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng vi rút (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc. Khi xuất hiện triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi… cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Trời chuyển lạnh

Về mùa lạnh, huyết áp thường tăng cao so với mùa hè khoảng 5mmHg. Ảnh minh họa nguồn internet

Bệnh tim mạch: Về mùa lạnh, huyết áp thường tăng cao so với mùa hè khoảng 5mmHg. Sự duy trì liên tục mức tăng huyết áp này sẽ làm tăng 21% các biến chứng tim mạch. Thời tiết lạnh làm tăng tiết các một số thành phần trong máu, dẫn đến co mạch ngoại biên, tăng lượng máu trở về tim và tăng huyết áp. Đa số người không biết hoặc chưa kiểm soát tốt huyết áp của mình. Theo thống kê, chỉ có khoảng 1/3 trong số bệnh nhân tăng huyết áp được điều trị và trong số những người được điều trị chỉ có 1/3 kiểm soát được huyết áp bằng thuốc. Trong mùa lạnh, số bệnh nhân nhập viện liên quan đến các bệnh lý về tim mạch gia tăng, chủ yếu là người cao tuổi, nhất là người có tiền sử bệnh tim mạch trước đó.

Theo một kết quả đã được công bố bởi của Hội tim mạch học Mỹ (ACC), hơn 50% những cơn đau tim xảy ra vào mùa đông và tỷ lệ tử vong về bệnh tim mạch cao nhất vào các tháng lạnh.

Bệnh xương khớp: Thông tin từ BV Trung ương Quân đội 108, thời tiết chuyển lạnh cũng làm trầm trọng thêm các vấn đề đối với các bệnh nhân có sẵn các bệnh lý về xương khớp. Sự thay đổi của thời tiết như nóng lạnh thất thường, lúc khô hanh, lúc lại ẩm ướt, mưa phùn… khi trời trở lạnh, nhiệt độ hạ thấp, cơ thể chúng ta thường có xu hướng cố dự trữ năng lượng khiến việc lưu thông máu kém hơn bình thường. Không khí lạnh thâm nhập vào cơ thể qua đường da, y học cổ truyền gọi là huyệt vị, sẽ làm cho mạch máu tại các vùng da đó co lại, giảm lưu thông của dịch khớp, máu đến các khớp xương bị hạn chế hoặc rất ít nên thiếu máu nuôi dưỡng khớp, các màng hoạt dịch và sụn khớp bị thương tổn, gây nên đau nhức. Ngoài ra, nguyên nhân gây đau khớp còn do bệnh lý khớp mạn tính có sẵn, sức đề kháng và khả năng tự bảo vệ của cơ thể suy giảm. Các yếu tố gây bệnh tác động đến kinh lạc, cơ, khớp… làm cho khí huyết  bị tắc trở, kinh lạc bất thông mà gây đau. Đặc biệt, ở người già, các chức năng hoạt động cơ thể bị suy yếu làm cho khí huyết trì trệ, vận hành giảm sút, không nuôi dưỡng được cân mạch, gây nên tình trạng đau và thoái hóa khớp.

Đột quỵ: Theo GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông- Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, sang mùa lạnh, thống kê chung trên toàn quốc có khoảng 10-30% số lượng bệnh nhân đột quỵ, phải nhập viện so với mùa khác. Vào mùa lạnh, mạch máu ở một số vùng co lại, sẽ đẩy máu ra, tim hoạt động nhiều hơn, mạnh hơn. Ngoài ra, dưới ảnh hưởng của thời tiết giá lạnh, lưu lượng máu đến não giảm 1/5 so với bình thường do mạch máu giảm tính đàn hồi, lòng mạch bị thu hẹp. Mặt khác, huyết áp dễ tăng cao, dẫn đến tăng áp lực trong lòng mạch. Với người có biến chứng xơ vữa động mạch hay cục máu đông thì mạch máu dễ bị tắc; có thể vỡ mạch máu dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ gây nguy cơ tử vong cao. Nhiệt độ lạnh còn làm tăng số lượng tiểu cầu, hồng cầu. Tăng sự vận chuyển của oxy, máu đặc quánh, dễ dẫn đến đột quỵ.

Link nội dung: https://phano.net.vn/troi-chuyen-lanh-nhieu-benh-phai-phong-a12510.html