Siêu lợi nhuận như 'vua’ rác Thuận Thành EJS

Khoản lợi nhuận tích luỹ cả nghìn tỷ trong 4 năm qua, đặt cạnh vốn góp chủ sở hữu chỉ 200 tỷ đồng cho thấy hiệu quả hoạt động ấn tượng của Thuận Thành EJS.

nhadautu - MT Thuan Thanh

Chỉ trong 4 năm gần đây, Thuận Thành EJS đã tích lũy gần 1.100 tỷ đồng "của để dành" 

(Ảnh minh họa: Internet) 

Cùng với tốc độ đô thị hóa, hiện đại hóa diễn ra ngày càng nhanh, Việt Nam đang đối mặt với nhiều vấn đề, mà một trong những trở ngại lớn nhất là xử lý rác thải. Dư luận chắc chắn quá quen thuộc khi cứ mỗi lần khu xử lý Nam Sơn ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội bị chặn, hàng chục nghìn tấn chất thải lại bị ún ứ giữa Thủ đô.

Theo tính toán, tổng khối lượng rác thải đô thị được thu gom cả nước là khoảng 38.000 tấn/ngày (tỷ lệ thu gom, vận chuyển, xử lý đạt 85%). Hầu hết rác thải được chôn lấp và khoảng 70% bãi chôn lấp hiện nay không hợp vệ sinh.

Trong bối cảnh lượng rác thải ngày càng tăng mạnh, xử lý rác trở thành “mỏ vàng” lợi nhuận cho các doanh nghiệp tư nhân. Một trong những cái tên hàng đầu có thể kể đến là CTCP Môi trường Thuận Thành của doanh nhân Vũ Văn Đắc.

Siêu lợi nhuận như Thuận Thành EJS

Theo tìm hiểu, Thuận Thành EJS được thành lập vào ngày 29/4/2009, đóng trụ sở tại thôn Ngọc Khám, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Sự ra đời và hình thành của Thuận Thành EJS gắn với doanh nhân Vũ Văn Đắc (SN 1966). Điều này được thể hiện qua tỷ lệ cổ phần chi phối ông sở hữu tại doanh nghiệp. Cụ thể, tính đến hiện tại, vốn điều lệ Thuận Thành EJS đạt 200 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông gồm: Ông Vũ Văn Đắc (55%), bà Nguyễn Thị Hoa – vợ ông (5%) và ông Nguyễn Trọng Khánh (40%). 

Thuận Thành EJS được biết đến là đối tác lớn giúp Samsung Việt Nam giải quyết vấn đề xử lý rác thải ở 2 nhà máy tại Bắc Ninh và Thái Nguyên. Việc nhận được sự tin tưởng tuyệt đối của ông lớn FDI số 1 Việt Nam phần nào cho thấy năng lực của Thuận Thành EJS, cũng như giới chủ công ty này.  

Số liệu công bố mới đây từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh cho thấy, hiện nay trung bình mỗi ngày trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 900 tấn chất thải sinh hoạt. Trong đó, nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt của Thuận Thành EJS xử lý 100 - 105 tấn rác. 

Ngoài địa bàn Bắc Ninh, Thuận Thành EJS cũng là bên thực hiện nhiều gói thầu xử lý rác thải, như: Dịch vụ vận chuyển và xử lý rác thải y tế năm 2020 tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội (giá trúng thầu 2,6 tỷ); Cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại tại Bênh viện Bưu điện (giá trúng thầu 1,51 tỷ); Thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại năm 2019 tại dự án của Công ty Nhiệt điện Mông Dương (giá trúng thầu 749 triệu đồng);…  

Giá trúng thầu các dự án mà Thuận Thành EJS thực hiện kể trên đều thấp hơn không đáng kể so với giá gói thầu.

nhadautu - tai chinh moi truong thuan thanh

 

Dữ liệu của Nhadautu.vn cho thấy, doanh thu thuần của Thuận Thành EJS (công ty mẹ) trong năm 2019 đạt 1.545 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái; lãi thuần 168 tỷ theo đó tăng 10,5%. 

Xét cả giai đoạn 2016 – 2019, chỉ tiêu doanh thu thuần và lợi nhuận thuần có xu hướng nghịch biến với nhau. Theo đó, trong khi tăng trường bình quân của doanh thu Thuận Thành EJS đạt hơn 14%, thì với lãi thuần lại là -18,6%.

Dù vậy, 2 chỉ tiêu kể trên của Thuận Thành EJS vẫn được giới đầu tư đánh giá là ấn tượng khi so với Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP.HCM, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội, CTCP Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa – các doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực xử lý rác.  

nhadautu - so sanh tinh hinh tai chinh cua Thuan Thanh va mot so cong ty

 

Không khó để nhận ra, doanh thu, đặc biệt là lợi nhuận của Thuận Thành EJS đều vượt trội so với những ông lớn kể trên.  

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản Thuận Thành EJS tính đến ngày 31/12/2019 đạt 1.945 tỷ, vốn chủ sở hữu 1.304 tỷ. Lưu ý rằng, vốn góp chủ sở hữu của Thuận Thành EJS tính đến hết năm 2019 chỉ là 200 tỷ đồng, thấp hơn so với MTĐT TP.HCM (304,5 tỷ), MTĐT Hà Nội (503 tỷ) và Tâm Sinh Nghĩa (800 tỷ). Điều này đồng nghĩa với việc Thuận Thành EJS đang tích luỹ được nguồn lợi nhuận khoảng 1.100 tỷ đồng. Thật trùng hợp, đây cũng là tổng lãi thuần của doanh nghiệp này trong giai đoạn 2016-2019.

Tham vọng lớn trong lĩnh vực thu gom xử lý rác

Bên cạnh Thuận Thành EJS, doanh nhân Vũ Văn Đắc cũng sở hữu Công ty TNHH Môi trường Ngôi Sao Xanh – chủ dự án Đầu tư xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải công nghiệp, chất thải rắn sinh hoạt phát điện (chỉ thực hiện xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong phạm vi thu gom rác thải trên địa bàn thành phố Bắc Ninh và huyện Quế Võ). Được biết, Ngôi Sao Xanh ra đời vào năm 2017, là sự kết hợp của Thuận Thành (87,5%) và CTCP Môi trường và Công trình đô thị Bắc Ninh (sẽ được đề cập trong phần sau của bài viết).

Chưa dừng lại ở đó, bộ 3 cá nhân Vũ Văn Đắc, Nguyễn Thị Hoa và Nguyễn Trọng Khánh tiếp tục song hành tại CTCP Đầu tư Công nghiệp và Thương mại dịch vụ Tân Yên – một doanh nghiệp khác hoạt động trong lĩnh vực xử lý rác. Theo đó, tính đến tháng 5/2014, ông Vũ Văn Đắc nắm 52% vốn công ty; ông Nguyễn Trọng Khánh và bà Nguyễn Thị Hoa lần lượt sở hữu 38% và 10%.

Tiền thân của Tân Yên là CTCP Đầu tư và phát triển công nghệ môi trường sạch – chủ đầu tư dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và công nghiệp, địa chỉ tại thôn Lăng Cao, xã Cao Xá, huyện Tân Yên được chấp thuận đầu tư ngày 05/11/2013, diện tích đất sử dụng là 311.674,3 m2. Liên quan tới dự án, vào ngày 29/8/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã có có kết luận: “... tạm dừng việc triển khai thi công các hạng mục của Dự án...” để kiểm tra lại việc tổ chức thực hiện của chủ đầu tư. Đến tháng 11/2019, dự án này vẫn nằm trong diện “không đưa, chậm đưa đất vào sử dụng, dự án phải gia hạn”.

Trong khi đó, thương hiệu mới Tân Yên được biết đến là chủ đầu tư Cụm công nghiệp Lăng Cao (xã Cao Xá, xã Ngọc Lý, huyện Tân Yên, Bắc Giang). Về quy mô, dự án có diện tích 48 ha, tổng mức đầu tư là 347,65 tỷ, dự kiến hoàn thành vào năm 2022.

Ngoài xử lý rác thải, ông Vũ Văn Đắc tính đến tháng 1/2016 sở hữu 54,7% vốn Công ty Thương mại Dịch vụ và Môi trường Ngôi sao Xanh – TNHH; phần 45,3% còn lại tiếp tục do ông Nguyễn Trọng Khánh nắm. Theo tìm hiểu, Môi trường Ngôi sao Xanh là chủ đầu tư dự án Nhà máy sản xuất giấy tại phường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh; Tổng diện tích dự án là 12.371,3 m2.

nhadautu - 1 so DN thuoc so huu cua ong vu van dac

 

Không dừng lại ở việc nắm trong tay các dự án nhà máy xử lý rác, tham vọng của doanh nhân Vũ Văn Đắc còn lớn hơn thế. Tìm hiểu của Nhadautu.vn cho thấy, vị doanh nhân này còn muốn tham gia vào lĩnh vực xử lý rác Thủ đô, khi thông qua Môi trường Ngôi sao Xanh sở hữu 26,45% cổ phần CTCP Môi trường đô thị Gia Lâm hay 14% cổ phần CTCP Môi trường đô thị Sóc Sơn. Tại quê nhà, trực tiếp Thuận Thành EJS năm 2016 trở thành nhà đầu tư chiến lược của CTCP Môi trường và Công trình đô thị Bắc Ninh, và hiện nắm 24,57% cổ phần tại đây.

Đáng chú ý, doanh nhân trẻ Vũ Ngọc Tú (SN 1990) - con trai của ông Vũ Văn Đắc, bên cạnh cuộc chơi thuỷ điện với VSD Holdings, cũng có mảng kinh doanh xử lý rác thải riêng với việc thành lập CTCP Môi trường Hiệp Hoà vào tháng 9/2019. Vào thời điểm mới ra đời, vốn điều lệ công ty đạt 50 tỷ, cơ cấu cổ đông gồm: Bà Nguyễn Thị Mỹ Bình (20%), ông Vũ Ngọc Tú (60%) và ông Vũ Đăng Thành (20%).

Link nội dung: https://phano.net.vn/sieu-loi-nhuan-nhu-vua-rac-thuan-thanh-ejs-a11372.html