Ông Nguyễn Văn Phụng cho biết, ngành công nghiệp rượu, bia, nước giải khát có đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước, cùng với đó là giải quyết lượng lớn lao động trên cả nước. Tuy nhiên, ngành này đang bị "kỳ thị", đối xử không công bằng so với các ngành công nghiệp sản xuất khác. Trong đại dịch COVID-19, hầu hết các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế đều nằm trong diện được miễn, giảm thuế phí, riêng ngành sản xuất rượu, bia, nước giải khát thì không.
"Không những vậy, theo thống kê, hiện nay, ngành rượu, bia, nước giải khát đang cùng một lúc gánh 9 loại thuế và nhiều loại phí khác", ông Phụng chia sẻ.
Cụ thể, 9 loại thuế ngành này đang phải gánh gồm: Thuế xuất nhập khẩu đánh vào nguyên liệu, thiết bị nhập khẩu đầu vào; thuế giá trị gia tăng (10%); thuế tiêu thị đặc biệt; thuế thu nhập doanh nghiệp (20%); thuế tài nguyên; thuế sử dụng đất nông nghiệp; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; thuế bảo vệ môi trường... Ngoài ra còn các loại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; phí, lệ phí.
Ông Phụng cho biết, tổng số thu NSNN từ các DN thuộc hiệp hội bia, rượu, nước giải khát (VBA) năm 2019 đạt khoảng 60.000 tỷ đồng (các loại thuế); nhóm các DN có đóng góp lớn là Heineken, Sabeco, Habeco, Carlsberg… nộp 49.595 tỷ đồng, chiếm trên 80% số nộp của cả ngành. 10 tháng năm 2020, khối DN lớn nộp 39.111 tỷ đồng (bằng 96,4%) số cùng kỳ năm trước do gặp khó khăn trong hoạt động.
Báo cáo của hiệp hội bia, rượu, nước giải khát (VBA) cũng cho thấy, 9 tháng qua, ngành rượu bia, nước giải khát bị ảnh hưởng lớn bởi Nghị định 100/2019/NĐ-CP và dịch COVID-19.
Cụ thể, ngay từ khi soạn thảo Nghị định 100 đã khiến cổ phiếu của toàn ngành sụt giảm 13%. Còn dịch COVID-19 đã khiến Habeco ghi nhận kết quả kinh doanh lỗ 98 tỷ đồng - mất gần một nửa doanh thu ngay trong quý 1/2020 so với cùng kỳ năm 2019, kéo theo lợi nhuận giảm 55% (tương đương 148 tỷ đồng). Tương tự, Sabeco cũng khép lại 3 tháng đầu năm với doanh thu giảm 47%; nhiều doanh nghiệp giảm sản lượng 40-50%.
Việc giảm lượng tiêu thụ ảnh hưởng trực tiếp đến công ăn việc làm của người lao động ở các doanh nghiệp sản xuất và đặc biệt là các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống, du lịch và các dịch vụ khác. Thậm chí, các doanh nghiệp nhỏ phải đóng cửa do làm ăn khó khăn, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ các sản phẩm từ nông nghiệp của người nông dân.
Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành bia, rượu, nước giải khát, VBA kiến nghị Chính phủ xem xét giảm một số loại thuế phí tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất và các tổ chức kinh doanh dịch vụ khắc phục khó khăn.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ hoãn đề xuất tăng các loại thuế, phí trong thời gian tới; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân nghiên cứu, đề xuất các giải pháp sản xuất các sản phẩm có độ cồn thấp hoặc không có độ cồn để có thể đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, phù hợp với quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Văn Phụng kiến nghị, "chúng ta cần thay đổi tư duy, cách nhìn khi làm chính sách thuế, theo hướng công bằng với tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt các thành phần kinh tế. Ngay cả với ngành rượu bia, nước giải khát cũng cần được hỗ trợ miễn giảm, thuế phí do tác động của dịch bệnh COVID-19 như những ngành khác".
Cùng với đó, ông Phụng cho rằng cần ổn định chính sách vĩ mô trong thời gian nhất định để doanh nghiệp an tâm kinh doanh, sản xuất. "Mỗi lần chính sách thay đổi sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới doanh nghiệp. Vì vậy, tính ổn định tương đối không tạo cú sốc sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp kinh doanh, tiếp cận các nguồn lực trong xã hội", ông Phụng nhấn mạnh.
Link nội dung: https://phano.net.vn/ruou-bia-nuoc-giai-khat-dang-mot-luc-ganh-9-loai-thue-a11314.html