Theo một nhà phân tích quân sự Trung Quốc, hạm đội mới đề xuất của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có thể gây ra mối đe dọa đối với lợi ích ngày càng tăng của Trung Quốc, khi hạm đội này sẽ kiểm soát các tuyến thương mại biển quan trọng, South China Morning Post cho biết.
Hôm 17/11, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Kenneth Braithwaite đề xuất thành lập một hạm đội mới, được gọi là Hạm đội 1. Hạm đội này sẽ kiểm soát khu vực ngã tư ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Hạm đội tàu chiến Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ trong cuộc tập trận ở biển Arab. Ảnh: Hạm đội 7. |
Đề xuất của Bộ trưởng Braithwaite diễn ra một ngày trước khi Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ bắt đầu giai đoạn hai cuộc tập trận ở biển Arab. Cuộc tập trận được xem là một phần của sáng kiến khu vực nhằm chống lại sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc.
"Chúng ta không thể chỉ dựa vào Hạm đội 7 ở Nhật Bản. Chúng ta phải tìm đến các đồng minh và đối tác khác như Singapore, như Ấn Độ, và thực sự đặt một hạm đội ở nơi nó cực kỳ phù hợp nếu chúng ta vướng vào bất cứ cuộc chiến nào", ông nói, theo USNI News, trang tin do Viện Hải quân Mỹ điều hành.
Kiểm soát huyết mạch kinh tế Trung Quốc
Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Mercator về Trung Quốc, Ấn Độ Dương là kết nối quan trọng với các tuyến thương mại toàn cầu. 80% thương mại biển đi qua nó. 80% lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc đi qua eo biển Malacca - tuyến đường thủy bận rộn nhất ở Ấn Độ Dương.
Song Zhongping, cựu sĩ quan lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc, cho biết hạm đội mới của Mỹ tập trung vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có thể tạo ra vấn đề lớn đối với tham vọng của Trung Quốc trong khu vực.
“Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào Ấn Độ Dương hơn Tây Thái Bình Dương. Việc Mỹ thành lập một hạm đội ở đó giống như túm lấy cổ họng Trung Quốc. Nó có thể gây tổn hại đến lợi ích phát triển của Trung Quốc về chuỗi năng lượng và đầu tư vào các dự án trong sáng kiến Vành đai và Con đường”, ông Song nói.
Sáng kiến Vành đai và Con đường gây tranh cãi do Bắc Kinh khởi xướng là kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng rộng lớn, nhằm kết nối Trung Quốc với châu Á, châu Phi, châu Âu và hơn thế nữa.
Theo sáng kiến này, Trung Quốc đã hợp tác với các nước Ấn Độ Dương, bao gồm Pakistan để xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng, như đường cao tốc, cảng, trong một nỗ lực nhằm tiếp cận nhanh hơn với châu Âu và châu Phi.
Đơn cử cảng Gwadar của Pakistan do một tập đoàn Trung Quốc xây dựng và quản lý có vị trí chiến lược gần eo biển Hormuz - tuyến đường thủy quan trọng nhất thế giới về dầu mỏ.
Thách thức đối với Mỹ
Timothy Heath, nhà nghiên cứu quốc phòng cao cấp tại Tập đoàn RAND (tổ chức tư vấn quốc phòng cho Lầu Năm Góc), cho biết Mỹ có thể dễ dàng thành lập một hạm đội mới, nhưng việc xây dựng nó là một thách thức.
Mỹ đang tìm cách mở rộng sự hiện diện ở Ấn Độ Dương. Ảnh: Hạm đội 7. |
“Quy mô Hải quân Mỹ đang bị thu hẹp đáng kể theo thời gian và phải đối mặt với những thách thức trong việc đáp ứng các nhiệm vụ hiện tại. Hạm đội mới có thể sẽ hoạt động với một số lượng nhỏ tàu chiến, ít nhất là trong giai đoạn ban đầu”, ông Heath nói.
Charlie Lyons Jones, nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, cho biết động thái này có thể được một số đồng minh của Mỹ, như Australia hoan nghênh - quốc gia này có thể sẵn sàng cho phép thành lập thêm một căn cứ của Hải quân Mỹ.
“Tuy vậy có những lo ngại về việc thành lập Hạm đội 1 đóng tại Ấn Độ Dương, nếu nó được thực hiện mà không cần tham vấn kỹ với các đồng minh”, ông Lyons Jones nói.
“Sẽ thật tuyệt nếu Hải quân Mỹ mua thêm tàu trước khi thành lập hạm đội dành riêng cho Ấn Độ Dương. Hạm đội 7 đang bị dàn trải trên nhiều khu vực và Mỹ khó có thể lơ là với các nguồn lực cần thiết ở Thái Bình Dương”, nhà phân tích Jones nói thêm.
Hạm đội 7 có trụ sở tại Yokosuka, Nhật Bản đang phụ trách khu vực rộng tới 124 triệu km2, kéo dài từ đường đổi ngày quốc tế ở giữa Thái Bình Dương đến biên giới Ấn Độ - Pakistan ở Ấn Độ Dương.
John Bradford, nhà phân tích tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Singapore (RSIS), cho rằng Hạm đội 7 đang bị quá tải, sự bổ sung hạm đội mới là cần thiết để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
Tuy vậy, một số nhà phân tích khác cho rằng khả năng Mỹ thành lập một hạm đội mới là rất thấp, vì nó có thể tạo ra tình huống nhạy cảm trong khu vực.
Olli Pekka Suorsa, nhà nghiên cứu tại RSIS cho rằng đề xuất thành lập hạm đội mới “chỉ đơn thuần là một phép thử, nhằm phát đi tín hiệu đến Trung Quốc về ý định lâu dài và quyết tâm cạnh tranh với Bắc Kinh”.
Link nội dung: https://phano.net.vn/ham-doi-moi-cua-my-se-la-gong-kim-co-lap-trung-quoc-a11298.html