Giáo viên, học sinh "chế" nước rửa tay sát khuẩn
Tốt nghiệp sư phạm năm 1998, thầy An trở về địa phương công tác tại trường THCS Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Sau nhiều nỗ lực, phấn đấu vươn lên cùng sự tín nhiệm của đồng nghiệp, thầy được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng nhà trường vào năm 2008.
Đến tháng 8/2012, khi trường THCS Ngọc Chánh thành lập, thầy An được điều động về đảm nhận chức vụ Hiệu trưởng cho đến nay. Là người đứng đầu nhà trường, bản thân thầy An luôn tự nhủ phải đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân, làm việc có lợi cho học sinh và nhà trường.
Đúng lúc dịch Covid -19 đang diễn biến phức tạp, trong khi dung dịch sát khuẩn trên thị trường ngày càng khan hiếm, thầy An đã nghĩ ra ý tưởng pha chế nước rửa tay diệt khuẩn tại trường. Nói là làm, thầy An chủ trì và chỉ đạo nhóm giáo viên tổ Hóa - Sinh kết hợp cùng 4 em học sinh để nghiên cứu.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, thống nhất công thức chung trong từng khâu, nhóm giáo viên đã bắt tay vào pha chế . Thầy giáo Trương Trọng Vỹ, tổ trưởng tổ Hóa – Sinh, tham gia chế tạo nước rửa tay cho học sinh cho biết, nhà trường sử dụng tinh dầu có trong cây nha đam để làm nước rửa tay. Do điều kiện nhà trường còn hạn chế nên nhóm nghiên cứu chỉ lọc nha đam bằng phương pháp li tâm đơn giản, rồi đun sôi để tránh những vi khuẩn.
Sau khi đun sôi, chất lỏng này sẽ được đem đi pha trộn với cồn y tế 800 theo tỉ lệ 6:4 (60% cồn và 40% nha đam – PV), có pha thêm tinh dầu tràm tạo mùi hương (0,05%) và muối NaCl (0,01%). Khi pha thành công, nhà trường sử dụng kính hiển vi theo dõi sản phẩm trong 3 ngày đầu.
Trong khoảng 10 ngày tiếp theo, nhà trường cũng sử dụng hóa chất có sẵn tại trường để theo dõi định kỳ xem sản phẩm có sản sinh ra chất mới gì hay không. Kết quả thành công ngoài mong đợi, từ đó, nhiều chai nước rửa tay “nhà làm” đã được chuyển đến cho học sinh của trường sử dụng.
Thầy Vỹ cho biết thêm, chi phí tạo ra dung dịch nước sát khuẩn tương đối thấp, chủ yếu là việc lựa chọn giá cồn trên thị trường. Vì cồn phải là cồn y tế được mua ở các cửa hàng y tế tin cậy, nếu dùng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, kém chất lượng sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Theo đánh giá của nhà trường, việc giáo viên, học sinh tự nghiên cứu, pha chế nước rửa tay sát khuẩn, ngoài mục đích phòng, chống dịch bệnh Covid-19 còn giúp các em và giáo viên được trải nghiệm thực tế, nâng cao kỹ năng thực hành.
Những chiếc khẩu trang chan chứa tình thầy trò
Cùng với nước sát khuẩn tay thì khẩu trang cũng là thứ không thể thiếu trong mùa dịch, tuy nhiên lúc cao điểm dịch bệnh, khẩu trang y tế trên thị trường lại khan hiếm. Để các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có khẩu trang đeo đến trường, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Trường An đã vận động ban Nữ công của trường tiến hành may khẩu trang.
Cô Phạm Hồng Luyến, giáo viên tổ Văn – Sử - Địa – Giáo dục công dân cho biết, sau khi tham khảo mẫu, ban Nữ công của trường có 16 giáo viên (chia thành 2 nhóm) để may. Mỗi người một việc, người thì đo vải, người thì cắt, số còn lại thì may khẩu trang.
Cuối cùng, nhà trường đã may được 1.500 chiếc khẩu trang và cũng chính thầy An là người đem đến từng nhà tận tay phát đến các em học sinh của trường, đặc biệt là các em có hoàn cảnh khó khăn.
Không những thế, xuất phát từ nhu cầu xử lý rác thải, xây dựng trường học “xanh-sạch-đẹp”, thầy An luôn trăn trở trước vấn đề giải quyết nguồn rác thải để bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe cho học sinh.
Bởi, nhà trường được xây dựng trên phần đất người dân hiến tặng mà xung quanh trường lại là vuông tôm của các hộ dân. Nếu nhà trường quản lý không chặt chẽ để rác xuống vuông sẽ phiền các hộ xung quanh.
“Trong một lần tình cờ đi công tác ở huyện Năm Căn, tôi có dịp tham quan lò hầm than của người dân địa phương nơi đây kết hợp với kỹ thuật xây dựng lò đốt rác của trạm Y tế xã. Cho nên, tôi nảy sinh ý tưởng xây dựng lò đốt rác cho trường. Tôi bắt đầu phác thảo ý tưởng lên trên giấy rồi thuê thợ địa phương xây dựng nhưng không ngờ thành công ngoài mong đợi”, thầy An chia sẻ.
Những việc làm của thầy thể hiện sự tận tụy với công việc, sự thân thiện, gần gũi, tình yêu thương, sự quan tâm, sâu sát, trách nhiệm đối với học sinh và đồng nghiệp của mình. Là một nhà giáo gương mẫu, luôn ý thức và đi đầu thực hiện khẩu hiệu của ngành giáo dục: “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương tự học - sáng tạo”.
Không dừng lại với mô hình lò đốt rác học đường, thầy Nguyễn Trường An còn đầu tư cả khu vườn chim rộng lớn “nuôi chim tập thể” để phục vụ cho mục đích dạy học. Thầy An bộc bạch: “Thay vì, học sinh học trên sách vở thì các em sẽ được tận mắt chứng kiến thực tế tại trường”.
Link nội dung: https://phano.net.vn/co-mot-nguoi-thay-hieu-truong-tan-tam-nhu-the-a11273.html