Tại một đồn điền dầu cọ ở Indonesia, nơi cung cấp nguyên liệu cho các hãng mỹ phẩm nổi tiếng thế giới, một lao động nữ 16 tuổi kể lại những điều kinh khủng. Cô bị ông chủ cưỡng bức giữa những tán cọ cao vút. "Tôi không thể hét vì bị hắn kẹp chặt miệng. Xung quanh cũng không có ai để cầu cứu. Sau đó, ông ta vung rìu trước mặt tôi, cảnh cáo tôi không được kể chuyện này ra ngoài", AP dẫn lời nạn nhân kể.
Tại một đồn điền khác, nữ lao động Ola kể cô thường xuyên bị sốt, ho và chảy máu mũi sau nhiều năm tiếp xúc với những loại thuốc trừ sâu nguy hiểm mà không có đồ bảo hộ. Chỉ kiếm được 2 USD/ngày, cô không đủ tiền đi khám sức khỏe.
Ita, một phụ nữ khác làm việc tại đồn điền dầu cọ cách đó vài trăm km, mất hai con trong những tháng cuối thai kỳ. Cô phải thường xuyên mang vác vật nặng gấp nhiều lần trọng lượng cơ thể khi mang thai, vì nếu không cô sẽ bị mất việc làm.
Theo AP, họ là những người phụ nữ "vô hình" trong số hàng triệu lao động nữ của ngành công nghiệp dầu cọ Đông Nam Á. Indonesia, cùng với nước láng giếng Malaysia, sở hữu hàng trăm đồn điền dầu cọ cung cấp hơn 85% loại dầu thực vật này cho toàn thế giới.
Dầu cọ đóng vai trò quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp sản xuất hàng hóa tiêu dùng và mỹ phẩm. Ảnh: AP. |
Ngành công nghiệp khổng lồ
Theo Bộ Trao quyền cho Phụ nữ, Indonesia là quốc gia sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới. Ước tính khoảng 7,6 triệu phụ nữ làm việc trong ngành công nghiệp dầu cọ, chiếm khoảng 50% tổng lực lượng lao động nữ ở quốc gia này.
Tại Malaysia, số lượng lao động nữ trong ngành dầu cọ nhỏ hơn Indonesia nhưng lại khó xác định cụ thể do số lượng dân di cư lao động ngoài biên chế cao. Trong nhiều thập kỷ trôi qua, dầu cọ trở thành một thành phần thiết yếu trong ngành công nghiệp thực phẩm, được dùng để thay thế cho các loại chất béo chuyển hóa không lành mạnh.
Bên cạnh đó, các công ty mỹ phẩm bị thu hút bởi các đặc tính kỳ diệu của dầu cọ. Dầu cọ có mặt trong hơn 75% sản phẩm chăm sóc cá nhân, từ mascara đến xà phòng, sữa tắm, kem chống nếp nhăn. Trong 20 năm qua, nhu cầu về dầu cọ tăng gấp 4 lần, khiến các công nhân Indonesia và Malaysia phải làm việc cật lực.
Trong một vài trường hợp, phụ nữ ở các đồn điền phải mang vác những thùng hóa chất độc hại nặng hơn 13 kg trên lưng và phân phối gần 303 lít hóa chất mỗi ngày. Nhiều phụ nữ làm nghề dầu cọ là những người trong cùng gia đình. Họ bắt đầu làm việc khi còn nhỏ cùng với cha mẹ. Họ không được đi học để biết chữ mà phải lao động từ sớm ở các đồn điền dầu cọ cho đến khi trưởng thành.
Một lao động nữ tại các đồn điền ở Indonesia kể về quá trình làm việc vất vả, môi trường độc hại. Ảnh: AP. |
Một số khác bỏ học giữa chừng để lao động kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Cô Indra, bỏ học khi ở tuổi thiếu niên và nhận việc tại Sime Darby Plantations của Malaysia, một trong những công ty sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới. Sau nhiều năm làm việc, cô tiết lộ cấp trên thường xuyên quấy rối cô bằng lời nói.
Cô kể: "Ông ấy nói với tôi những điều ghê tởm như 'Ngủ với tôi. Tôi sẽ cho cô một đứa con'". Ở tuổi 27, Indra khao khát bỏ đi, nhưng rất khó để xây dựng lại cuộc sống khi không có học vấn và kỹ năng nào khác. Những người phụ nữ như cô làm việc nhiều năm tại một đồn điền và không biết đến công việc nào khác.
Giống những công nhân khác, họ không đủ khả năng từ bỏ căn nhà dột nát được trợ cấp của công ty. Điều đó sẽ giúp các ông chủ đồn điền duy trì lực lượng lao động lâu dài và giá rẻ. “Tôi cảm thấy quen rồi", Indra nói. "Từ khi sinh ra đến nay, tôi chỉ ở trong đồn điền này".
Lạm dụng và bóc lột
Dầu cọ là nguyên liệu có mặt trong hầu hết sản phẩm ngày nay, từ khoai tây chiên, thuốc viên đến thức ăn cho vật nuôi. Dầu cọ cũng là thành phần quan trọng trong chuỗi cung ứng của một số tên tuổi lớn trong ngành mỹ phẩm trị giá 530 tỷ USD, bao gồm L'Oréal, Unilever, Procter & Gamble, Avon và Johnson & Johnson.
Khách hàng của những hãng mỹ phẩm này được được nâng niu và chăm sóc sắc đẹp, trong khi những lao động nữ cung cấp dầu cọ phải đối mặt với nạn lạm dụng, cưỡng bức và môi trường làm việc vất vả, độc hại. Những phụ nữ này trở thành nạn nhân của nạn lạm dụng tình dục theo nhiều cấp độ, từ quấy rối bằng lời nói cho đến đe dọa, và cưỡng hiếp.
Họ phải làm những phần công việc khó khăn và nguy hiểm nhất của ngành như ngập sâu trong vùng nước nhiễm hóa chất trong nhiều giờ liền hoặc mang vác nặng. Theo thời gian, tử cung của những phụ nữ này có thể bị ảnh hưởng vì lao động cực nhọc.
Đa số được thuê làm việc theo ngày bởi các thầu phụ và không được hưởng lợi ích và quyền lợi lao động. Ông Hotler Parsaoran, thành viên nhóm phi lợi nhuận Sawit Watch của Indonesia, cho biết: “Hầu hết mọi đồn điền đều có vấn đề liên quan đến lao động. Tuy nhiên, điều kiện lao động của công nhân nữ kém hơn nam giới rất nhiều".
Lao động nữ trong ngành khai thác dầu cọ phải chịu đựng sự bất công trong nhiều thập kỷ. Ảnh: AP. |
AP cho biết nam giới thường được thuê vào các vị trí cố định toàn thời gian như thu hoạch quả cọ và làm việc trong các nhà máy. Trong khi đó, phụ nữ thường là công nhân được làm thuê theo ngày, với công việc và mức lương không ổn định.
Trên hầu hết đồn điền, nam giới cũng là người giám sát, dẫn đến hành vi quấy rối và lạm dụng tình dục được dung túng. Nạn nhân 16 tuổi ở trên đã bắt đầu làm việc trong đồn điền dầu cọ kể từ năm 6 tuổi. Cô cho biết bị cưỡng bức bởi ông chủ, một người đàn ông đáng tuổi ông của cô.
Sự việc xảy ra vào năm 2017, ông chủ đưa cô đến một vùng hẻo lánh của đồn điền và tấn công cô. “Ông ta dọa giết tôi và cả gia đình tôi", cô nói. Cô cho biết đã bị cưỡng hiếp thêm 4 lần trong vòng 9 tháng. Gia đình đã nộp đơn trình báo với cảnh sát, nhưng đơn kiện bị hủy bỏ với lý do thiếu bằng chứng.
Sự im lặng của các tập đoàn mỹ phẩm
AP phỏng vấn hơn 30 phụ nữ tại ít nhất 12 công ty ở Indonesia và Malaysia về tình trạng lạm dụng và bóc lột lao động tại các đồn điền dầu cọ. Chính phủ Malaysia tuyên bố "không biết", còn Indonesia thừa nhận tình trạng lạm dụng tình dục và sức khỏe lao động đang là vấn nạn nghiêm trọng.
Không khó để điều tra hàng loạt những vụ lạm dụng và bóc lột tại các đồn điền dầu cọ tại hai quốc gia này. Thậm chí, các đại diện công đoàn, nhân viên y tế, quan chức chính phủ và luật sư cho biết từng chứng kiến một số trường hợp kinh khủng liên quan đến cưỡng hiếp tập thể và lạm dụng trẻ em dưới 12 tuổi bởi các quản đốc đồn điền.
Nhiều gia đình sống trong các đồn điền phải vật lộn để trang trải các chi phí cơ bản như điện nước và cơm ăn. Phụ nữ bị ép buộc sử dụng cơ thể để trả các khoản vay từ người quản đốc hoặc những lao động khác. Tình dục ép buộc được mang ra làm vật quy đổi để các gia đình này trang trải cuộc sống qua ngày.
Tuy nhiên, đa số công ty mỹ phẩm giữ thái độ dửng dưng. Trong số những trường hợp ít ỏi nạn nhân lên tiếng, các công ty không có hành động gì hỗ trợ. Mặt khác, đơn tố cáo của nạn nhân thường bị bác bỏ bởi lý do thiếu chứng cứ. Những người phụ nữ trong đồn điền không được ai giúp đỡ.
Các công ty mỹ phẩm hàng đầu không bảo vệ quyền lợi của lao động nữ tại các đồn điền dầu cọ. Ảnh: AP. |
Khi được yêu cầu bình luận về vấn nạn lạm dụng lao động nữ, hầu hết công ty đều tránh né và công bố số liệu cho thấy họ sử dụng rất ít dầu cọ trong các sản phẩm hoặc viện dẫn các cam kết nhân quyền trên website. Tuy nhiên, rất ít công ty và tập đoàn có hành động thực tế để cải thiện thực trạng này.
Theo AP, lạm dụng thậm chí xảy ra với các lao động nữ phục vụ gián tiếp dòng sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng như Tom’s of Maine hay Kiehl’s thông qua chuỗi cung ứng của các công ty mẹ khổng lồ Colgate-Palmolive và L’Oréal.
Trong số gần 100 vụ khiếu kiện liên quan đến ngành dầu cọ ở Indonesia và Malaysia trong thập kỷ qua, hầu hết dính líu đến các vấn đề chiếm dụng đất, tàn phá rừng và tận diệt động vật hoang dã. Rất ít vụ kiện tập trung vào vấn đề lao động cho đến gần đây, và phụ nữ hầu như không được nhắc đến trong tất cả khiếu nại.
Tội ác giữa ban ngày
Bà Aini Fitri, một quan chức thuộc Văn phòng Phụ nữ và Trẻ em của ở tỉnh Tây Kalimantan, Indonesia, nói: “Vị trí hẻo lánh của các đồn điền dầu cọ trở thành nơi lý tưởng để thực hiện hành vi cưỡng hiếp. Các đồn điền này quá hẻo lánh, vì vậy dù cho ngay giữa ban ngày, tội ác vẫn có thể xảy ra”.
Vào năm ngoái, một nhà thuyết giáo nữ bên trong đồn điền ở Indonesia bị hai công nhân tấn công tình dục và sát hại. Vụ án từng chấn động Indonesia. Hai kẻ thủ ác bị kết án tù chung thân. Indonesia có luật bảo vệ phụ nữ, ông Rafail Walangitan thuộc Bộ Trao quyền cho Phụ nữ và Bảo vệ Trẻ em cho biết vẫn tình trạng bạo hành, bóc lột và lạm dụng tình dục vẫn tồn tại ở các đồn điền dầu cọ.
Những người quen thuộc với vấn đề này cho biết chủ đề lạm dụng tình dục tại các đồn điền chưa bao giờ thu hút được nhiều sự chú ý của cộng đồng. Các công nhân nữ nghĩ dù có lên tiếng cũng khó thể thay đổi thực trạng này. Saurlin Siagan, một nhà hoạt động người Indonesia cho biết: “Họ nghĩ việc này xảy ra ở mọi nơi, do đó họ không muốn lên tiếng".
Bà Rosita Nengsih, Giám đốc Tổ chức Trợ giúp Pháp lý cho Phụ nữ, Trẻ em và Gia đình ở tỉnh Tây Kalimantan của Indonesia, cho biết hầu hết nạn nhân đều ngại tố cáo các vụ cưỡng hiếp vì khả năng cao vụ việc sẽ được dàn xếp thông qua "giải pháp hòa bình". Bà nói gia đình nạn nhân có thể được bồi thường bằng vật chất, còn kẻ thủ ác vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Đôi khi cha mẹ nạn nhân sẽ ép con gái kết hôn với kẻ hiếp dâm mình tránh điều tiếng nếu nạn nhân mang thai. Bà Nengsih thuật lại một trường hợp thương tâm của hai cô gái Indonesia 13 tuổi làm việc trên một đồn điền ở Malaysia. Hai chị em bị chính người giám sát cưỡng bức nhiều lần cho đến khi cả hai mang thai chỉ cách nhau 4 tháng. "Tuy nhiên, ông quản đốc không phải gánh chịu bất kỳ hình phạt nào”, bà Nengsih nói. “Ông ta vẫn tự do”.
Link nội dung: https://phano.net.vn/lao-dong-nu-bi-cuong-buc-boc-lot-tai-cac-don-dien-dau-co-dong-nam-a-a11067.html