Quyết định đó nằm trong tay bà Emily Murphy, người đứng đầu Cơ quan Dịch vụ Tổng hợp (GSA) trong chính phủ. Bà có trách nhiệm xác định người đắc cử tổng thống, từ đó chính thức bắt đầu quá trình chuyển giao: cho phép đội ngũ Biden cử người tiếp xúc với các ban ngành, và tiếp cận hàng triệu USD được dành sẵn cho việc chuyển giao.
Nhưng Tổng thống Trump vẫn phủ nhận kết quả và không chấp nhận thất bại, dù không đưa ra được bằng chứng nào về gian lận bầu cử. Vì vậy, bà Murphy đứng trước sức ép từ cả hai phía.
Bà Emily Murphy trong một lần phát biểu ở Washington ngày 21/9/2019. Ảnh: AP. |
“Tiến thoái lưỡng nan”
Dự tính được tình huống tiến thoái lưỡng nan này, bà Murphy đã nói chuyện qua Zoom với người tiền nhiệm cách đây 20 năm, ông Dave Barram, người từng phải quyết định trì hoãn quá trình chuyển giao, đợi kết quả của tranh cãi Bush - Gore năm 2000, theo AP.
Ông Barram cho biết ông đã chia sẻ với bà Murphy về sự khó khăn của việc kết luận về người thắng cử.
“Tôi nói với bà ấy, là ‘Tôi nhìn bà và tôi có thể thấy bà đang muốn làm điều đúng đắn”, ông Barram nói.
“Tôi nói lại lời mà mẹ tôi nói với tôi: ‘Nếu con làm điều đúng đắn, thì hậu quả thế nào con cũng sống được với nó’”.
Không giống bầu cử năm 2000, khi mà người thắng cử thực sự không rõ ràng trong nhiều tuần, lần này ông Biden rõ ràng đã giành số phiếu đại cử tri vượt xa ông Trump, với cách biệt đáng kể ở những bang sát nút nhất, lớn hơn nhiều so với cách biệt ở Florida năm 2000.
Nhưng bà Murphy chưa chứng nhận ông Biden là người thắng cử, và các quan chức chính quyền cho biết sẽ không cho ông Biden tiếp cận các báo cáo tình báo hàng ngày cho tới khi bà Murphy có kết luận.
Bà Murphy không phải nhân vật tên tuổi ở Washington, nhưng vì nắm trong tay một cơ quan quan trọng đối với hoạt động của chính phủ, bà vẫn vướng vào những tranh cãi.
Mắt xích quyền lực của chính phủ
Cơ quan 12.000 nhân viên của bà Murphy có nhiệm vụ quản lý chuỗi cung ứng và các bất động sản của chính phủ.
Bà Murphy, một luật sư, từng tự coi mình là “người nghiện công việc”, có chuyên môn sâu về mua sắm công, nhờ “tôi luyện” 20 năm qua ở nhiều vị trí trong chính phủ - nhân viên của Quốc hội, sau lên các vị trí cấp cao ở Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp Nhỏ (SBA) và Cơ quan Dịch vụ Tổng hợp (GSA).
Vượt qua sự chia rẽ đảng phái trong chính phủ, bà thăng tiến qua các chức vụ để rồi trở thành người đứng đầu GSA - một chức vụ không hào nhoáng hay được dư luận chú ý, nhưng vẫn là một mắt xích quyền lực của guồng máy chính quyền liên bang.
Tòa nhà của Cơ quan Dịch vụ Tổng hợp ở Washington. Ảnh: AP. |
“Tôi không ở đây để lên trang nhất báo chí hay tạo tên tuổi cho mình”, bà Murphy phát biểu tại phiên điều trần phê chuẩn ở Thượng viện vào tháng 10/2017. “Việc của tôi là góp phần làm chính phủ liên bang vận hành trơn tru hơn, hiệu quả hơn và phản ứng nhanh hơn với tiếng nói của người dân Mỹ”.
Nhưng bà không tránh được các tranh cãi. Khi bà lên nắm Cơ quan Dịch vụ Tổng hợp cuối năm 2017, đang có tranh cãi ở Quốc hội về trụ sở đang xuống cấp của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) ở trung tâm Washington. Tổng thống Trump sau đó hủy kế hoạch phá dỡ tòa trụ sở FBI.
Một số nghị sĩ Dân chủ tin rằng ông Trump không muốn có khách sạn khác nhảy vào phần đất này và cạnh tranh với khách sạn của ông tại Washington. Họ cáo buộc ông Trump có động cơ cá nhân khi quyết định không chuyển trụ sở FBI.
Khi các nghị sĩ hỏi về các thảo luận của GSA với ông Trump và cố vấn của ông, bà Murphy dường như có câu trả lời không hoàn toàn chính xác. Tổng thanh tra của GSA sau này kết luận bà Murphy đã trả lời “không đầy đủ, gây hiểu nhầm rằng bà không thảo luận với tổng thống” về tòa trụ sở FBI.
Trước đó, khi còn làm chức vụ thấp hơn ở GSA, bà cũng phản bác lại người đứng đầu GSA khi đó là Lurita Doan.
Năm 2007, cố vấn chính trị của Tổng thống George W. Bush, Karl Rove, tới họp với GSA và chỉ ra những mục tiêu tranh cử của đảng Cộng hòa khi đó. Bà Doan hỏi GSA có thể làm gì để “giúp các ứng viên của chúng ta”. Bà Murphy là một trong các nhân chứng đã khai với công tố viên về điều này.
Sau đó, bà rời chức vụ ở GSA, còn bà Doan cũng bị Tổng thống Bush yêu cầu từ chức.
Danielle Brian, giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Dự án Giám sát Chính phủ, nói vụ việc đó từng khiến bà tưởng rằng bà Murphy sẽ chống lại được áp lực từ ông Trump.
“Bà (Murphy) lúc đó đã thực sự là người thổi còi”, bà Brian nói với AP. “Tôi thực sự đã nghĩ bà (Murphy) có khả năng phản bác lại tổng thống. Nhưng thực tế dường như không đúng như vậy”.
Ông Barram, cựu lãnh đạo GSA thời bầu cử Bush - Gore, cho biết ông thông cảm với bà Murphy.
“Các nghị sĩ Cộng hòa lại đang muốn bà đi đầu, dũng cảm dù họ không dũng cảm như thế”, ông Barram nói. “Quyết định là ở bà Murphy, và một ngày bà sẽ phải ra quyết định. Nhưng họ có thể khiến mọi việc dễ hơn cho bà, nếu có 5-10 nghị sĩ lên tiếng và nói ‘ông Biden đã thắng’”.
Link nội dung: https://phano.net.vn/nguoi-phu-nu-quyen-luc-o-washington-chua-goi-ten-ong-biden-a10674.html