Trong vòng khoảng 1 tháng trở lại đây đã có 2 ngân hàng lên sàn UPCOM thành công là Ngân hàng Nam Á và Saigonbank. Ngoài ra đã có 2 ngân hàng chuyển sàn thành công là LPB và VIB. Đây có thể chỉ là màn mở màn cho làn sóng ngân hàng dồn dập lên sàn dịp cuối năm nhằm đáp ứng quy định của NHNN và đòi hỏi minh bạch của thị trường.
Thống kê cho thấy, trong tổng số 31 ngân hàng thương mại chỉ còn 9 cái tên chưa đưa cổ phiếu của mình lên thị trường chứng khoán tập trung là MSB, OCB, SeABank, VietABank, PGBank, DongABank, PVComBank, BaoVietBank và ABBank.
Đáng chú ý, trong 9 cái tên nói trên, ngoài một số ngân hàng đã có những thông tin khá chi tiết về kế hoạch lên sàn trong năm nay thì cũng có những ngân hàng vẫn im hơi lặng tiếng.
Những ngân hàng đã có kế hoạch niêm yết khá rõ ràng là MSB, SeABank, OCB và ABBank.
Mới đây, MSB công bố từ thông tin, từ 16h ngày 17/11/2020 cổ phiếu MSB sẽ tạm dừng chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư, việc chuyển nhượng sẽ được thực hiện trở lại vào ngày giao dịch đầu tiên của MSB trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE).
Ngày 7/10/2020, HOSE thông báo đã nhận hồ sơ đăng ký niêm yết của MSB. Theo đó, MSB đăng ký niêm yết 1.175 triệu cổ phiếu, tương đương với vốn điều lệ là 11.750 tỷ đồng.
Đầu tháng 11, SeABank cũng đưa ra thông báo chốt danh sách cổ đông để thực hiện đăng ký, lưu ký tập trung cổ phiếu. SeABank chốt danh sách cổ đông vào ngày 9/11/2020. Thời gian tạm ngừng chuyển nhượng cổ phiếu là từ 17h00 thứ Hai ngày 9/11/2020 cho đến ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu SeABank theo thông báo của Sở Giao dịch chứng khoán hoặc đến khi Hội đồng Quản trị có nghị quyết khác thay thế.
SeABank hiện có vốn điều lệ 12.088 tỷ đồng, tổng số cổ phiếu đang lưu hành là hơn 1,2 tỷ cổ phiếu, tổng số cổ phiếu đăng ký là hơn 1,2 tỷ cổ phiếu.
Đầu tháng 10, HOSE có văn bản xác nhận đã nhận hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu của OCB. Số lượng cổ phiếu đăng ký niêm yết là hơn 876,7 triệu cổ phiếu, tương ứng với vốn điều lệ của OCB 8.767 tỷ đồng. Trước đó, hồi cuối tháng 6/2020, OCB đã phát hành thành công 86.68 triệu cổ phiếu (chiếm 100% số lượng cổ phiếu đăng ký chào bán) cho Ngân hàng Aozora Nhật Bản.
Với trường hợp của ABBank, trong thông cáo phát đi vào cuối tháng 10/2020, ngân hàng này cho biết đã chính thức thông báo cho các cổ đông về việc chốt danh sách để thực hiện các thủ tục đăng ký chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), chuẩn bị cho việc đăng ký giao dịch/niêm yết cổ phiếu trên sàn.
Tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra trước đó, HĐQT ABBank cho biết trong trường hợp việc niêm yết chưa thể thực hiện được trong năm 2020, ABBank sẽ hoàn thành đăng ký lưu ký tập trung cổ phiếu tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) và thực hiện đăng ký giao dịch trên UPCOM.
Các ngân hàng còn lại là VietABank, PVComBank, BaoVietBank, DongABank, PGBank đến thời điểm hiện tại vẫn chưa công bố kế hoạch đưa cổ phiếu lên sàn.
Sau nhiều lần lỡ hẹn từ phía các nhà băng và gia hạn từ phía cơ quan quản lý, năm 2020 là hạn chót để các nhà băng thực hiện nhiệm vụ với cơ quan quản lý và cổ đông là lên sàn chứng khoán tập trung hướng tới minh bạch và hiệu quả.
Trong khi, các tổ chức đánh giá, xếp hạng tín nhiệm ở Việt Nam còn đang thiếu và yếu; đánh giá, xếp hạng tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không được công bố thì việc bắt buộc các TCTD phải lên sàn là rất cần thiết để tăng tính minh bạch cho thị trường. Nếu vì có những "trường hợp đặc biệt", ngoại lệ mà NHNN tiếp tục cho các tổ chức này lùi kế hoạch lên sàn thì sẽ là thiếu bình đẳng với các ngân hàng khác và các cổ đông đang trực tiếp tham gia xây dựng các ngân hàng này. Không chỉ là yêu cầu minh bạch từ phía nhà đầu tư, khi niêm yết, ngân hàng cũng được hưởng lợi ích của doanh nghiệp niêm yết. Việc minh bạch hóa thông tin sẽ tạo dựng sự tin tưởng của thị trường, người dân và nhà đầu tư.
Link nội dung: https://phano.net.vn/nhung-ke-hoach-niem-yet-con-bo-ngo-a10671.html