Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: 'Biển Đông là phép thử đối với nhiều vấn đề'

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng tình hình Biển Đông vẫn còn nhiều thách thức khó lường, tác động đến hoà bình, ổn định và hợp tác khu vực.

Phát biểu khai mạc tại hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 sáng 16/11, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá đại dịch Covid-19 đã gây nhiều xáo trộn trong đời sống quốc tế, làm xói mòn ổn định chung.

Trong bối cảnh đó, Biển Đông là phép thử đối với nhiều vấn đề quan trọng trong quan hệ quốc tế, thông cáo của Bộ Ngoại giao dẫn lời Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn.

Cụ thể, các vấn đề đó là khả năng duy trì đối thoại giữa các nước vì lợi ích chung; ứng xử của các nước lớn và việc bảo vệ luật pháp và tôn trọng các chuẩn mực ứng xử quốc tế; vai trò của các cơ chế đa phương trong việc quản lý căng thẳng, xây dựng lòng tin, thúc đẩy hợp tác, hướng tới giải quyết xung đột.

Bien Dong la phep thu anh 1

Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 đã khai mạc vào sáng 16/11 tại Hà Nội. Ảnh: Bộ Ngoại giao.

Ông Bùi Thanh Sơn cho rằng tình hình Biển Đông vẫn còn nhiều thách thức khó lường, tác động đến hòa bình, ổn định và hợp tác khu vực.

Trong đó, việc đơn phương diễn giải luật pháp quốc tế không phù hợp với chuẩn mực và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, cạnh tranh địa chính trị nước lớn và quân sự hóa Biển Đông làm tình hình thực địa tiếp tục diễn biến phức tạp, cản trở các tiến trình ngoại giao.

Bên cạnh đó, các vấn đề an ninh phi truyền thống trên biển ngày càng phức tạp, tác động đến cuộc sống hàng triệu người.

Để vượt qua những thách thức này, ông Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh các bên cần nêu cao tinh thần đối thoại, thúc đẩy hợp tác, cùng phát triển và cùng tìm các giải pháp hòa bình cho khác biệt và tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao kêu gọi các bên tăng cường hợp tác, biến Biển Đông thành vùng biển kết nối và hợp tác thay vì cạnh tranh và đối đầu; tăng cường xây dựng và duy trì một môi trường thuận lợi cho việc thúc đẩy hợp tác biển ở Biển Đông; chủ động phòng tránh nguy cơ đụng độ ngoài ý muốn trên biển; thúc đẩy hợp tác nhằm phục hồi kinh tế và cùng phát triển; hợp tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tăng cường nghiên cứu khoa học biển và phát triển bền vững ở Biển Đông; không ngừng hướng tới giải quyết hòa bình các yêu sách chồng lấn ở Biển Đông theo quy định của luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982.

Ông Bùi Thanh Sơn cũng nhấn mạnh các nước cần tiếp tục thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực, ủng hộ Tầm nhìn của ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và nhất trí việc ASEAN có một cách tiếp cận chiến lược chung đối với vấn đề an ninh biển khu vực; tạo điều kiện thuận lợi để ASEAN và Trung Quốc sớm hoàn thành đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC); không tiến hành các hoạt động đơn phương, cả quân sự và dân sự nhằm thay đổi nguyên trạng trên Biển Đông; tiếp tục đề cao, tôn trọng sự toàn vẹn và giá trị thống nhất, phổ quát của UNCLOS 1982, coi Công ước này là cơ sở pháp lý cho mọi hoạt động trên biển, đồng thời cần tôn trọng quyền lợi hợp pháp căn cứ theo luật pháp quốc tế của các bên liên quan ở Biển Đông.

Bien Dong la phep thu anh 2

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: Bộ Ngoại giao.

Phát biểu khai mạc hội thảo, tiến sĩ Phạm Lan Dung, quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, chia sẻ các nhận định của ông Bùi Thanh Sơn, đồng thời ghi nhận một số điểm sáng trong tình hình Biển Đông thời gian gần đây.

Năm 2020 chứng kiến nhiều quốc gia ven Biển Đông làm rõ hơn lập trường pháp lý ở Biển Đông thông qua các công hàm được trao đổi tại Liên Hợp Quốc. ASEAN tiếp tục thể hiện vai trò trung tâm, gắn kết khu vực trong bối cảnh nhiều thách thức.

Biển Đông tiếp tục nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Nhiều nước khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và thượng tôn pháp luật, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 diễn ra trong hai ngày 16-17/11/2020 với 8 phiên lớn và 1 phiên đặc biệt với các chủ đề:

(i) Tình hình Biển Đông trong tình hình thế giới biến động;

(ii) Vai trò của ASEAN với tầm nhìn sau năm 2025;

(iii) Tranh luận pháp lý bằng Công hàm tại Liên Hợp Quốc;

(iv) Cạnh tranh định hình công luận về Biển Đông và vai trò của báo chí;

(v) Xây dựng các quy tắc ứng xử để tránh va chạm tại Biển Đông;

(vi) Nguồn cá, nghề cá và bảo vệ tài nguyên sinh vật biển;

(vii) Nghiên cứu khoa học biển;

(viii) Khai thác tài nguyên biển bền vững;

(ix) Phiên đặc biệt cho phép giới trẻ chia sẻ quan điểm về vấn đề Biển Đông.

Link nội dung: https://phano.net.vn/thu-truong-bui-thanh-son-bien-dong-la-phep-thu-doi-voi-nhieu-van-de-a10459.html