Trực thăng Mi-24 bị bắn hạ: Nga lo ngại gì mà không ra đòn trừng phạt?

Nga được đánh giá không còn là một bá chủ “tự tin” như trước và đang cố gắng giải quyết vấn đề êm thấm thay vì có các biện pháp răn đe những kẻ thách thức.

Tiêu điểm - Trực thăng Mi-24 bị bắn hạ: Nga lo ngại gì mà không ra đòn trừng phạt?

Nga sẽ tham gia gìn giữ hòa bình ở Nagorno-Karabakh.

Lệnh ngừng bắn ở Nagorno-Karabakh

Trong bài viết hôm 10/11, tờ Moscow Times đã đặt câu hỏi: Liệu lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian giữa Armenia và Azerbaijan có thể hiện là một chiến thắng cho Moscow hay không?

Thỏa thuận ba bên về cơ bản sẽ điều phối lại các vùng lãnh thổ giữa Armenia và Azerbaijan. Các lực lượng Armenia phải rút khỏi các khu vực như quận phía Đông Agdam có ý nghĩa chính trị và vùng Lachin quan trọng về mặt chiến lược, với con đường chính nối Nagorno-Karabakh với Armenia.

Tuyến đường huyết mạch với tên gọi hành lang Lachin này được đảm bảo bởi 1.960 lính gìn giữ hòa bình Nga.

Trong khi có sự bất mãn lớn ở Armenia về việc Thủ tướng Nikol Pashinyan chấp nhận thỏa thuận mà bản thân ông cũng thừa nhận điều đó là "vô cùng đau đớn cho cả tôi và người dân của chúng tôi" - đối với Armenia - điều này ít nhất cũng ngăn chặn một thất bại toàn diện hơn ở Nagorno-Karabakh. Còn đối với Azerbaijan, lực lượng của quốc gia này đã chịu tổn thất nặng nề để đạt được thực trạng hiện tại.

Nhưng thỏa thuận có ý nghĩa gì đối với Moscow?

Điện Kremlin từ lâu đã coi Nam Caucasus là một phần của vùng ảnh hưởng, một khu vực mà nước này phải được thừa nhận là bá chủ khu vực.

Tuy nhiên, Nga dường như đã không có sự sẵn sàng tốt nhất để kiểm soát cuộc chiến kéo dài 6 tuần qua. Điều này càng nghiêm trọng hơn khi Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện sự ủng hộ rõ ràng cho Azerbaijan. Không chỉ Azerbaijan triển khai máy bay không người lái Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ để giành lợi thế trên chiến trường, mà có thông tin Ankara đã triển khai máy bay chiến đấu F-16 tới sân bay Ganja để nhằm mục đích ngăn chặn các cuộc tấn công của người Armenia. Ngoài ra, cũng có báo cáo nói rằng nước này đã đưa lính đánh thuê từ Syria tới yểm trợ, điều mà Ankara đã phủ nhận.

Các động thái trên thể hiện một thách thức rõ ràng đối với quyền bá chủ khu vực của Nga. Trong bối cảnh đó, có thể nhận thấy rằng thỏa thuận ngừng bắn là thỏa thuận ba bên, được ký kết giữa Moscow, Baku và Yerevan nhưng Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cũng tuyên bố rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đóng vai trò giám sát thỏa thuận.

Vậy liệu Moscow có đang khẳng định vai trò bá chủ của khu vực? Tờ Moscow Times cho rằng nỗ lực này không quá lớn.

Chuyên gia Mark Galeotti của Moscow Times nhận định, Armenia, quốc gia đặt niềm tin vào sự bảo vệ của Nga trước một Azerbaijan lớn hơn, giàu có hơn và vũ trang tốt hơn, đã buộc phải chấp nhận thất bại.

Azerbaijan đang chiến thắng, nhưng chiến thắng của họ - trong khi được Nga công nhận - thực sự là do Thổ Nhĩ Kỳ mang lại. Tổng thống Aliyev không giấu giếm về điều này, và trong bài phát biểu của ông về lệnh ngừng bắn đã cảm ơn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Nga chấp nhận vị thế suy giảm?

Tiêu điểm - Trực thăng Mi-24 bị bắn hạ: Nga lo ngại gì mà không ra đòn trừng phạt? (Hình 2).

Nga làm trung gian giữa Armenia và Azerbaijan.

Nga có thể đóng vai trò gìn giữ hòa bình, nhưng điều này cũng được cho là một gánh nặng thêm cho quân đội và ngân khố của nước này. Giới phân tích cho rằng, việc Nga buộc phải nâng cao cam kết để duy trì vị thế của mình trong khu vực dường như không phải là dấu hiệu của sự tiến bộ mà nó cho thấy Moscow đang phải có những nỗ lực cụ thể để giảm bớt nguy cơ vai trò của nước này đang ngày càng suy giảm ở nơi vốn được gọi là “sân sau”.

Ở Trung Á - nơi Moscow vẫn được coi là quốc gia mang tầm ảnh hưởng lớn nhất thì đằng sau hậu trường, sức mạnh kinh tế của Trung Quốc ngày càng chiếm ưu thế. Ở Nam Caucasus lần này là sự góp mặt của Thổ Nhĩ Kỳ. Nga phải chấp nhận rằng “sân sau” của mình đang phải đón nhận những người chơi mới mà nước này sẽ khó có thể cản bước hoàn toàn.

Không phải Nga không có đủ tiềm lực chính trị và quân sự để hành động nhanh chóng và quyết đoán hơn, mà bản thân nước này đã chấp nhận thực tế như vậy, chuyên gia Mark Galeotti nêu quan điểm.

Cùng ngày với thỏa thuận ngừng bắn, một tên lửa đất đối không của Azerbaijan đã bắn hạ một máy bay trực thăng Mi-24 của Nga trong không phận Armenia. Baku đã gửi lời xin lỗi và bồi thường tới Moscow.

Vụ việc khiến người ta liên tưởng đến vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-24 của Nga vào tháng 11/2015 khi tham gia chiến đấu ở miền Bắc Syria gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Putin thể hiện sự tức giận và tố cáo hành động này là "một cú đâm sau lưng". Các biện pháp trừng phạt sau đó đã được áp đặt đối với mọi lĩnh vực từ lớn đến bé của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên lần này bộ Ngoại giao Nga thể hiện sự thông cảm khi Baku ngay lập tức thừa nhận lỗi lầm của mình mà không có bất kỳ hành động trừng phạt hay trả đũa nào được thực hiện.

Có quan điểm cho rằng, phản ứng như vậy cho thấy Nga đã không còn là một bá chủ “tự tin” như trước. Nga đang cố gắng giải quyết vấn đề êm thấm thay vì có các biện pháp răn đe những kẻ thách thức.

Tuy nhiên, một quan điểm khác nhấn mạnh rằng, Nga đã khéo léo tận dụng sai lầm không mong muốn của Azerbaijan làm yếu tố gia tăng áp lực buộc nước này phải chấp nhận thỏa thuận mà Moscow đã kêu gọi.

Liệu lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian giữa Armenia và Azerbaijan có thể hiện là một chiến thắng cho Moscow hay không sẽ còn phải chờ đợi những tiến triển mới về đàm phán để hướng tới một nền hòa bình lâu dài.

Nhưng có một điều không phủ nhận rằng, vai trò bá chủ của Nga ở Trung Á hay cụ thể là Nam Caucasus đang vấp phải sự cạnh tranh ngày càng lớn từ những đối thủ quen mặt.

Link nội dung: https://phano.net.vn/truc-thang-mi-24-bi-ban-ha-nga-lo-ngai-gi-ma-khong-ra-don-trung-phat-a10414.html