Đua nhau khuyến mãi, doanh thu tiền tỷ
Mới đây, đại diện hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã đưa ra những số liệu ấn tượng của toàn ngành trong năm 2020.
Tiếp nối đà tăng trưởng hơn 30% mỗi năm, chỉ trong năm nay, số lượng truy cập mua sắm trên các sàn thương mại điện tử đã tăng hơn 150% so với cùng kỳ. Riêng nhóm 4 đơn vị dẫn đầu (Tiki, Shopee, Lazada và Sendo) có hơn 4 triệu lượt mua sắm mỗi ngày.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch VECOM chỉ ra, đại dịch Covid-19 đã trở thành tác nhân thúc đẩy sự bùng nổ của thương mại điện tử. Tuy nhiên, các doanh nghiệp không hề “ngư ông hưởng lợi” vì 80 - 90% hàng hoá phải là nhập về. Khi siết chặt quản lý biên giới, nguồn cung hàng hoá hay đường vận chuyển cũng đứt gãy.
“Khó khăn kinh tế khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn. Thay vì là túi xách hàng hiệu trị giá hàng nghìn USD, người ta sẽ mua những mặt hàng thiết yếu như nước rửa tay, gạo, mỳ gói,… nên giá trị đơn hàng giảm xuống.
Nhưng bù lại, đã có thêm hàng triệu người trở thành khách hàng. Như phụ huynh dạy con học online rồi dần dần mua hàng qua mạng. Từ đó đã đẩy nhanh thay đổi thói quen của người dân đối với thương mại điện tử”, ông Dũng phân tích.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tuấn, Phó giám đốc trung tâm Xúc tiến thương mại & đầu tư TP.HCM cũng đánh giá: “Trong khu vực Đông Nam Á, tốc độ phát triển thương mại điện tử trong năm 2020 của Việt Nam ở mức khá nhanh, vượt trội so với các quốc gia khác. Việt Nam đang trở thành thị trường tiềm năng, được nhiều nhà đầu tư, nhà bán lẻ hướng đến”.
Bằng chứng là nhiều chương trình ưu đãi mua sắm đang được các sàn thương mại điện tử triển khai từ ngày 11/11. Đại diện sàn Lazada tiết lộ, đơn vị này đã đưa ra tổng giá trị voucher giảm giá dành cho người dùng lên đến 22 tỷ đồng với hơn 1 triệu lượt voucher được tung ra mỗi ngày.
Tương tự, Shopee cũng áp dụng nhiều chương trình sale hấp dẫn như mã miễn phí vận chuyển, chương trình đồng giá 1 nghìn đồng/sản phẩm, 11 triệu voucher giảm giá tới 50%,…
Từ chính sách kích cầu đó, các sàn thương mại điện tử trong dịp cuối năm đã đạt mức doanh thu tiền tỷ. Như sàn Lazada đã đạt 38,4 tỷ USD vào ngày 11/11/2019. Cùng thời điểm, số lượng đơn hàng và khách hàng trên Tiki cũng cao gấp 4 lần so với ngày thường.
Siết chặt kiểm tra cả người bán lẫn bên vận chuyển
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, Phó chánh văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường Nguyễn Kỳ Minh nhận định: “Bên cạnh sự phát triển tích cực, thương mại điện tử cũng tồn tại không ít vấn đề khiến cơ quan chức năng luôn phải tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý. Nổi cộm nhất là tình trạng chào bán hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn nhiều phức tạp”.
Những đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để buôn bán hàng giả, hàng lậu, hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật thường có trình độ và am hiểu nhất định về công nghệ thông tin hoặc có đội ngũ kỹ thuật chuyên trách việc này.
Đồng thời cũng tận dụng công nghệ để lẩn tránh cơ quan chức năng, xóa bỏ dấu vết giao dịch, ẩn danh trên mạng Internet, gây khó khăn cho việc xác minh thông tin.
“Việc kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng đòi hỏi phải có dấu hiệu, chứng cứ vi phạm cụ thể. Trong khi các giao dịch, thanh toán trên mạng đều có rủi ro bị hủy, xóa dấu vết rất nhanh, không có địa điểm kinh doanh rõ ràng, không thể kiểm tra được ngay. Ngay cả website thương mại điện tử, các trang đích dùng để bán hàng cũng có thể bị đóng trong tích tắc”, ông Nguyễn Kỳ Minh nói.
Theo đánh giá của Tổng cục Quản lý thị trường, chỉ 2 năm vừa qua, rất nhiều hàng hoá được mua bán, giao nhận là hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ngoài trách nhiệm của chủ sàn hay chủ cửa hàng, vấn đề quản lý còn đề cập đến đơn vị vận chuyển. Nhiều gói hàng chỉ ghi thông tin qua loa là dụng cụ kỹ thuật. Nhưng khi kiểm tra lại là hàng cấm như hơi cay, súng ống,...
“Các đơn vị giao nhận phải trả lời cho khách hàng về danh tính người gửi, thông tin hàng hoá,...nếu không muốn đối diện với nhiều rủi ro pháp lý.
Trong đó, phải kiểm tra hoá đơn chứng từ và đối chiếu kiểm tra trước khi chấp nhận giao nhận kiện hàng. Bởi trong thực tế, có nhiều doanh nghiệp giao nhận bỏ qua quy trình này để tăng lợi nhuận”, ông Minh cảnh báo.
Và khi không thể hỗ trợ cơ quan chức năng tìm kiếm người gửi gói hàng bị kiểm tra, doanh nghiệp vận chuyển sẽ đối diện rủi ro bị xử lý về hành vi cố ý vận chuyển hàng nhập lậu nếu xe vận chuyển đang lưu thông trên đường.
Khi hàng đã nhập vào kho và bị phát hiện là hàng lậu hàng giả, đó là hành vi cố ý tàng trữ nhập lậu. Còn hành vi cố ý giao nhận hàng hoá nhập lậu là đối với giai đoạn cuối quá trình giao nhận.
Chính vì thế, không chỉ trong thời điểm cuối năm 2020, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo cục Quản lý thị trưởng các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, xử lý trên môi trường mạng như bán hàng online, các tài khoản livetream bán hàng….nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Sắp sửa luật để nâng cao giám sát
Hiện tại, cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (bộ Công thương) đang chủ trì xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định số 52/2013/NĐ-CP. Đặc biệt là các nội dung liên quan đến điều kiện thiết lập các website và ứng dụng thương mại điện tử để kinh doanh các mặt hàng kinh doanh có điều kiện, hạn chế kinh doanh.
Yêu cầu minh bạch hóa thông tin sản phẩm, ghi nhãn hàng hóa hiện hành (kể cả nhãn phụ, nhãn gốc) và các thông tin về người bán. Cùng với đó, quy định mới sẽ tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu các sàn thương mại điện tử trong quản lý hoạt động.
Link nội dung: https://phano.net.vn/bung-no-mua-hang-online-can-than-trong-truoc-nhieu-rui-ro-a10358.html