Triều cường tại Cần Thơ bất ngờ vượt báo động III sớm hơn dự báo

Ngày 13/11, mực nước triều cường tại thành phố Cần Thơ bất ngờ dâng cao vượt báo động III, gây ngập cho khu vực nội ô thành phố.

trieu cuong tai can tho bat ngo vuot bao dong iii som hon du bao
Người dân đẩy xe máy qua điểm ngập sâu trên đường Huỳnh Cương, quận Ninh Kiều, ngày 18/10/2020. (Ảnh: TTXVN)

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ, mực nước đỉnh triều trên các sông, rạch thuộc thành phố đang lên nhanh trong ba ngày qua (kỳ triều cường đầu tháng 10 âm lịch).

Mực nước cao nhất vào sáng 13/11 trên sông Hậu, đo tại Trạm Cần Thơ là 2,05m, cao hơn mức báo động III là 5 cm. Nhiều tuyến đường trong nội ô thành phố thuộc các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn, Cái Răng tiếp tục bị ngập sâu.

Bản tin trưa ngày 13/11 của Đài Khí tượng Thủy văn thành phố Cần Thơ cho biết, mực nước đỉnh triều trên các sông rạch tại thành phố sẽ tiếp tục lên cao với khả năng lên mức 2,2-2,25 m (cao hơn mức báo động III là 0,2-0,25 m), cao hơn đỉnh triều cường trong con nước xuất hiện cách đây một tháng là 8 cm.

Đỉnh của đợt triều cường này sẽ xuất hiện trong các ngày 16, 17/11; thời gian xuất hiện đỉnh triều hàng ngày vào lúc sáng sớm (từ 4 - 6 giờ) và chiều tối (lúc 16 - 18 giờ). Đây là đợt triều cường lớn trong năm, cần chủ động ứng phó với tình trạng ngập lụt ở các vùng trũng thấp và các đô thị ven sông.

Dẫn biểu đồ mực nước trên sông Hậu từ năm 2013 đến nay, ông Nguyễn Quí Ninh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ cho biết, mực nước đợt triều cường này đến thời điểm hiện tại đã cao hơn các năm trước đây. Trong vòng 8 năm trở lại đây, chỉ có năm 2013 cao 2,02 m. “Nước lên rất nhanh, đường biểu đồ khá thẳng đứng. Theo nhận định, mức nước đỉnh triều đợt này có thể lên 2,25 m, cao hơn dự báo vào ngày 11/11 là 12 cm.”, ông Ninh cho biết.

Trước đó, ngày 11/11, Đài Khí tượng Thủy văn thành phố Cần Thơ nhận định, đỉnh triều cao nhất tại trạm Cần Thơ trên sông Hậu trong đợt triều cường đầu tháng 10 âm lịch có khả năng lên mức 2,08-2,13 m (cao hơn mức báo động III là 0,07-0,13 m) và sẽ xuất hiện trong các ngày 15, 16 và 17/11/2020.

So với đợt triều cường xuất hiện nửa cuối tháng 10 và đầu tháng 11/2020, mực nước trên các con sông ở Cần Thơ đang dâng nhanh hơn bình thường. Cụ thể, từ mức 1,01 m ngày 11/11 đã lên 1,84 m vào ngày 12/11 và tiếp tục tăng thêm 0,21 cm, đạt 2,05 m trong ngày 13/11. Rất có thể con nước triều cường này sẽ xấp xỉ với đỉnh triều lịch sử từng xuất hiện tại Cần Thơ vào năm 2019, đạt mức 2,25 m.

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu các thiệt hại do triều cường gây ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ yêu cầu ngành chức năng, các quận, huyện tập trung lực lượng phân luồng, điều tiết giao thông tại các tuyến đường ngập sâu, các điểm giao lộ, bố trí lực lượng hỗ trợ phương tiện giao thông chết máy do nước ngập sâu; tổ chức rào chắn, căng dây, lắp đặt biển cảnh báo nguy hiểm tại khu vực ngập sâu, đường giao thông và vỉa hè cặp ao, hồ, sông, rạch để tránh nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân; vận động, hỗ người dân bảo vệ vườn cây ăn trái, diện tích lúa đông xuân 2020-2021 vừa được gieo sạ…

Đối với quận Ninh Kiều, nơi chịu ảnh hưởng nặng trong các đợt triều cường, các đơn vị cần tăng cường kiểm tra, vận hành có hiệu quả các van ngăn triều để hạn chế tối đa nước từ sông theo các đường cống chảy ngược vào đô thị; tổ chức kiểm tra nắp hố ga trên các tuyến đường, vỉa hè tránh hố sâu nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân; tổ chức khai thông, thu gom rác tại các miệng cống thoát nước, cửa thu nước đảm bảo nước rút dễ dàng, nhanh khi triều xuống. Cùng với đó, các đơn vị rà soát toàn bộ các tuyến đường bị ngập sâu trên địa bàn, trụ chiếu sáng, đèn chiếu sáng, tín hiệu giao thông để tránh rò rỉ điện, có thể gây nguy hiểm cho người dân khi triều cường dâng cao.

Trong đợt triều cường của con nước ngày 19/10, mực nước đạt 2,17 m, cao hơn báo động III 17 cm khiến hàng loạt tuyến đường ở trung tâm thành phố Cần Thơ như: Nguyễn Văn Cừ, Mậu Thân, Lý Tự Trọng, Cách Mạng Tháng Tám, khu vực hồ Xáng Thổi, hồ Búng Xáng... bị ngập rất nặng, có nơi sâu hơn 0,5 m.

Nước ngập sâu khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn; nhiều phương tiện chết máy, ùn tắc cục bộ. Sau khi triều cường rút, một số tuyến đường đã bị hư hỏng phần mặt đường, xuất hiện nhiều ổ gà, ảnh hưởng đến giao thông.

2020 là năm thứ ba liên tiếp đỉnh triều tại Cần Thơ vượt trên 2,15 m, kể từ năm 2013. Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về Đồng bằng sông Cửu Long nhận định: Tình trạng ngập ở các đô thị thuộc vùng giữa của Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có thành phố Cần Thơ hiện giờ đã mang tính quy luật là “đến hẹn lại ngập”.

Nếu như con nước cuối tháng 8 âm lịch hàng năm thường được cho là đợt triều cao nhất trong năm do thủy triều từ biển Đông vào gặp nước lũ từ thượng nguồn sông Mekong đổ về, nhiều nguyên nhân khác khiến tình trạng ngập nặng hơn được chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện chỉ ra là: sụt lún đất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nước biển dâng và đê bao khép bảo vệ các vùng sản xuất, khiến nước không tràn được vào trong các kênh rạch.

PV

Link nội dung: https://phano.net.vn/trieu-cuong-tai-can-tho-bat-ngo-vuot-bao-dong-iii-som-hon-du-bao-a10349.html