Tích cực tuyên truyền để người dân hiểu đúng về bảo hiểm xã hội

Tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện hiện chưa cao (1 triệu/90 triệu dân). Do đó cần thống nhất chính sách, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu đúng ý nghĩa của BHXH.

An sinh xã hội là nền tảng phát triển bền vững

Đó là vấn đề quan trọng được đưa ra tại buổi tập huấn với chủ đề: “Pháp luật về chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế” tổ chức ở Bắc Ninh ngày 12/11 do hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức. 

Tham dự buổi tập huấn, về phía hội Luật gia Việt Nam có TS.Nguyễn Văn Quyền - Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch hội Luật gia Việt Nam, ông Nguyễn Văn Huệ - Ủy viên Ban thường vụ Trung ương Hội, Trưởng ban nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật cùng lãnh đạo hội Luật gia các tỉnh thuộc khu vực Đông bắc. 

Về phía UBND tỉnh Bắc Ninh có ông Đào Quang Khải - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Hồ Nguyên Hồng-Tỉnh uỷ viên, Giám đốc sở Tư pháp, Chủ tịch hội Luật gia Bắc Ninh, ông Phạm Đức Cường - Giám đốc và ông Nguyễn Văn Tình - Phó giám đốc BHXH tỉnh cùng lãnh đạo 1 số sở, ban, ngành của tỉnh. 

Phát biểu khai mạc, TS.Nguyễn Văn Quyền cho biết, Bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT) là 2 chính sách lớn của quốc gia.

Chính sách - Tích cực tuyên truyền để người dân hiểu đúng về bảo hiểm xã hội

TS.Nguyễn Văn Quyền và ông Đào Quang Khải chủ trì buổi tập huấn. 

Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chỉ đạo xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội (ASXH), bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, coi đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước. 

Bên cạnh những thành tựu thì công tác BHXH, BHYT thời gian vừa qua cũng tồn tại một số hạn chế nhất định và nguyên nhân chính đó là công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao.

Do đó, hội Luật gia Việt Nam và Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức tập huấn. Hy vọng thông qua tập huấn, các đại biểu tham dự sẽ là những nhân tố quan trọng, tích cực lan tỏa tới người dân và cộng đồng doanh nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về BHXH, BHYT.

Chính sách - Tích cực tuyên truyền để người dân hiểu đúng về bảo hiểm xã hội (Hình 2).

Các đại biểu tham dự tập huấn. 

Tại buổi tập huấn, GS.TS Lê Hồng Hạnh - Tổng biên tập tạp chí Pháp luật và Phát triển, hội Luật gia Việt Nam đã trình bày chuyên đề: "Pháp luật bảo hiểm xã hội hiện hành và nhìn từ góc độ phát triển bền vững". 

GS.TS Lê Hồng Hạnh cho biết, qua khảo sát thực tế tại nhiều địa phương, đặc biệt đồng bào vùng sâu, vùng xa, người dân vẫn chưa hiểu đúng, hiểu rõ về an sinh xã hội.

Người dân nói rằng, họ biết về chính sách BHYT, BHXH thông qua cán bộ y tế địa phương nhưng họ không nắm được mình được hưởng những gì từ chính sách đó.

Trong khi đó, các cán bộ hướng dẫn cũng chưa hiểu đúng về an sinh xã hội, họ nói với người dân rằng “Nhà nước cho bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu”. Đó là quan điểm sai lầm, vì an sinh xã hội là quyền con người và là trách nhiệm của Nhà nước. Nhà nước căn cứ vào ngân sách để điều chỉnh chế độ chính sách đến người dân.

GS.TS Lê Hồng Hạnh cũng nêu thực trạng, đội ngũ tư vấn viên, tuyên truyền viên về an sinh xã hội hiện có 25 nghìn người nhưng đồng bào vẫn chỉ biết thông tin “hời hợt” qua cán bộ y tế.

Chính sách - Tích cực tuyên truyền để người dân hiểu đúng về bảo hiểm xã hội (Hình 3).

PGS.TS Lê Hồng Hạnh. 

GS.TS Lê Hồng Hạnh còn cho biết, công ước và luật pháp quốc tế đều chú trọng và khẳng định đảm bảo tốt an sinh xã hội là nền tảng phát triển bền vững với mỗi quốc gia. Các nước giàu có về tài nguyên, tiền bạc nhưng người dân không được thụ hưởng chính là nguyên nhân gây ra bất ổn.

Tại Việt Nam, chính sách an sinh xã hội luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Trong khoảng 5 năm qua đã có những bước phát triển đột phá. Đặc biệt, với chương trình nghị sự phát triển bền vững “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, những đồng bào vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số… đã nhận được nhiều chính sách của nhà nước.

Tuy nhiên, cơ chế vận hành hiện nay vẫn chưa thống nhất và còn những bất cập.

Tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện chưa cao

Nói rõ hơn về bất cập trên, ông Nguyễn Văn Tình, Phó giám đốc BHXH tỉnh Bắc Ninh, cho biết riêng với Bắc Ninh đã có những chính sách và chỉ số  “đi trước” cả nước.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng cho thấy một hạn chế của Bắc Ninh nói riêng và cả nước nói chung. Cụ thể, mặc dù chính sách BHXH ở nước ta đã có nhiều ưu việt nhưng nhưng số người tham gia BHXH tự nguyện còn chưa cao. Cụ thể, chỉ có 1 triệu dân so với hơn 90 triệu dân tham gia.

Lý giải về tỷ lệ này, ông Tình cho biết có 2 nguyên nhân. Về phía người dân, dù nhà nước đã hỗ trợ 30% chi phí tham gia với hộ nghèo, tương ứng là 25% với hộ cận nghèo và 10% hộ khác. Tuy nhiên, người nghèo và hộ cận nghèo gần như không tham gia. Đối tượng còn lại thuộc diện thu nhập bấp bênh, công việc không ổn định nên họ cũng rất ít tham gia.

Chính sách - Tích cực tuyên truyền để người dân hiểu đúng về bảo hiểm xã hội (Hình 4).

Ông Nguyễn Văn Tình, Phó giám đốc BHXH tỉnh Bắc Ninh.

Người dân cho rằng chính sách chưa đủ hấp dẫn với thời gian tham gia quá dài (20 năm). Tâm lý chung của người dân cũng chưa có thói quen để dành cho tương lai.

Ngoài ra, về phía tổ chức thực hiện, việc thực hiện chế độ chính sách thuộc trách nhiệm của các cấp ủy chính quyền nhưng nhưng một số địa phương vẫn chưa hiểu đúng về BHXH. Từ đó việc phối hợp với các đoàn thể chưa chặt chẽ, thường xuyên.

Việc hình thành đại lý còn bất cập, đội ngũ nhân viên phần lớn là cán bộ viên chức kiêm nhiệm nên chuyên môn trình độ chưa cao...

Tại buổi tập huấn, các đại biểu cũng lắng nghe PGS.TS Nguyễn Hiền Phương (Phó viện trưởng viện Luật so sánh và An sinh xã hội, đại học Luật Hà Nội) trình bày 2 chuyên đề: “Luật BHYT và thực tiễn thi hành ở Việt Nam” và “Chính sách pháp luật BHXH Việt Nam”.

Các đại biểu được giải thích rõ ràng về khái niệm, bản chất, ý nghĩa của BHXH cùng cơ chế, chính sách, thuận lợi, khó khăn trong việc thực thi triển khai BHXH.

Chính sách - Tích cực tuyên truyền để người dân hiểu đúng về bảo hiểm xã hội (Hình 5).

PGS.TS Nguyễn Hiền Phương.

Theo bà Phương, hệ thống văn bản pháp luật BHYT, BHXH hiện còn hạn chế, bỏ lọt một số đối tượng như lao động di cư (đối tượng người dân khó kiểm soát). Phạm vi thanh toán của BHYT là chữa bệnh, trong khi phòng bệnh mới là cốt lõi bởi phòng hơn chữa. Đây là điều rất đáng chú ý, cần thay đổi bởi chi phí khám bệnh thấp hơn chữa bệnh nhiều.

Bên cạnh đó, BHYT thiếu quan hệ với bảo hiểm thương mại. Thực tế, bảo hiểm thương mại sẽ từ chối tất cả những gì BHYT đã thanh toán. Nói cách khác bảo hiểm thương mại chỉ thanh toán những gì ngoài phạm vi BHYT thanh toán. Do đó cần tuyên truyền để người dân hiểu rõ quyền lợi trước khi đi tham gia mỗi loại bảo hiểm. 

Do đó bà Phương cho rằng, cần đặt ra các yêu cầu hoàn thiện pháp luật BHYT như: Tiếp tục sửa đổi bổ sung luật BHYT năm 2014; hoàn thiện quy định về quyền lợi của người tham gia, chú trọng y tế dự phòng, y tế cơ sở, đa dạng hoá quyền lợi người tham gia được hưởng; Giảm tối đa việc người bệnh phải tự chi trả bằng tiền túi; Tăng cường cơ sở vật chất của bệnh viện...

Theo các đại biểu, cần có những chính sách, biện pháp đồng bộ đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân hiểu đúng ý nghĩa của BHXH. Từ đó nhiều người tham gia và được hưởng chính sách nhân văn của BHXH mang lại. 

Link nội dung: https://phano.net.vn/tich-cuc-tuyen-truyen-de-nguoi-dan-hieu-dung-ve-bao-hiem-xa-hoi-a10272.html