Đại biểu Dương Trung Quốc: Phải đóng phí môi trường trước khi xây thủy điện
Phát biểu tranh luận tại phiên làm việc Quốc hội sáng nay (5/11), đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, doanh nghiệp tham gia xây dựng dự án thủy điện phải đóng trước một khoản tiền coi như phí môi trường để sau này dừng khai thác còn khắc phục.
Hôm nay (5/11), Quốc hội tiếp tục ngày làm việc toàn thể thứ 3, với 29 đại biểu đã đăng ký và sẽ tham gia thảo luận, trong đó tập trung vào dự thảo Nghị quyết về kinh tế - xã hội, điều chỉnh dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách và phân bổ ngân sách trung ương năm 2021 và các nội dung quan trọng khác.
Qua 3 ngày thảo luận kinh tế - xã hội, vấn đề thủy điện và nguyên nhân gây ra lũ lụt ở miền Trung được nhiều ĐBQH đặc biệt quan tâm.
Theo Zing, phát biểu tranh luận sáng nay, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, nếu chúng ta không nhìn nhận đúng về câu chuyện thủy điện thì sẽ để lại hậu quả nặng nề trong vài chục năm nữa.
Đại biểu đồng tình với việc doanh nghiệp tham gia xây dựng dự án thủy điện phải đóng trước một khoản tiền coi như phí môi trường để sau này dừng khai thác còn khắc phục. Còn nếu dừng rồi mới phải xử lý, doanh nghiệp sẽ tìm cách thoái thác.
“Việc xây dự án thủy điện phải có chế tài, Nhà nước phải nắm đằng chuôi. Còn nhiều doanh nghiệp tìm cách thoái thác, bỏ đi. Yếu tố lợi ích nhóm sẽ để lại nhiều tổn hại cho sau này”, ông Quốc nói.
Tại phiên thảo luận hôm qua (4/11), nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại các thủy điện nhỏ gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Ông Dương Trung Quốc cho rằng, khi xét về lợi hay hại của hệ thống thủy điện nhỏ, chúng ta mới bàn câu chuyện hôm nay, nhưng khoảng 40 - 50 năm sau, khi đã hết khấu hao, không còn hiệu quả kinh tế thì những công trình xây ở những nơi rừng sâu nước thẳm này là vấn đề cần quan tâm.
"Khi đó nguồn lực nào để quản lý các công trình này. Ngay từ bây giờ khi xây dựng chúng ta phải nhìn thấy kết cục đó. Chắc chắn nó là di sản mà thế hệ con cháu phải xử lý", ông nói.
Tương tự, các dự án điện năng lượng mặt trời hiện nay khi không còn sử dụng nữa thì hàng nghìn ha rác thải sẽ được xử lý như thế nào?
Dự án thủy điện lấy đất rừng tự nhiên sẽ không được xem xét
Theo Vnexpress, tiếp tục giải đáp ý kiến đại biểu về thủy điện nhỏ ảnh hưởng đến môi trường và xử lý như thế nào khi hết khấu hao, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nói "chúng ta có những quy trình pháp lý rất bài bản để quản lý".
Báo cáo về kinh tế kỹ thuật và báo cáo đánh giá tác động môi trường sẽ giúp các cấp có thẩm quyền đánh giá hiệu quả dự án và tác động tiêu cực. Đối với các dự án thủy điện thì đã có tiêu chí sử dụng đất; nếu vượt qua 10 ha đất/1MW hoặc lấy đất rừng tự nhiên sẽ không được xem xét.
Về các thủy điện nhỏ hết khấu hao, luật quy định chủ đầu tư chịu trách nhiệm tháo dỡ, báo cáo cấp có thẩm quyền. Tương tự, với điện mặt trời, các chủ đầu tư cũng phải xử lý rác thải từ các tấm pin năng lượng mặt trời sau khi dự án hết thời hạn. "Trên thực tế chỉ 3% từ các tấm pin này chứa những chất có thể ảnh hưởng đến môi trường", ông Tuấn Anh nói.
Lãnh đạo ngành công thương nhấn mạnh, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án rất quan trọng, giúp cấp có thẩm quyền thông qua dự án hay không. Vì vậy, các báo cáo này đều phải đăng công khai trên trang điện tử và mọi người có cơ sở để đánh giá.
Không nên vì lũ lụt mà đổ hết cho thủy điện
Tham gia tranh luận về chủ đề lợi ích và tác hại của thủy điện nhỏ, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, đợt lũ lụt vừa qua ở miền Trung đặt ra vấn đề phải có quan điểm lịch sử về thủy điện.
Ông dẫn chứng, khi xây dựng thủy điện sông Đà, mục tiêu ban đầu là trị thủy. Bởi đây là con sông hùng vĩ, hung dữ trải qua bao đời. Sau đó, Việt Nam cùng các chuyên gia Liên Xô xây dựng, lúc đầu nhằm mục đích trị thủy rồi mới đến phát điện.
"Vì mục đích trị thủy đầu tiên nên thủy điện sông Đà được sử dụng chủ yếu để điều tiết lũ, giúp Hà Nội tránh được các trận lụt lịch sử. Năm 1971, chúng ta phải phá đê Chương Mỹ để cứu Hà Nội, nhưng từ khi có thủy điện sông Đà thì lũ được điều tiết tốt", ông Vân nói.
Tuy nhiên, ông Vân cho rằng, mặt trái của thủy điện là sự lạm dụng của các nhà đầu tư. "Nói về thủy điện thì các nhà chuyên mộn phải nghĩ đến thủy công, điều tiết dòng chảy để tránh thiệt hại cho nhân dân. Nhưng một số chủ đầu tư lạm dụng quy trình ấy để trục lợi thông qua phá rừng, lấy gỗ quý", ông nói và nêu quan điểm khi đánh giá cần khách quan, nhiều chiều, cần xét đến cả vai trò tích cực của thủy điện với cộng đồng. "Không nên vì lũ lụt mà đổ hết cho thủy điện", ông nói.
Kiến nghị thay thủy điện bằng năng lượng sạch
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho rằng dự án thủy điện có 2 mặt, nếu các cơ quan thực hiện đúng quy định, thì nên củng hộ.
“Tôi kiến nghị Bộ trưởng cũng nên lưu ý những tiêu cực ấy nên được kiểm soát một cách hiệu quả hơn”.
Nhắc lại quan điểm của đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng các dự án thủy điện như quả bom nổ nhậm, ông Thịnh cho rằng điều này cũng có phần đúng.
“Đây là nhận thức chủ quan trên điều kiện khách quan. Còn nếu đúng là quả bom nổ chậm thì chúng ta phải tháo”, ông Thịnh đề nghị.
Bày tỏ đồng tình với các giải pháp Bộ Công Thương đang thực hiện, đại biểu tỉnh Khánh Hòa kêu gọi nên đồng tình với các giải pháp đó, từng bước tháo gỡ những yếu tố tiêu cực, nâng hiệu quả sử dụng các dự án này.
Trước đó, tại phiên thảo luận ngày 4/11, Phó trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng đồng tình với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh rằng “thủy điện có tính 2 mặt”, song đặt câu hỏi: Chúng ta lấy thước đo nào để khẳng định rằng, mặt tốt của thủy điện là ưu việt và mặt xấu chỉ là tạm thời?
Cho rằng thủy điện tiềm ẩn nguy cơ, ông Nhưỡng kiến nghị thay thế bằng các năng lượng xanh, sạch như điện gió, điện mặt trời.
"Tôi cũng không chống lại vấn đề làm thủy điện, nhưng phải làm thế nào đây để đất nước không thấy đau đớn, không thấy xót xa, không thấy thiệt thòi?”, ông Nhưỡng đặt vấn đề, và lưu ý cả Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ TN-MT đều thống nhất quan điểm không đánh đổi môi trường lấy sự phát triển kinh tế, và chúng ta đã từng có kế hoạch đóng cửa rừng thì nên thực hiện theo đúng phương châm này.
Hà Linh
Link nội dung: https://phano.net.vn/dai-bieu-duong-trung-quoc-phai-dong-phi-moi-truong-truoc-khi-xay-thuy-dien-a10246.html