Với chủ đề “Duy trì hoà bình và hợp tác trong bối cảnh có nhiều biến động”, Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 diễn ra trong hai ngày, từ 16-17/11, được tổ chức bởi Học viện Ngoại giao, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông, cùng Hội Luật gia Việt Nam.
Hội thảo năm nay sẽ quy tụ khoảng 40 diễn giả là các chuyên gia hàng đầu ở trong và ngoài nước; 250 đại biểu là học giả, quan chức, ngoại giao đoàn, doanh nghiệp và báo chí đến từ nhiều nước trên thế giới cùng đại biểu tham gia trực tuyến từ nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới. Hội thảo sẽ thảo luận các diễn biến liên quan đến khu vực nói chung và Biển Đông nói riêng cả từ khía cạnh địa chính trị và khía cạnh pháp lý, vai trò và tầm nhìn của ASEAN về Biển Đông, cùng các vấn đề an ninh biển truyền thống và phi truyền thống nổi lên hiện nay.
Các phiên thảo luận diễn ra trên nhiều lĩnh vực trong đó có thể có các chủ đề như Biển Đông trong thế giới đại dịch virus Covid-19 (dự kiến sẽ đánh giá diễn biến mới ở Biển Đông bắt nguồn từ căng thẳng nội bộ và liên quốc gia do Covid- 19 gây ra ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương); Tầm nhìn của ASEAN sau 2025: ASEAN sẽ đóng vai trò gì ở Biển Đông (cùng tìm cách trả lời các câu hỏi như “Biển Đông sẽ ảnh hưởng đến môi trường chiến lược của khu vực sau năm 2025 như thế nào?”, “ASEAN hình dung về bản thân ra sao trong cấu trúc an ninh khu vực, đặc biệt trong việc giải quyết những vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống ở Biển Đông?”, “Vai trò nào phù hợp nhất với ASEAN: quan sát viên, trung gian hòa giải hay một chủ thể đóng vai trò trung tâm và tích cực trong quản lý tình hình và thúc đẩy hợp tác? Làm cách nào để ASEAN tăng cường vai trò của mình?”); Cuộc tranh luận công hàm và tương lai đàm phán COC và hợp tác ở Biển Đông (“Cuộc tranh luận công hàm” là một diễn biến mới ở Biển Đông trong năm 2020 với hơn 20 công hàm và tuyên bố ngoại giao làm rõ lập trường pháp lý đến từ cả những nước trong và ngoài khu vực đối với nhiều khía cạnh của vấn đề Biển Đông).
Đặc biệt, dự kiến sẽ có một phiên dành riêng cho truyền thông với chủ đề Cạnh tranh định hình câu chuyện: Truyền thông đang định hình nhận thức ở Biển Đông như thế nào. Các đại biểu sẽ bàn thảo hiện tượng truyền thông (nhà báo, học giả, đạo diễn phim, v.v…) không còn đơn thuần là bên quan sát mà đã trở thành bên liên quan trong vấn đề Biển Đông, có sức mạnh gây ảnh hưởng lên quan điểm công chúng và chính sách các nước. Nhiều chủ thể đang dần có xu hướng sử dụng truyền thông để kể những câu chuyện khác nhau về Biển Đông với mục đích định hình quan điểm và ý kiến công chúng, mang lại lợi ích cho chính sách của riêng mình.
Các chủ đề khác cũng có thể được thảo luận như Va chạm bất ngờ hay va chạm cố ý: Xây dựng các quy tắc để ngăn chặn sự cố trên biển; Cá – nghề cá – ngư dân: quan hệ giữa môi trường, kinh tế và thấu cảm; Khoa học biển: khoa học công nghệ ảnh hưởng thế nào đến trật tự hiệu quả trên biển; và Phát triển biển bền vững – sức mạnh tương lai của đại dương; v.v... Đáng chú ý, khả năng có một phiên đặc biệt mang tên Góc nhìn của các lãnh đạo trẻ, tại đó, lãnh đạo trẻ từ các nước trong và ngoài khu vực tham gia hội thảo (theo hình thức trực tuyến) sẽ chia sẻ suy nghĩ và quan điểm về Biển Đông.
Trước khi diễn ra tám phiên thảo luận chính thức, sẽ có diễn văn khai mạc của các khách mời đặc biệt, trong đó dự kiến có Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền – Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 14 nhiệm kỳ 2016-2021, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Danh dự Hội Hữu nghị Việt Nam - Ucraina.
Link nội dung: https://phano.net.vn/tuan-toi-hoc-gia-quoc-te-thao-luan-ve-bien-dong-a10215.html