Từ nay đến cuối năm tỉ giá sẽ ổn định
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát hồi cuối tháng 1/2020, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã hạ lãi suất điều hành về mức 0-0,25% (cận dưới-cận trên) và tái khởi động lại chương trình mua vào trái phiếu (hay còn gọi là nới lỏng định lượng “QE”), trong nỗ lực nhằm giải cứu nền kinh tế Mỹ khỏi suy thoái do đại dịch gây ra. Chính sách nới lỏng chưa từng có tiền lệ cùng với triển vọng tăng trưởng kinh tế tiêu cực của nước Mỹ trong năm 2020 đã khiến đồng USD suy giảm. Ngày 2/11, chỉ số đo sức mạnh đồng USD đã giảm 2,4% kể từ đầu năm.
Tính đến ngày 30/10, tỉ giá trung tâm giữa VND/USD mới chỉ tăng nhẹ 0,2% so với thời điểm đầu năm lên mức 23.201 đồng/USD, tỉ giá trên thị trường tự do cũng ghi nhận mức tăng tương tự. Tỉ giá được hỗ trợ mạnh bởi thặng dư thương mại và dự trữ ngoại hối liên tục gia tăng trong thời gian qua.
Cụ thể, xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam tăng 4,7% so với cùng kỳ, đạt 229,3 tỷ USD, trong khi nhập khẩu chỉ tăng nhẹ 0,6% so với cùng kỳ, lên mức 210,6 tỷ USD, qua đó thặng dư thương mại đạt mức 18,7 tỷ USD trong kỳ, tăng gấp đôi so với mức 9,3 tỷ của cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng lên mức 92 tỷ USD vào cuối tháng 8/2020, từ mức 80 tỷ USD hồi cuối năm 2019. VNDIRECT dự báo tỉ giá sẽ duy trì xu hướng ổn định từ nay đến cuối năm 2020.
Tiền đồng có thể mạnh lên và tác động trái chiều trong năm 2021
Các chuyên gia của VNDIRECT cho rằng “đồng USD yếu” trong năm 2021 do Fed tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Bên cạnh đó, việc đồng nhân dân tệ (NDT) mạnh lên trong những tháng gần đây có thể giúp thu hẹp thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, qua đó hỗ trợ tỉ giá. Tính đến ngày 2/11, đồng NDT ghi nhận mức tăng 3,9% so với đồng USD kể từ đầu năm 2020. Trong bối cảnh các yếu tố thúc đẩy tiền đồng mạnh hơn đang nổi lên, VNDIRECT dự báo tỉ giá VND/USD sẽ biến động trong biên độ hẹp +/- 0,5% trong năm 2021 (thay đổi từ dự báo cũ là VND giảm 0,5-1,5% so với USD).
Các chuyên gia của VNDIRECT nhận thấy một số tác động tích cực của tỉ giá mạnh như: Kích thích dòng vốn đầu tư vào Việt Nam; giảm bớt gánh nặng thanh toán nợ nước ngoài; giảm bớt mất cân bằng thương mại giữa Mỹ và Việt Nam cũng như giảm nhẹ cáo buộc “thao túng tiền tệ” của phía Mỹ nhắm vào Việt Nam thời gian qua.
Tuy nhiên, việc tiền đồng tăng giá có thể làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt đối với nông sản, nguyên liệu thô và hàng hóa chưa qua chế biến. Các chuyên gia cho rằng tác động tiêu cực trên sẽ không lớn và được bù đắp một phần thông qua việc đồng NDT liên tục tăng giá thời gian qua.
Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có được lợi trong thương mại quốc tế với xu hướng tăng giá của đồng NDT? Trung Quốc vẫn tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, do đó biến động của đồng NDT có tác động lớn tới triển vọng xuất nhập khẩu của Việt Nam. Các chuyên gia dự báo đồng NDT có thể tăng thêm 2,0-3,0% so với đồng USD trong năm 2021, trong khi đồng VND cũng mạnh lên nhưng với tốc độ chậm hơn.
Do đó, các chuyên gia cho rằng khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam với hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc vẫn có thể được duy trì. Tuy nhiên, sự mạnh lên của tiền đồng có thể làm suy giảm khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam so với hàng xuất khẩu của Indonesia, Thái Lan và Ấn Độ, trong bối cảnh đồng nội tệ của các quốc gia này đang mất giá. Tuy vậy, các chuyên gia nhận định, tác động tích cực của việc đồng NDT tăng giá đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ lấn át tác động tiêu cực của việc tiền đồng mạnh lên trong năm 2021.
Link nội dung: https://phano.net.vn/bien-dong-ti-gia-va-nhung-tac-dong-trai-chieu-len-xuat-nhap-khau-a10152.html