Chia sẻ tại tòa đàm Tự chủ đại học và những vướng mắt cần tháo gỡ do báo Người Lao Động tổ chức sáng 12/11, TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, nói sau câu chuyện lùm xùm tại ĐH Tôn Đức Thắng, nhiều hội thảo, tọa đàm bàn về vấn đề tự chủ đại học hiện nay.
Điều đó cho thấy bước đầu thực hiện quyền tự chủ đại học, dù đã được luật hóa, vẫn còn một số vướng mắc.
TS Nguyễn Đức Nghĩa nhắc về vụ việc lùm xùm ở ĐH Tôn Đức Thắng. Ảnh: Người Lao Động. |
Hệ thống luật chưa đồng bộ
TS Nguyễn Đức Nghĩa thông tin hiện có 240 trường đại học, học viện. Từ năm 2014, 23 cơ sở giáo dục đại học bắt đầu thí điểm thực hiện tự chủ tương đối toàn diện theo nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ.
"Tự chủ đại học không chỉ thực hiện theo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi, mà còn chịu sự chi phối của các luật khác như Luật Tài sản công, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Công chức - Viên chức… Do vậy, khi thực hiện Luật Giáo dục đại học sửa đổi cũng phải rà soát, sửa đổi các luật trên và các quy định dưới luật", ông Nghĩa nói.
Ngoài ra, theo TS Nghĩa, việc tự chủ đại học cũng phải đi kèm những điều kiện khác như thành lập hội đồng trường, phân tách giữa quản lý và quản trị trong trường đại học.
Tương tự, PGS.TS Vũ Văn Nhiêm, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng Luật Giáo dục Đại học và các văn bản hướng dẫn thi hành, quy định chi tiết Luật Giáo dục Đại học không phải là văn bản quy phạm pháp luật duy nhất cơ sở giáo dục phải tuân thủ. Ngược lại, trong mỗi lĩnh vực nhất định, các trường chịu sự điều chỉnh của các quy phạm pháp luật tương ứng với lĩnh vực đó. Điều đáng nói, các quy định pháp luật này hiện không có sự đồng bộ, nhất quán.
Ông lấy ví dụ khi thực hiện tự chủ về tài chính và tài sản, Luật Giáo dục Đại học năm 2012, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học năm 2018, Nghị định 99 cần có sự đồng bộ với Luật đầu tư công, Luật Ngân sách. Bởi lẽ, vấn đề về tài chính và tài sản là đối tượng điều chỉnh chủ yếu của các luật về tài chính, đầu tư công, kiểm toán, kế toán.
Do đó, ông cho rằng khi Luật Giáo dục Đại học đã được sửa đổi và các văn bản hướng dẫn thi hành, quy định chi tiết được ban hành thì đỏi hỏi phải có sự sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan cho phù hợp.
"Chiếc áo đã quá chật"
Trao đổi tại tọa đàm, TS Đàm Quang Minh, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Phú Xuân (Huế), nói trong Luật Giáo dục Đại học 2012 đã nêu mục tiêu của các cơ sở giáo dục đại học là “đào tạo nhân lực, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu khoa học, công nghệ tạo ra tri thức, sản phẩm mới…”. Như vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực được đặt lên hàng đầu.
Trong phương thức quản lý tập trung trước đổi mới, nguồn nhân lực do Nhà nước điều phối nên các trường đại học đều theo hướng chỉ tiêu từ nhà nước theo các chuyên ngành là phù hợp.
"Nhưng hiện nay, không thể phủ nhận lực lượng lao động đã hình thành thị trường lao động cạnh tranh và từ đó, tư duy quản lý theo mệnh lệnh hành chính và theo quy hoạch, chuyên ngành đã thực sự không còn phù hợp", ông Minh đánh giá.
TS Đàm Quang Minh đề xuất phân chia lại việc quản lý về mặt Nhà nước đối với các trường đại học. Ảnh: Minh Nhật. |
Thực tế, rất nhiều bộ, ngành đang là đơn vị chủ quản của nhiều trường. Ví dụ, Bộ Công Thương là cơ quan chủ quản của 34 trường đại học, cao đẳng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang quản lý 32 trường đại học, cao đẳng, Bộ Y tế chủ quản 11 trường.
Bên cạnh đào tạo các ngành thế mạnh theo quản lý của cơ quan chủ quản, các trường đại học, cao đẳng hiện nay cũng giảng dạy rất nhiều chuyên ngành khác nhau theo nhu cầu xã hội.
Theo TS Đàm Quang Minh, việc phân bổ ngân sách cho các bộ rồi bộ phân tiếp cho trường trực thuộc là không phù hợp, khiến cho bộ máy cồng kềnh, thiếu tập trung vào nhiệm vụ quản lý.
Trong khi đó, việc đào tạo nhân lực và nghiên cứu khoa học - nhiệm vụ chủ yếu của trường đại học - mang tính phân vùng và khu vực hơn là phân ngành.
TS Minh đề xuất các trường đại học quốc gia, đại học vùng sẽ do cấp trung ương quản lý, các trường đại học sẽ do địa phương quản lý nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Các trường chuyên ngành đặc thù như an ninh, quốc phòng sẽ là học viện, chỉ đào tạo những ngành mà các trường đại học khác không đào tạo được.
Link nội dung: https://phano.net.vn/ts-dam-quang-minh-de-xuat-sap-xep-lai-co-quan-chu-quan-truong-dai-hoc-a10000.html